Hoàng cung xa xỉ và rộng lớn nhất thế giới không phải là Cố cung, không phải Cung điện Louvre của Hoàng gia Pháp, cũng không phải Cung điện Buckingham của Vương thất Anh, mà chính là Đại Minh cung tọa lạc ở Tây An, Trung Quốc.

Lớn gần gấp 5 lần Tử Cấm Thành, đây mới là Hoàng cung hoành tráng nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 1.

Đại Minh cung không phải thuộc về thời nhà Minh, mà là thời Đường, là tòa cung điện có quy mô lớn nhất trong số ba toà cung điện chủ yếu trong thành Trường An Đường triều (bao gồm Đại Minh cung, Thái Cực cung, Hưng Khánh cung).

Cung điện này còn được gọi là Đông Nội, là quần thể cung điện hoàng gia đời nhà Đường nằm ở phía Đông Bắc của thành Trường An. Đại Minh cung trở thành trung tâm chính trị quốc gia trong suốt 234 năm. 17 vị Hoàng đế Đường triều trong giai đoạn từ Đường Cao Tông đến Võ Tắc Thiên đều xử lý chuyện triều chính tại Hoàng cung này. 

Cái tên “Đại Minh cung” xuất hiện trong cuốn “Thi kinh - Đại nhã”: “Như nhật chi thăng, tắc viết Đại Minh” (tạm dịch: Như mặt trời mọc lên cao, bèn gọi là Đại Minh).

Vậy Đại Minh cung hoành tráng đến mức nào?

Đại Minh cung được khởi công xây dựng vào năm Trinh Quán thứ 8 (năm 634), dưới đời Hoàng đế Đường Thái Tông. Ban đầu nơi này là một bộ phận vườn thượng uyển của nhà Tùy Đường, sau đó Đường Thái Tông đã xây dựng Cung Vĩnh An cho cha của mình là Lý Uyên.

Lớn gần gấp 5 lần Tử Cấm Thành, đây mới là Hoàng cung hoành tráng nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 2.

Sau khi Đường Cao Tông kế vị, ông cho rằng Thái Cực cung (nơi ở hiện tại của Hoàng đế), quá ẩm ướt nên đã cho tiến hành một đợt mở rộng Đại Minh cung trên quy mô lớn vào năm Long Sóc thứ 2 (năm 662), đổi tên thành Bồng Lai cung và chuyển vào ở nơi này. Năm 670, cung điện này được đổi tên một lần nữa thành Hàm Nguyên cung trước khi lấy lại tên cũ là Đại Minh cung vào năm 705.

Hoàng cung này là quần thể kiến trúc cung điện lớn nhất thế giới, chiếm hơn 354ha, gấp 4,5 lần diện tích của Tử Cấm Thành, tức Cố cung ngày nay, gấp 13 lần diện tích Cung điện Louvre.

Cả khu cung điện có thể được chia làm hai bộ phận: tiền triều và nội đình. Tiền triều được sử dụng chủ yếu cho các buổi triều hội. Nội đình chủ yếu phục vụ cho nhu cầu cư trú và thưởng lãm. Cửa chính của Cung Đại Minh là Cổng Đan Phượng kết nối với trục đường chính rộng 176m. 

Đường trục chính của Đại Minh cung phân bố 3 cung điện lớn: Hàm Nguyên điện, Tuyên Chính điện, Tử Thần điện, hợp thành Tam đại điện.

Bên cạnh hồ Thái Dịch trì có một tòa kiến trúc gọi là Lân Đức điện, là nơi tổ chức quốc yến (bữa tiệc mang tầm cỡ lớn) của Đường triều.

Lớn gần gấp 5 lần Tử Cấm Thành, đây mới là Hoàng cung hoành tráng nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 4.

Lân Đức điện có diện tích hơn 10.000 mét vuông, tương đương với 6 Thái Hòa điện của Tử Cấm Thành. Theo sử sách ghi chép, Đường Đại Tông đã mời hơn 3.500 tham mưu cùng tướng sĩ đến nơi đây tổ chức yến tiệc, thế mà cũng chưa thể lấp đầy chỗ trống.

Tam đại điện của Đại Minh cung nối liền nhau trên trục chính, phân bố theo kết cấu “trước đường sau phòng”. Kết cấu thiết kế kiến trúc này cũng được các triều tiếp theo như Tống, Nguyên, Minh học tập để xây dựng Hoàng cung. Đơn cử chính là Tử Cấm Thành, 3 điện chính (Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện) nằm trên một đường thẳng trung tâm nối liền.

Chỉ tiếc là Đại Minh cung hào hoa lộng lẫy này đã 3 lần chìm trong biển lửa vào giai đoạn cuối Đường triều, cuối cùng chỉ còn lại tro tàn. Cụ thể là: Đến thời Đường Hi Tông, Đại Minh cung liên tục gặp chiến hỏa, đến năm 896 thì Chu Ôn (người sau này ép vị vua Đường cuối cùng thiện nhượng ngôi vị cho mình) ra lệnh thiêu hủy cung điện năm 896. Truyền kỳ về cung điện lớn nhất thế giới này cứ thế biến mất.

Hiện nay, Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc) vẫn còn di tích của Đại Minh cung. Năm 1961, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa di tích Đại Minh cung vào danh sách văn vật được bảo hộ trọng điểm toàn quốc. Năm 2010, Công viên Quốc gia Di chỉ Đại Minh cung được thành lập để trưng bày cũng như bảo hộ di tích. Đến năm 2014, cung Đại Minh là một phần của Di sản thế giới Con đường tơ lụa được UNESCO công nhận.