Khi mua táo ở siêu thị hoặc cửa hàng trái cây, bạn có thể dễ dàng nhận thấy vỏ táo thường bóng bẩy, láng mịn, thậm chí tay có cảm giác trơn, đó là do táo được phủ một lớp sáp mỏng để bảo quản và tăng tính thẩm mỹ.

Lớp sáp trên quả táo liệu có nguy hiểm?

Lớp sáp trên bề mặt quả táo không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của việc xử lý hóa chất. Thực tế, bản thân quả táo cũng có một lớp sáp tự nhiên rất mỏng giúp bảo vệ quả khỏi ảnh hưởng xấu của môi trường bên ngoài. Lớp sáp tự nhiên này ngăn chặn sự thoát hơi nước, ngăn vi khuẩn và duy trì độ tươi lâu hơn.

Sau khi táo được thu hoạch, lớp sáp này có thể bị rửa trôi trong quá trình làm sạch, do đó các nhà sản xuất thường bổ sung một lớp sáp nhân tạo mỏng lên bề mặt quả táo để thay thế và giữ cho táo tươi lâu khi bán ra thị trường.

Lớp sáp trên quả táo liệu có nguy hiểm? - Ảnh 1.

Lớp sáp phủ trên quả táo giúp bảo vệ quả khỏi vi khuẩn, duy trì độ tươi lâu hơn. (Ảnh: Chowhound)

Lớp sáp trên quả táo liệu có nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng? Đây thường là sáp thực phẩm, an toàn cho sức khỏe, thường được chiết xuất từ các nguồn tự nhiên như:

- Sáp carnauba: Được lấy từ lá cây cọ carnauba, thường được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm, thuốc và cả mỹ phẩm.

- Sáp candelilla: Một loại sáp thực vật được chiết xuất từ lá của cây candelilla, chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm.

- Sáp ong: Được lấy từ tổ ong, cũng được sử dụng phổ biến trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm.

Tất cả các loại sáp trên đều đã Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, bao gồm việc phủ lên các loại trái cây như táo. Chúng không được coi là có hại nếu được sử dụng đúng liều lượng và tuân thủ các quy định an toàn. Trên thực tế, việc ăn phải lớp sáp này không gây hại; cơ thể con người không hấp thụ được và chúng sẽ được đào thải ra ngoài mà không gây tổn thương cho hệ tiêu hóa.

Tuy nhiên, nếu bạn mua táo không có nguồn gốc đảm bảo, không loại trừ khả năng lớp sáp bảo quản được làm từ những chất kém an toàn. Ngoài ra, bản thân một số hóa chất bảo vệ thực vật vẫn có thể tồn dư trong vỏ táo được sản xuất không đúng quy trình chuẩn. Do đó, trước khi ăn, cần rửa kỹ và làm sạch lớp sáp.

Cách loại bỏ lớp sáp trên quả táo

Nếu bạn vẫn lo lắng về lớp sáp trên quả táo và muốn loại bỏ nó trước khi ăn, có một số cách có thể áp dụng:

- Rửa táo bằng nước ấm và nước rửa rau củ quả : Đây là cách đơn giản nhất để loại bỏ lớp sáp. Sử dụng một loại nước rửa rau củ quả tự nhiên, hòa tan với nước ấm và chà nhẹ lên bề mặt táo. Nước ấm sẽ giúp làm tan chảy lớp sáp, trong khi nước rửa giúp loại bỏ vi khuẩn và thuốc trừ sâu còn sót lại.

- Ngâm táo trong giấm trắng và nước : Pha giấm trắng với nước theo tỷ lệ 1:3 (1 phần giấm và 3 phần nước),dùng ngâm táo khoảng 5-10 phút. Cách này sẽ giúp loại bỏ lớp sáp và cả vi khuẩn bám trên bề mặt.

- Sử dụng baking soda : Baking soda cũng là một chất tẩy rửa tự nhiên và an toàn. Bạn có thể hòa baking soda với nước để tạo thành một hỗn hợp nhão, sau đó chà nhẹ lên bề mặt táo để loại bỏ sáp và tạp chất.

- Gọt vỏ táo : Đây là cách đơn giản nhất nhưng sẽ làm bạn mất đi một phần lớn chất xơ và dinh dưỡng có trong vỏ táo. Vỏ táo chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ và vitamin, vì vậy tốt nhất là nên giữ lại vỏ nếu có thể.

Những lợi ích khi ăn táo mỗi ngày

Táo là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe, cụ thể là:

Tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa

Bài đăng trên website Bệnh viện Medlatec cho biết, táo chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho hệ tiêu hóa. Đặc biệt loại quả này còn chứa pectin (ở phần vỏ táo) có thể bảo vệ những lợi khuẩn và axit lactic trong ruột kết, giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn. Pectin còn có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố và giảm nguy cơ gây ung thư.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Phenolic trong táo có thể làm giảm cholesterol xấu, giảm nguy cơ xuất hiện những mảng bám trên thành động mạch, từ đó giảm đáng kể nguy cơ gây ra bệnh mạch vành, đồng thời giúp bạn có trái tim khỏe mạnh.

Giảm nguy cơ bị đột quỵ và tiểu đường

Táo được đánh giá là thực phẩm lành mạnh, có thể góp phần ngăn ngừa nguy cơ bị tiểu đường và đột quỵ.

Kiểm soát cân nặng

Nếu bạn đang có ý định giảm cân thì không nên bỏ qua loại thực phẩm này. Táo chứa nhiều chất xơ giúp bạn thấy no lâu hơn. Bên cạnh đó, một quả táo thường có lượng calo rất thấp nên phù hợp với những người đang có nhu cầu giảm cân.

Lớp sáp trên quả táo liệu có nguy hiểm? - Ảnh 2.

Ăn một quả táo mỗi ngày, cơ thể sẽ nhận được nhiều lợi ích bất ngờ. (Ảnh: Vecteezy)

Kháng viêm

Táo sống, chưa gọt vỏ chứa nhiều polyphenol có khả năng ức chế việc sản xuất các hợp chất tiền viêm. Nước ép táo có thể chứa các dẫn xuất flavonoid như Procyanidin và Phloretin. Các phân tử hoạt động này có thể làm giảm hoạt động của các gene gây ra chứng viêm.

Tăng cường sức khỏe của mắt

Vitamin A, C và Quercetin bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi sự thoái hóa do tuổi tác và các bệnh nhiễm trùng mắt khác. Carotenoid như Lutein và Zeaxanthin rất quan trọng trong đối với việc nhận biết màu sắc trong võng mạc, cũng là chất chống oxy hóa mạnh. Vỏ táo đỏ chứa nhiều các vi chất dinh dưỡng này.

Duy trì sức khỏe não bộ

Polyphenol trong táo có thể bảo vệ não của bạn khỏi các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson và mất trí nhớ do tuổi tác. Nước ép táo cô đặc điều chỉnh sự thiếu hụt folate (một nguyên nhân gây thoái hóa thần kinh liên quan đến tuổi tác), làm giảm sự tích tụ của các protein (như amyloid-beta) gây ra bệnh Alzheimer. Nó cũng loại bỏ các gốc tự do, do đó làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.