Theo đó, các trường chuyên sẽ tăng chỉ tiêu hệ chuyên khiến các lớp chuyên trong trường thường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Tuyển không đủ chỉ tiêu, bất cập trong đầu tư, vận hành… là thực trạng diễn ra bấy lâu cho thấy cần đánh giá sứ mệnh và cơ cấu lại mô hình này.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Lớp chuyên trong trường thường: Có nên tồn tại? - Ảnh 1.

Ông Hồ Tấn Minh.

Để ổn định tình hình, năm học tới 4 trường THPT gồm: Gia Định (quận Bình Thạnh), Mạc Đĩnh Chi (Quận 6), Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) vẫn tuyển sinh lớp 10 chuyên.

Tuy nhiên theo lộ trình, từ năm học 2025 - 2026, TPHCM dừng tuyển lớp 10 chuyên trong các trường thường. 4 trường có lớp chuyên này tuyển 22 lớp chuyên mỗi năm. Như vậy, từ năm học 2025 - 2026, các lớp chuyên chỉ được đào tạo tại 2 trường là THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Trước đây việc hình thành lớp chuyên trong các trường đại trà để đáp ứng nhu cầu người học. Địa bàn TPHCM khá rộng, nhiều em ở Củ Chi, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh mong muốn được học môi trường chuyên nhưng vì khoảng cách địa lý khó có thể theo học tại 2 trường chuyên của TPHCM. Vì thế, mô hình này ra đời tạo điều kiện cho các em ở những khu vực trên có thể học lớp chuyên tại những trường gần nhà.

Mô hình lớp chuyên trong các trường THPT thường những năm qua đã góp phần nâng cao thành tích của TPHCM trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đối với tỉnh thành khác, các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh tham dự đến từ các trường chuyên. Tại TPHCM, ngoài học sinh các trường chuyên, còn có học sinh tại các lớp chuyên ở trường thường.

Việc dừng tuyển lớp 10 chuyên trong trường thường do không còn phù hợp, nhu cầu người học không nhiều và để tập trung nguồn lực cho 2 trường THPT chuyên của thành phố. Minh chứng rõ nhất là những năm gần đây số lượng tuyển sinh vào các lớp này luôn không đủ chỉ tiêu đề ra, do đó thành phố chỉ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hệ thống trường chuyên. Điều này cũng phù hợp để 2 trường THPT chuyên trên của thành phố phát triển đúng mục tiêu, đầu tư cơ sở vật chất theo quy định Thông tư 05/2023 của Bộ GD&ĐT.

Khi dừng tuyển sinh lớp chuyên trong trường thường, các lớp chuyên đã tuyển trước đó sẽ học cuốn gói đến khi tốt nghiệp THPT. Việc giảng dạy của giáo viên ở các lớp chuyên trong trường thường cũng không ảnh hưởng. Tuy nhiên, những thầy cô nếu có nhu cầu và đủ năng lực có thể xin thuyên chuyển hoặc thi tuyển vào công tác tại 2 trường THPT chuyên, ngành Giáo dục thành phố luôn ưu tiên. Bởi, trách nhiệm các trường chuyên hằng năm là đánh giá lại giáo viên, nếu thầy cô nào không đủ điều kiện sẽ thuyên chuyển.

Những năm qua, với các trường có lớp chuyên, hiệu trưởng xây dựng nội dung đào tạo bồi dưỡng theo chiến lược trường chuyên. Thực tế, từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, tại TPHCM các trường có lớp chuyên đã đạt được kết quả tốt nên không có khái niệm chương trình này không phù hợp với chuyên và chương trình chuyên không phù hợp với chương trình mới. Trong quá trình triển khai các nội dung môn chuyên vẫn đảm bảo theo Chương trình GDPT 2018, chương trình giáo dục hiện hành, sau đó mới phát triển thành các chương trình đã nâng cao thêm môn học đó.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên - CEO Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Giáo dục InnEdu (TPHCM): Thay đổi để thích ứng

Lớp chuyên trong trường thường: Có nên tồn tại? - Ảnh 2.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên.

Như chúng ta đều biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hiện là 5.0 đem lại cho mọi người một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải làm sao để bắt kịp sự thay đổi của thế giới. Trong đó giáo dục phải bắt nhịp kịp với xu thế này. Do đó nếu trường học áp dụng những phương thức cũ trong dạy học sẽ không có kết quả mới.

Nếu trước đây, trường học là nơi cung cấp kiến thức duy nhất, còn bây giờ kiến thức có ở khắp mọi nơi, thậm chí chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể tự học với trí tuệ nhận tạo và việc học đạt mong muốn như kỳ vọng. Đặc biệt, đối với những em biết về công nghệ sẽ phục vụ việc học tập một cách hiệu quả. Do đó trường học và thầy cô phải thay đổi để thích ứng với sự thay đổi của thế giới.

Nhiệm vụ của người thầy trong thế kỷ 21 không chỉ đơn thuần là dạy học để cung cấp kiến thức, mà còn phải xác định được mục tiêu học tập của học sinh từ đó định hướng việc học tập, tạo động lực để các em đạt được những kế hoạch học tập đã đề ra. Đồng thời, thầy cô phải chỉ ra cho học sinh biết được đã có và còn thiếu năng lực nào, làm thế nào để tạo ra những năng lực như vậy. Đây là nhiệm vụ mới của trường học, giáo dục, chứ không như trước đây là tập trung học luyện thi các môn, rồi đi thi.

Việc năm học 2025 - 2026, TPHCM dừng tuyển sinh lớp chuyên trong trường THPT thường là đúng với Luật Giáo dục, đồng thời phù hợp xu thế. Trường chuyên hiện nay để bồi dưỡng học sinh có thể giỏi xuất sắc ở một môn nào đó, nghĩa là đánh giá chủ yếu về mặt kiến thức. Trong khi đó Chương trình GDPT 2018 đã chuyển hướng mục tiêu thiên về đánh giá năng lực. Một trường học bên cạnh phát hiện bồi dưỡng những tinh hoa về lĩnh vực cụ thể thì không thể đứng ngoài xu thế giáo dục để học sinh trở thành những công dân toàn cầu.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): Dừng tuyển sinh nếu không phù hợp

Lớp chuyên trong trường thường: Có nên tồn tại? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Tùng Lâm trong một hoạt động về văn hóa đọc của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: TG

Theo Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28/2/2023 của Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, không còn mô hình lớp thường trong trường chuyên. Quy định này khiến tuyển sinh lớp chuyên trong các trường THPT gặp khó khăn.

Thực tiễn trên đòi hỏi các địa phương cần tính toán xây dựng, phát triển mô hình lớp chuyên trong trường thường phù hợp mục tiêu Chương trình GDPT 2018 và Luật Giáo dục 2019. Thậm chí, nếu thấy không còn phù hợp, có thể mạnh dạn dừng tuyển sinh, dành sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào hệ thống trường chuyên, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh cho các trường THPT thường, sự công bằng, bình đẳng cho học sinh…

Còn với trường thường vẫn có lớp chuyên cần tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, giúp nhà trường thu hút học sinh giỏi trong tuyển sinh và phải tạo sự khác biệt đối với lớp thường. Tất nhiên, khác biệt không phải là chăm “gà nòi” mà giúp học sinh đam mê với môn học chuyên, có định hướng nghề nghiệp gắn với môn học; từ đó tạo cho các em môi trường và những cơ hội, trải nghiệm…

Trên tinh thần đó, việc giảng dạy lớp chuyên không chỉ nằm ở dạy theo hướng chuyên sâu về môn chuyên, mà còn giúp các em có thể phát triển đồng đều môn học theo định hướng nghề nghiệp. Muốn vậy, các trường cần có chiến lược rõ ràng và nhấn mạnh vai trò hiệu trưởng. Thực tế, có tình trạng các trường thường tuyển lớp chuyên chỉ nhằm mục tiêu đào tạo học sinh giỏi, luyện “gà nòi”. Định hướng này vô hình trung phá vỡ sự hài hòa trong phát triển mô hình giáo dục và chưa phát huy được hết nguồn lực.

Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa: Phân định rõ mô hình

Lớp chuyên trong trường thường: Có nên tồn tại? - Ảnh 4.

Ông Lê Tuấn Tứ.

Khi các trường chuyên không được tuyển sinh lớp thường, chắc chắn chỉ tiêu các lớp chuyên sẽ tăng lên. Theo đó, việc tuyển sinh lớp chuyên trong trường thường ít nhiều sẽ biến động và gặp khó khăn.

Trước bối cảnh này, tôi cho rằng, các trường thường có lớp chuyên cần xây dựng bản sắc riêng để cạnh tranh, thu hút được học sinh theo học lớp chuyên.

Trong bối cảnh mới, các trường THPT thường có lớp chuyên phải vận động, tự đánh giá lại để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Điều này không chỉ nâng cao năng lực đội ngũ, chất lượng giảng dạy, mà cần tạo môi trường để học sinh học tập, rèn luyện, phát triển toàn diện các kỹ năng, đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cũng như yêu cầu của thực tiễn. Bởi, nếu các trường không vận động thì đồng nghĩa sẽ tự đào thải lớp chuyên trong trường thường của mình…

Hiện, một số địa phương tồn tại song song mô hình: Trường chuyên và trường thường nhưng có lớp chuyên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đã đến lúc cần phân định rõ ràng hai mô hình này. Nếu theo mô hình nào thì tuân thủ theo quy định dành cho loại hình trường đó, tránh nửa chuyên, nửa không.

Bộ GD&ĐT đã xóa bỏ lớp không chuyên trong trường chuyên thì có nên tồn tại lớp chuyên trong trường thường hay không. Nếu tồn tại liệu có bất hợp lý và thiếu công bằng? Vì thế, cũng nên nghiên cứu, xem xét lại lớp chuyên trong trường thường tồn tại theo mô hình nào, tránh tình trạng đánh đồng khái niệm trường chuyên, lớp chọn.

Nếu trường THPT thường có lớp chuyên không tự làm mới mình sẽ ngày càng khó thu hút học sinh, đặc biệt khi các trường THPT chuyên tăng chỉ tiêu lớp chuyên. - Ông Lê Tuấn Tứ