Thích thú trải nghiệm “Nhắm mắt vẽ Obama”

“Vui nhộn, sống động và cách chơi hổng giống bất kỳ đâu” là những gì tôi cảm nhận khi tham gia buổi giới thiệu về khóa học “Khám phá hình ảnh” (KPHA) tại trường học Toa Tàu. Khác hẳn với mọi buổi trò chuyện giữa giảng viên và phụ huynh như thường thấy ở các trung tâm, trường học, màn ra mắt của khóa học KPHA của Toa Tàu diễn ra trong không gian màu sắc với giấy trắng, bút chì, màu nước… ngay trên sàn nhà, khi tất cả mọi người đều ngồi bệt xuống sàn và vẽ.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_1

 Buổi giới thiệu khóa học Khám phá hình ảnh dành cho các vị phụ huynh tại trường học Toa Tàu

“Hãy vẽ hình ông Obama trên màn hình trong vòng 2 phút”, họa sĩ Đỗ Hữu Chí (Bút Chì), Giảng viên lớp Vẽ kể chuyện, Đồng sáng lập Toa Tàu, khơi mào. Bằng tất cả kỹ năng vẽ sẵn có của mỗi người, các vị phụ huynh và các em bé đã nhanh chóng phác thảo những hình vẽ Obama ngộ nghĩnh nhất. “Giờ hãy vẽ Obama bằng tay trái đi nào”, họa sĩ Bút Chì đưa ra thử thách thứ hai. Những tiếng cười bắt đầu khúc khích rộ lên trong phấn khích. Nhiều em bé la lên: “Mẹ ơi, làm sao con vẽ đây? Cứ cố lên, con vẽ được mà”.

Khi không khí trong Toa Tàu vẫn còn đang râm ran vì bài tập lạ thì thử thách thứ 3 khiến mọi người cùng ồ lên thích thú: “Giờ hãy vẽ Obama mà không nhìn vào giấy”. Các vị phụ huynh vừa cười vừa lắc đầu tỏ vẻ không tưởng tượng nổi điều gì đang xảy ra ở chốn này, còn nhiều em bé đã không còn giữ được sự bình tĩnh, cười ầm ĩ. Không phải bé nào cũng tuân theo quy định của trò chơi, có bé cứ ngước mắt nhìn Obama trên màn hình, tay vừa vẽ, lâu lâu lén nhìn xuống xem mình đang vẽ gì rồi cười sằng sặc vì hình dạng mình vừa vẽ vào giấy. Ông Obama mà nhìn thấy chân dung của ông trên tờ giấy này hẳn là sẽ không vui đâu!

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_3

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_2

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_4

Bài tập vẽ chân dung Obama bằng 4 cách khiến ai tham gia cũng cười ồ thích thú

Đó vẫn chưa phải là thử thách cuối cùng“Hãy nhắm mắt và vẽ Obama”. Không khí trong Toa Tàu vỡ ra như đàn ong vỡ tổ, cả các vị phụ huynh lẫn các em bé đều gào lên trong phấn khích. Có phụ huynh la lên: “Đó là tài của con chị. Nó giỏi nhất là nhắm mắt và vẽ”. Chân dung ông Obama hiện lên trên trang giấy của cô bé có lẽ không giống ông Obama trên màn hình tẹo nào, nhưng nét vẽ rất uyển chuyển, không bị đứt khúc đoạn nào, rõ ràng như thể bé mở mắt và vẽ vậy.

Thật ngạc nhiên, khi họa sĩ Bút Chì hỏi mọi người thích cách vẽ nào nhất trong 4 thử thách nói trên thì hầu hết mọi người đều chọn những bức chân dung Obama được vẽ ra bằng thử thách tay trái, không nhìn giấy hay nhắm mắt vẽ tranh. “Tôi thích bức chân dung vẽ bằng tay trái vì đây là lần đầu tôi dùng tay trái để vẽ, cảm xúc khi trải nghiệm điều này rất lạ và rất khác”, một vị phụ huynh phát biểu.

Nếu màu sắc ăn được, thực đơn của em sẽ là những món nào?

Đó là một câu hỏi hấp dẫn trong buổi học chủ đề “Màu sắc” của lớp Khám phá hình ảnh dành cho trẻ em từ 5 – 8 tuổi. Tiếp cận màu sắc bằng con đường “bao tử”, trước buổi học các giảng viên bày sẵn trên bảng 10 món ăn khác nhau như lẩu nấm bào ngư, đậu hủ non chiên bột, cánh gà chiên giòn, chân gà nướng (món mặn) hay kem trái cây, bánh kẹp, bánh tai heo… (món ngọt) được tạo thành từ việc kết hợp những màu sắc và họa cụ được bày trên bàn.

“Từ những màu sắc và họa cụ bày trên bàn, các em sẽ là người tự quan sát, tự phân tích dùng màu sắc nào, họa cụ nào thích hợp để tạo ra những bức tranh món ăn bằng chính khả năng “nấu nướng” và trí tưởng tượng của các bé”, Nguyễn Ngọc Hà, giảng viên khóa KPHA 5 – 8 tuổi, cho biết.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_6

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_14

Họa cụ và các màu sắc sử dụng trong buổi học “Buffer màu”

Chỉ với một vài gợi ý món ăn liên quan đến màu nào, các bé đã có một khoảng thời gian “nấu nướng màu sắc” vô cùng vui nhộn. Tất cả các họa cụ, từ ống hút, vỏ sò, keo dán, vợt, que màu, bút lông màu… đều được các bé tận dụng triệt để hút lấy màu sắc vào những bức tranh món ăn của mình. Không khí lớp học nhộn nhịp trong sự sáng tạo của “các đầu bếp nhí”, các bé mải mê pha màu, mải mê chế biến hết món ăn màu sắc này đến màu sắc khác. 10 món ăn gợi ý trên bảng của thầy cô có vẻ không thể hiện đủ khả năng tưởng tượng của các bé khi trên bàn đặt sản phẩm, hàng loạt những món ăn lạ mắt đã ra đời trong sự ngạc nhiên của các thầy cô đứng lớp.

“Những bài tập nhỏ trong từng buổi học xuyên suốt khóa học KPHA sẽ giúp các bé thoát khỏi những suy nghĩ khuôn mẫu ở trường học”, Nguyễn Tuấn Tú, Giảng viên khóa KPHA 5 – 8 tuổi, chia sẻ.“Thông thường, khi nghĩ đến màu sắc, mọi người thường liên tưởng ngay đến những hoạt động như pha màu, tô màu, dùng cọ để vẽ. Ở Toa Tàu thì khác, chúng tôi muốn cho các em trải nghiệm những cách thức sử dụng màu sắc khác ngoài cọ và pha màu”.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_10

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_11

Các “đầu bếp nhí” tự do thể hiện tài năng “nấu nướng” màu sắc

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_15

Những món ăn màu sắc tạo ra dưới trí tưởng tượng của các bé: bánh tai heo, cánh gà chiên nước mắm, kẹo bông gòn, lẩu nấm bào ngư.

Với phương châm giúp các bé trải nghiệm càng nhiều hình thức chơi đùa với màu sắc, những buổi học ở trường học Toa Tàu luôn đầy những điều mới, lạ và kích thích trí tò mò của trẻ. Điển hình là buổi học tạo tranh từ việc cắt những giấy bóng kính tạo ra những ánh sáng màu giống như hình ảnh người ta thường thấy trong các nhà thờ. “Một bài học khác là vẽ bằng nước đá màu. Chúng tôi cho các bé dùng những viên nước đá lạnh có màu vẽ trên sàn nhà, thay vì trên giấy vẽ như thông thường. Khi nhìn dòng màu sắc chảy trên sàn nhà tạo ra những vết loang lổ lạ mắt, các bé cực kỳ thích thú”, giảng viên Tuấn Tú kể.“Từ trải nghiệm mới mẻ này, các bé sẽ học được một điều rằng chúng ta có thể sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau, bằng nhiều hình thức vẽ khác nhau, chứ không chỉ có giấy, màu, cọ mới gọi là vẽ, từ đó kích thích khả năng chủ động của các bé trong việc tìm kiếm công cụ biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình. Về nhà, các bé có thể tìm kiếm những chất liệu hay ho hơn để vẽ”, giảng viên Tuấn Tú cho biết.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_12

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_13

Cắt dán tranh bằng giấy bóng kính (ảnh trên) và vẽ bằng nước đá màu (ảnh dưới) là hai trong nhiều chất liệu màu sắc có thể tạo ra hình ảnh.

Giảng viên Ngọc Hà cho biết có 3 giác quan mà khóa học KPHA cho trẻ từ 5 – 8 tuổi hướng đến đó là nhìn (thị giác), nghe (thính giác) và sờ (xúc giác) để kích thích trẻ xây dựng bộ từ vựng hình ảnh. “Ở buổi học nghe, các em sẽ được nghe âm thanh và đoán xem âm thanh đó là gì, phát ra từ đâu, âm thanh đó được tạo ra như thế nào và vẽ lại. Ví dụ khi nghe tiếng vó ngựa các bé vẽ con ngựa, hay tiếng hai thanh kiếm chém vào nhau chẳng hạn, các bé sẽ nhận ra ngay”, Ngọc Hà diễn giải. “Bài học về xúc giác được lồng vào hai buổi học về nặn đất sét. Chúng tôi cung cấp cho các bé 5 chiếc túi thần kỳ, trong mỗi túi có chứa những vật có hình dạng cơ bản khác nhau như hình cầu, lập phương…Các bé sẽ thò tay vào túi, cảm nhận rồi nặn những hình khối đó ra. Đây là kỹ năng này sờ hiện vật, liên tưởng đến hình ảnh, thu thập thông tin sau hành động sờ và tạo ra hình ảnh thông qua việc nặn lại hình khối đó. Điều bất ngờ với chúng tôi là hầu hết các bé đều nặn được đúng vật bắt được, các em hào hứng với bất kỳ những gì sờ được và có thể nặn ra vật đó dễ dàng”.

Nếu là người xây dựng thành phố, màu nơi em sống sẽ là màu gì?

Nếu như ở lứa tuổi 5 – 8, trẻ khám phá và tương tác với thế giới thông qua các giác quan, thì ở lứa tuổi 9 – 12, ngoài thế giới trực quan, trẻ còn có khả năng tư duy sâu hơn và có khả năng liên hệ đến những sự vật không nhìn thấy hay cầm nắm được. “Câu hỏi "Màu của nơi em sống?" không chỉ đặt ra để nhìn mà để các bé phải cảm nhận. Đó là sự khác biệt giữa sự cảm nhận khi bước vào lớp và sau quá trình trải nghiệm việc xây dựng thành phố. Đây là câu hỏi có nhiều câu trả lời, việc trải nghiệm xây thành phố sẽ giúp các bé tìm được những điều mới mẻ và những chân lý của riêng mình”, Nguyễn Tấn Phát, Designer của Toa Tàu, Giảng viên khóa Khám phá hình ảnh 9 – 12 tuổi, cho biết.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_16

Giảng viên Nguyễn Phát đang thảo luận cùng các bé để phác thảo bản thiết kế thành phố

Chà, để xây dựng một thành phố, thì chúng ta cần những gì nhỉ? Bản thiết kế, vật liệu xây dựng, cùng nhau thảo luận xem nên xây công viên trước hay nhà ở trước, còn những công trình công cộng thì sao? Để dễ dàng hóa việc xây thành phố, các giảng viên đã khởi động bằng một trò chơi đơn giản:xếp chồng ly các ly nhựa lên nhau tạu thành 1 khối tam giác giúp trẻ liên tưởng đến việc xây dựng 1 căn nhà, nếu như chúng ta xem những ly nhựa này là những viên gạch.

“Trước khi có nhà cửa, thành phố, thì mọi thứ sẽ là cái gì?”, thầy giáo Nguyễn Phát đặt câu hỏi. “Mục đích của chúng tôi là làm cho các bé phải suy nghĩ về sự khởi đầu của mọi thứ, và đó là tự nhiên. Đó là lý do vì sao chúng tôi không xây thành phố ngay trên nền giấy mà là trên sa bàn núi lửa, rừng xanh, biển cả. Chúng tôi cùng nhau thảo luận: nếu thầy và các bạn đến địa hình này, thì chúng ta sẽ sống như thế nào? Sau đó các bé sẽ chia nhau xây nhà cho chính mình rồi đến các công trình công cộng nhưng vẫn đảm bảo các công trình nhân tạo này không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên”.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_19

Các bé say sưa mê tạo dựng thành phố từ những “vật liệu xây dựng” như bột mì, mút, nylon, cọ màu, hộp giấy

Từ những “vật liệu xây dựng” như bột mì, mút, nylon, cọ màu, hộp giấy… sa bàn thành phố dưới bàn tay nhào nặn, tô vẽ của cả thầy và trò hiện lên những mảng màu sống động: màu nâu của núi, màu xanh lá của rừng, màu xanh dương của biển. Rồi trên nền địa hình ấy, từng ngôi nhà của mỗi bạn mọc lên theo vị trí tùy chọn, màu sắc tùy chọn và hình dạng cũng tùy ý.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_18

Trong lớp học có cô bé tên Linh luôn muốn làm tất cả mọi thứ theo ý thích của riêng mình và lúc nào cũng khác biệt so với mọi người. Thay vì xây nhà, cô bé chọn xây chung cư 4 tầng.“Con xây chung cư để bán, chỉ dành một căn để ở thôi. Con ở tầng nào hả? Con tầng 2, con sợ độ cao lắm”, cô bé vừa chăm chú xếp “chung cư” vừa trả lời.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_20

Những công trình công cộng của thành phố dưới trí tưởng tượng của các bé.

“Mọi thứ không cần thiết phải hoàn hảo, chúng tôi không đề ra chính xác thành phố phải có hình dáng, chi tiết thế nào mà chỉ đặt ra vấn đề và tạo sự hứng thú để các bé tò mò rồi đi tự tìm câu trả lời. Và mỗi bé sẽ có câu trả lời khác nhau dựa trên những suy nghĩ khác nhau, và những suy nghĩ ấy là không giới hạn. Việc đặt ra vấn đề và đi tìm câu trả lời cũng không phải là một quá trình chỉ diễn ra trong 1 buổi học 2 tiếng, mà còn tiếp tục diễn ra ở nhà, ở trường học và thậm chí là ở khắp mọi nơi”, giảng viên Nguyễn Phát chia sẻ.

Nếu có một bộ sưu tập từ thiên nhiên, em sẽ thu thập gì: đá, sỏi hay lá cây?

Tâm điểm của khóa học Khám phá hình ảnh ở cả hai lứa tuổi 5 – 8 và 9 – 12 là tập trung vào khơi gợi và nuôi dưỡng trí tò mò của trẻ bằng cách đặt ra hàng loạt câu hỏi trong từng chủ đề của mỗi buổi học. Thông qua việc hỏi-đáp liên tục, các bé sẽ tìm thấy niềm hứng thú với mọi sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Điểm nhấn của khóa học KPHA là có một bài tập lớn được thiết kế để các bé thực hiện xuyên suốt khóa học. “Khóa KPHA 5 – 8 tuổi sẽ cho các bé trồng một cái cây. Mỗi tuần các bé sẽ quan sát, thu thập dữ liệu, thông tin về quá trình phát triển của cây rồi vẽ lại hay chụp ảnh lại”, cô giáo Ngọc Hà cho biết.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_22

Các bé lứa tuổi 9 – 12 trong buổi học khám phá thiên nhiên tại công viên Lê Văn Tám

Còn ở lứa tuổi 9- 12, bài tập lớn là bài tập Sưu tầm. Mỗi bé sẽ chọn một chủ đề như đá, sỏi, lá cây, hay những chủ đề khác như gương mặt, tóc… và trong suốt quá trình học, các bé sẽ chỉ nghiên cứu về chủ đề ấy thôi. Các bé sẽ ra ngoài thu lượm tất cả mọi thứ – mà bé cho là cần thiết – liên quan đến chủ đề bộ sưu tập, sau đó sẽ ngồi lại cùng phân tích, quan sát và ghi chép lại, hay vẽ ra giấy. Bộ sưu tập này giống như một “công trình nghiên cứu nhỏ” trong suốt 3 tháng (24 buổi) và buổi cuối sẽ là buổi triễn lãm các bộ sưu tập của tất cả các thành viên trong lớp học. Mỗi bé sẽ trưng bày bộ sưu tập của mình và giải thích cho mọi người hiểu về ý nghĩa bộ sưu tập, còn các khán giả nhí sẽ đặt câu hỏi về chủ đề ấy. “Có thể với người này, đá sỏi, lá cây chẳng có gì quan trọng nhưng với người khác bộ sưu tập này lại vô cùng ý nghĩa. Bài tập lớn là cả một quá trình trải nghiệm, nghiên cứu và các bé sẽ có một thành quả nho nhỏ cuối khóa học”, thầy Nguyễn Phát cho biết.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_23

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_24

Các bé đang thu thập cho bộ sưu tập của mình.

Chủ đề của bài tập lớn thường liên quan đến thiên nhiên nên các buổi học KPHA không chỉ gói gọn trong không gian Toa Tàu, các em còn được tham gia những buổi học dã ngoại ở công viên để tiếp xúc và khám phá thiên nhiên. Bằng bài tập thu thập những thứ ngoài thiên nhiên theo màu sắc, bộ sưu tập của các bé rất phong phú với đủ thể loại cây, cỏ, trái mà đôi khi chính các bé cũng không định nghĩa được chúng có màu gì và chúng tên gì.

“Điểm nhấn của KPHA 9 – 12 tuổi chính là bài tập lớn về bộ sưu tập, xoay quanh những câu hỏi như đá này là đá gì? Tại sao những cục đá khác nhau lại có màu sắc khác nhau dù là cùng loại đá? Đá có thể nằm ở đâu, ta có thể làm gì với những cục đá này? Ta có thể vẽ lên đá, trang trí thành cục chặn giấy. Hiệu quả của bài tập lớn sẽ tạo cho các bé có thói quen nghiên cứu, thói quen sưu tập cũng như cách đặt câu hỏi. Khi bé bắt đầu biết đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời bằng tất cả sự hứng thú của mình chứ không phải là ai ép buộc, đó chính là các bé học – một quá trình học tự nhiên và đó cũng là tinh thần học của trường học Toa Tàu”, giảng viên Nguyễn Phát phân tích.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_25

“Quan sát - Thu thập - Phân tích" là 3 kĩ năng chính khóa học KPHA cung cấp cho các bé sau khi kết thúc 24 buổi học.

Ở trường học Toa Tàu, mỗi đứa trẻ là một hạt giống khác biệt

Khó có thể diễn đạt hết ý nghĩa đằng sau 24 buổi học của khóa Khám phá hình ảnh chỉ trong một bài viết và vài hình ảnh minh họa, khi mỗi bài học, mỗi chi tiết được thiết kế và giảng dạy ở Toa Tàu đều ẩn chứa bao nhiêu kiến thức thú vị. Ngoài vai một phụ huynh, tôi, với tư cách một người viết, người có cơ hội tham gia trải nghiệm 5 buổi học KPHA với cả hai lứa tuổi từ 5 – 8 và 9 – 12, cảm nhận Toa Tàu giống như một trường học mà ở đó cả thầy và trò đều “chuyển động” để khám phá thế giới xung quanh và thế giới nội tâm bên trong mình.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_26

Giảng viên Nguyễn Phát đang thảo luận cùng các bé

Lớp học ở Toa Tàu không có khuôn phép, luật lệ nào giữa thầy và trò ngoại trừ thời gian mỗi buổi học là 2 giờ. “Tinh thần của KPHA luôn có sự thoải mái, các bé có thể làm bất cứ điều gì mình thích. Ví dụ bé vẽ một con voi, hay một đám mây theo ý các bé mà có thể chẳng giống con voi thật ngoài đời – con voi màu hồng hay xanh thay vì voi màu trắng chẳng hạn, thì cũng chẳng sao cả. Nếu các bé gọi hình vẽ này là con voi, thì đó sẽ là con voi. Giảng viên ở Toa Tàu trân trọng quá trình các bé đặt bút và vẽ cũng như suy nghĩ riêng của từng bé về những bức ảnh bé vẽ ra. Không có bức ảnh nào là sai hay xấu, quan trọng là bé thể hiện được cảm xúc của mình. Lớp học ở đây cũng không có sự khen chê mà chúng tôi luôn động viên các bé tự do thể hiện suy nghĩ trên giấy qua bút vẽ”, thầy giáo Nguyễn Phát bày tỏ quan điểm dạy và học ở Toa Tàu.

Mỗi buổi học KPHA dành cho các em ở Toa Tàu cũng là mỗi buổi học đầy thử thách dành cho chính nhóm giảng viên – những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, hầu hết chưa ai có con nhỏ nhưng đều khao khát tạo ra một môi trường giáo dục giúp khơi gợi, kích thích tài năng tiềm ẩn của mỗi đứa trẻ. Môi trường học tập ở Toa Tàu khá lạ và mới mẻ, chúng tôi không bắt buộc trẻ phải theo khuôn mẫu nào cả, mà dựa vào những cảm nhận bên trong của bé. Ban đầu rất nhiều bé không quen với kiểu học này vì đã quen với lối học nhiều khuôn khổ ở trường học. Vấn đề khó khăn nằm ở việc thời gian để các bé làm quen với môi trường học tập mới khoảng 1 tháng là khá dài trong khi các vị phụ huynh đều khá nóng vội muốn xem kết quả tiến bộ của bé ra sao. Nhưng ở Toa Tàu, chúng tôi không muốn đẩy nhanh điều gì cả, vì bất kỳ ý tưởng mới nào cũng cần thời gian để tiếp nhận”, giảng viên Ngọc Hà cho biết.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_27

Giảng viên Ngọc Hà đang hướng dẫn một bé cắt giấy bóng kính tạo tranh

Cách dạy mới lạ, giáo án cũng hoàn toàn khác lạ. Ngọc Hà cho biết giáo án KPHA được xây dựng dựa trên những nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi của từng thành viên trong nhóm giảng dạy vì đây chương trình riêng của Toa Tàu không phụ thuộc và tham khảo bất kỳ giáo án nào. Thế nên, mỗi một buổi dạy cũng là mỗi buổi “soạn giáo án” khi nhóm giảng viên thu nhận thông tin phản hồi từ chính ứng xử của các bé để thay đổi giáo án cho phù hợp hơn. Nội dung giáo án vì thế cứ thay đổi liên tục, chính các giảng viên KPHA cũng “chuyển động” theo quá trình sáng tạo và tư duy của từng đứa trẻ trong lớp học. “Mọi câu hỏi và câu trả lời của các bé đều là sự bất ngờ và thú vị với chúng tôi. Có những câu hỏi tưởng chừng như ngô nghê nhưng thật sự các bé trả lời rất nghiêm túc. Tôi không bao giờ nghĩ có một cái toilet dưới chân cái núi lửa, hoặc 1 khách sạn cao tầng trong rừng”, giảng viên Nguyễn Phát kể.

Những buổi học KPHA còn tràn ngập không khí của sự tự do –lan tỏa ngấm ngầm nhưng đầy mạnh mẽ trong không gian ở Toa Tàu. Các bé tự do ngồi đâu tùy thích, chạy nhảy trong khi vẽ cùng tiếng nhạc, nằm vẽ nếu thích hay thậm chí không thích học nữa thì kiếm chỗ ngồi măm măm bánh trái. Bên ngoài hành lang lớp học có một tấm bảng với tiêu đề “Before I die” (Trước khi tôi chết), tràn ngập những ước mơ và mục tiêu từ vĩ đại đến rất bình thường nhỏ nhặt nhưng được các bé (cùng học viên các khóa học khác của Toa Tàu) thoải mái ghi ra bằng tất cả cảm xúc của mình. Bạn có đồng ý rằng “Trước khi chết, tôi muốn tắm khỏa thân trên một dòng suối” là một trải nghiệm vui nhộn rất đáng thử không?

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_32

Trước khi tôi chết tôi muốn…

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_30
Những sắc thái tình cảm ở các lớp học Khám phá hình ảnh: "Bực bội" vì không tranh được quyền phát biểu...

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_33
Mệt hay chán không học nổi nữa thì có ngay thời gian ăn uống

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở trường học Toa Tàu_28
... hăng say dọn dẹp những gì mình bày ra

Trở lại vai một phụ huynh, tôi cảm nhận trường học Toa Tàu giống như một thiên đường dành cho trẻ em, nơi các bé tự do khám phá thế giới theo cách của riêng mình, theo suy nghĩ hồn nhiên và không giới hạn của chính các em. Nhưng đâu chỉ có kiến thức, lớp học ở Toa Tàu còn dạy các bé những điều mà bất kỳ vị phụ huynh nào cũng sẽ bất ngờ nếu tình cờ tham quan lớp học. Họ sẽ bắt gặp khuôn mặt đầy biểu cảm của cô bé không giành được quyền phát biểu so với những bạn nhanh tay hơn. Họ sẽ bắt gặp hình ảnh các bé say sưa lau bảng sau khi học xong, lau sạch những vết màu dính lại trên bàn, tự rửa tay sau khi vẽ xong và cả việc tự mày mò tập xếp những chiếc bàn học vào vị trí cũ. Họ cũng sẽ nhìn thấy hình ảnh những cô cậu bé say sưa vẽ, say sưa cắt dán, với một nét mặt chăm chú cao độ đến quên cả giờ về. Ở thiên đường trẻ em ấy, niềm vui và sự hào hứng của từng đứa trẻ là thước đo thành công cho bài giảng của mỗi người thầy.

Khám phá “Thiên đường trẻ em” ở Toa Tàu_31

Không khí tự do lan tỏa khắp không gian Toa Tàu

trường học Toa Tàu, mỗi đứa trẻ là một hạt giống, công việc của chúng tôi chỉ là tạo điều kiện môi trường đất, nước, độ ẩm để những hạt giống ấy lớn lên”, giọng nói của họa sĩ Bút Chì kết luận sau buổi giới thiệu khóa học Khám phá hình ảnh đưa tôi trở lại gian phòng chính của Toa Tàu – nơi giờ đây chỉ còn những vị phụ huynh lắng nghe về triết lý giáo dục của Toa Tàu cùng ý nghĩa sâu xa đằng sau chuỗi 24 buổi học thuộc khóa học Khám phá hình ảnh. Và trong khi người lớn đang bàn chuyện của người lớn, ở phía bên kia – trong căn phòng nhỏ chứa đầy họa cụ và màu sắc, những đứa trẻ lần đầu đến Toa Tàu vẫn đang háo hức khám phá những trò chơi mới mẻ đầy thú vị.

Bất chợt ngay lúc này, tôi cũng muốn mua một vé lên ngay Toa Tàu để quay trở về tuổi thơ, hòa mình cùng bọn trẻ ở căn phòng bên kia chơi trò chơi “Tớ là người thám hiểm thế giới” quá thể!