Mới đây, bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bệnh nhi bị thương nặng phần chân vì côn trùng cắn.
Cụ thể, bé P.B.Q.H (11 tuổi, quê Long An) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nôn ói, nóng, sốt hơn 42 độ, ho. Đặc biệt, chân bé H. sưng lên rất lớn.
Theo lời kể từ người nhà, ba ngày trước khi đang chơi tại sân vườn gia đình bên nội, bé trai kiến cắn rất nhiều ở chân khiến em ngứa ngáy khó chịu. Cha mẹ nghĩ không có chuyện gì, tuy nhiên thời gian sau chân bé H. càng lúc càng sưng to lên. Được chuyển đến bệnh viện đa khoa Long An, bé trai được điều trị bằng kháng sinh, tuy nhiên tình trạng không cải thiện mà càng lúc càng nặng hơn. Đỉnh điểm là việc chân bé to gấp đôi bình thường và có đấu hiệu nhiễm trùng, lở loét. Quá lo lắng, gia đình đã chuyển cậu bé đến bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM).
BS Huỳnh Thị Thanh Thảo, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy bé trai bị nhiễm độc từ những vết kiến cắn. Đáng nói là chất độc sau khi bị kiến cắn không bị thải ra mà vẫn nằm dưới da khiến em bị viêm mô tế bào. Đây là một loại nhiễm trùng nguy hiểm, nếu mang đến trễ, khả năng bé H, có thể bị mất chân, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Nếu không cảnh giác, trẻ có thể bị nguy hiểm từ những ctai nạn nhỏ hay vết cắn côn trùng. (Ảnh minh họa)
"Hàm lượng acid formic trong người của bé cao, chứng tỏ trong máu có rất nhiều độc tố. Những độc tố này có thể phá hủy nội tạng của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được điều trị lâu dài mới có hy vọng làm sạch hoàn toàn độc tố trong máu và trở lại bình thường" - BS Thảo nói thêm.
Hiện tình trạng của bé H. đã ổn định và đã được cho xuất viện. Được biết tính trung bình một năm, BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận từ 5-10 bệnh nhi gặp nguy hiểm do côn trùng tấn công. Dù không nhiều nhưng nếu phụ huynh không cảnh giác, nguy cơ con em có thể bị nạn vì vết cắn của các loại côn trùng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.