- Ừ, đúng rồi, người lớn phải làm những việc đúng để con nít noi theo.
Con bé nghiêm mặt lại, không biết nó bắt chước điệu bộ ấy của ai: "Sáng nay mẹ làm vỡ bông hoa pha lê của con để trên bàn học mà mẹ không xin lỗi con. Thường khi con làm sai, mẹ vẫn bảo là có lỗi thì phải biết nhận lỗi mà".
- Ừ, thì sáng sớm nay đang mải dọn dẹp nhà cửa, đồng hồ báo thức đổ chuông lớn làm mẹ giật mình nên mẹ mới lỡ tay làm rơi bông hoa. Lúc đó con còn chưa thức làm sao mẹ xin lỗi được.
- Nhưng bây giờ con thức rồi - nó bướng bỉnh, không chịu bỏ qua.
- Ừ thì… mẹ lỡ tay, cho mẹ xin lỗi nhé! Chiều nay mẹ sẽ chở con đi nhà sách để mua lại cho con bông hoa.
Tôi qua nhà chị hàng xóm chơi, đến cửa, có tiếng khóc vọng ra. Hình như đang có chuyện gì đó giữa hai mẹ con họ. Tiếng cậu bé tức tưởi: “Khi con la mắng oan cho em thì mẹ bắt con phải xin lỗi em. Nhưng lần này mẹ làm sai thì mẹ lại không xin lỗi con. Con nhắc thì bị mẹ la thêm. Như vậy là không đúng”. Hình như tương tự chuyện nhà tôi. Quả thật là cha mẹ thì chẳng ai chưa từng mắc lỗi với con cái.
“Trẻ con chẳng nghĩ ngợi hay để bụng điều gì đâu” là lối suy nghĩ thường thấy ở các bậc phụ huynh. Liệu có thật như thế không? Vì suy nghĩ đơn giản nên với trẻ đúng là đúng và sai là sai mà không cần nghĩ đến nguyên nhân sâu xa. Cũng bởi lẽ đó, trẻ con dễ tha thứ lỗi lầm của người lớn. Chị bạn đồng nghiệp của tôi có cách xin lỗi con rất riêng. Hôm trước do mải công việc mà chị quên mất giờ đón con khiến cô bé phải ngồi chờ khá lâu trong sân trường vắng lặng. Sau khi nhận lỗi với con, chị “chịu phạt” bằng cách tự tay nấu món ăn mà cô bé thích.
Sếp của tôi đang phải đau đầu vì chỉ tiêu cuối quý, vừa về đến nhà, thấy thằng con chìa thư mời phụ huynh ra sếp đã la mắng con. Cậu con mếu máo “đâu phải lỗi tại con, tại ba giữ sổ liên lạc cả tháng nay không chịu ký tên để con đem vào lớp nộp nên cô mới mời ba lên gặp”. Sếp giật mình: “Cả tháng nay ba bận công việc mà, sao con không nhắc ba?”. Thằng bé lại nhăn nhó: “Con nhắc rồi mà lần nào ba cũng nói là ba đang bận, đừng làm phiền. Ba đâu có chịu nghe lời con nói đâu”. Lúc này sếp tôi mới nhận ra rằng cậu con giận mình thật rồi nhưng không hiểu sao sếp tôi vẫn không thể nói câu xin lỗi với con mình. Giải quyết công việc đối với sếp dù vất vả nhưng có vẻ dễ hơn là giải quyết rắc rối giữa hai cha con lúc này.
Biết xin lỗi khi làm sai là điều người lớn luôn dạy trẻ và trẻ con thực hiện điều đó khá tốt. Ngược lại, chúng ta thì khó khăn để thực hiện nó. Trong mắt con cái, cha mẹ luôn là thần tượng. Có nên chỉ vì lời xin lỗi khó nói mà để hình ảnh tốt đẹp của cha mẹ trong lòng con trẻ bị suy giảm, uy tín của cha mẹ cũng từ đó mà suy giảm theo?
Nhiều thói quen của trẻ được hình thành từ gia đình. Và muốn điều chỉnh những thói quen không tốt của trẻ cũng phải bắt đầu từ gia đình, trong đó, nhân tố quyết định chính là phụ huynh. Đừng để trẻ là “bản sao” những hình ảnh không đẹp của mình.