Chiều 31/8, báo Tiền Phong tổ chức buổi toạ đàm "Học online giữa đại dịch sao cho hiệu quả?". Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng GDPT, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong một hai ngày tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có ban hành hướng dẫn, nhiệm vụ năm học. Trong đó có hướng dẫn lớp 1,2,3,4 phải làm gì.
Sở GD&ĐT định hướng rõ là từ 1-12/9 giáo viên tổ chức họp để thống nhất với phụ huynh về thời gian, chuẩn bị thiết bị và hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị khi học trực tuyến.
Nếu dịch vẫn phức tạp thì từ ngày 12 -23/9, tổ chức dạy học trực tuyến bình thường, trong đó tập trung vào 2 môn là Tiếng Việt và Toán.
“Chúng tôi cũng định hướng rõ là lớp 1 chỉ dạy tối đa 3 tiết/ngày, thời gian còn lại học sinh sẽ tham gia các hoạt động khác theo hướng dẫn của giáo viên. Các môn như âm nhạc, mỹ thuật sẽ tổ chức thực hiện video để truyền tải”- Ông Minh nhấn mạnh.
Đồng thời, Sở Giáo dục chỉ đạo các trường lựa chọn giáo trình dạy học trực tuyến tốt và phù hợp nhất với việc học online. Khi học sinh được quay trở lại trường thì thầy cô sẽ rà soát và xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập để kết thúc năm học để các em đạt chuẩn đầu ra lớp 1.
Rất băn khoăn
Trước băn khoăn của nhiều nhà giáo dục, phụ huynh là có nên cho học sinh lớp 1 học trực tuyến hay không? Ts Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, với sự phát triển trẻ em 6 tuổi thì học online một lúc các con vừa phải xử lý thông tin thị giác, thính giác thì về cơ bản các em không làm được. Các em thời điểm này rất dễ háo hức nhưng rất dễ rơi cảm xúc. Chỉ một điều không hài lòng học sinh sẽ rất dễ rơi luôn cả một bài học hôm đó.
Nếu các con 6 tuổi mà học online thì tôi nghĩ phụ huynh xác định mỗi nhà một người cùng con học tập mới mong có kết quả.
“Tôi nghĩ gia đình cần thiết lập thói quen, không gian học tập, quy trình, kì vọng các con phải rõ ràng ra. Với con lớp 1 mà học online thì hãy xác định thời gian bao nhiêu thời gian một ngày là đủ. Cha mẹ cần hướng dẫn và đồng hành với con.”- PGS Nam nhấn mạnh.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, cần lưu ý đến trường hợp đối tượng không thể học online được như các em ở vùng dịch, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, các gia đình có con cái mắc kẹt về quê ở với ông bà.
Thậm chí, ngay ở Hà Nội nhiều gia đình bộ đội, y bác sĩ ở Hà Nội đã vào chi viện trong Miền Nam. Các em sẽ khó có thể tiếp cận và được hướng dẫn học trực tuyến một cách đầy đủ.
Vậy với học sinh lớp 1 liệu có học qua online và truyền hình được không? Thầy Khang cho rằng vẫn có thể học được.
Học sinh lớp 1 học online không cần học đủ 35 phút một tiết như bình thường. Thay vào đó, tiết học chỉ từ 15-20 phút. Chúng ta không thể kì vọng một ngày một ngày học đến 7 tiết.
"Giáo viên cần thiết kế ra những tiết học ngắn và chỉ học những nội dung cốt lõi nhất. Học online chấp nhận không thể học đủ được. Đến khi học sinh trở lại trường thì các trường sẽ tìm mọi cách để dạy bổ sung cho các con"- thầy Khang nói.
Đề xuất cần lùi lại 2 tuần
Cô Nguyễn Ngọc Anh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình thì cho rằng, đối với học sinh lớp 1 việc học online rất khó khăn nhưng nếu chờ dịch tan các con mới quay lại học thì không biết đến lúc nào.
Cô Ngọc Anh cho rằng, với học sinh lớp 1 nhu cầu học hỏi nhu cầu tiếp xúc phát triển không ngừng. Việc học online không phải là tốt nhất nhưng là cần thiết và phù hợp trong thời điểm hiện nay.
“Theo tôi nếu 5/9 khai giảng, 6/9 mà bắt đầu học luôn kiến thức thì không phù hợp. Với học sinh lớp 1 cần có độ lùi 2 tuần để các con làm quen với trường, với lớp ,với bạn bè, thầy cô”- cô Ngọc Anh đề xuất.
Cũng theo cô Ngọc Anh, các con 2-3-4 cũng thế, cần lùi 1 tuần để ôn lại kiến thức, làm quen lại bạn bè trước khi bắt đầu bài học mới.
“Đối với học sinh lớp 1 chúng tôi không kỳ vọng quá mức vào việc tiếp thu kiến thức. Chỉ cần các con làm sao vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng và chịu tiếp nhận kiến thức. Tôi cũng nhất trí về thời gian học của mọi người. Giữa các tiết học cũng cần khoảng thời gian nghỉ (có thể nói là ra chơi online)”- cô Ngọc Anh đề xuất.
Ngoài ra, cô Ngọc Anh cho rằng, cần chia nhỏ lớp học để các con có thể được tiếp xúc nhiều nhất, giáo viên quan tâm nhiều nhất đến các con. Sau khi quen dần sẽ gộp nhóm, gộp lớp để học cho hiệu quả nhất.