Lừa đảo trúng thưởng không phải là chiêu trò mới nhưng vẫn không ít người “sập bẫy”. Đánh vào lòng tham con người, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra hàng loạt các trang web giả mạo, mạo danh các công ty/thương hiệu uy tín để đưa ra các chương trình trúng thưởng nhằm mục đích dụ dỗ người dùng cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, email, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, tài khoản ngân hàng/thẻ tín dụng…
Lợi dụng thói quen comment đặt mua hàng trên Fanpage tiêu dùng, các đối tượng lừa đảo dễ dàng có được nick Facebook của nhiều người, từ đó gửi các tin nhắn qua Messenger thông báo trúng thưởng các phần quá có giá trị như xe máy, điện thoại, tivi… Những tin nhắn này thường kèm theo một đường link lạ để truy cập vào trang web lừa đảo. Để nhận thưởng, khách hàng được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân thông qua việc điền form đăng ký nhận quà trên trang web này.
Trước những phần quà hấp dẫn, giá trị lớn, nhiều người sẵn sàng cung cấp thông tin và bỏ ra số tiền cọc từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, nhưng đáng tiếc, chỉ có quà ảo, còn tiền mất là thật.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân và có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tiền mà không nhận được bất ký phần thưởng nào cả. Việc để lộ thông tin cá nhân còn có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn như bị mạo danh để thực hiện các hành vi lừa đảo; hay bị lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử,…
Anh H. Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh đã nhận được tin nhắn trên Messenger từ người lạ thông báo anh may mắn được chọn là người trúng thưởng Iphone14 kèm theo đường link đến một trang web yêu cầu anh điền các thông tin cá nhân để nhận thưởng. Vì phần quà hấp dẫn nên anh cũng không ngần ngại mà cung cấp thông tin ngay để đăng ký nhận quà.
Sau khi cung cấp thông tin cá nhân trên trang web, anh Trung nhận được cuộc gọi từ số lạ để xác nhận lại thông tin. Người này yêu cầu anh chuyển 2.000.000 vào một tài khoản ngân hàng cá nhân làm phí đảm bảo để được nhận quà. Nghi ngờ bị lừa đảo, anh Trung không làm theo lời của đối tượng này. Anh Trung đã chia sẻ câu chuyện của mình với bạn bè và người thân để những người xung quanh đề phòng khi gặp phảu những trường hợp tương tự.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 11 tháng đầu năm 2023, đơn vị này đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% cảnh báo này liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Trước thực trạng lừa đảo trực tuyến thường có xu hướng “bùng nổ” vào dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, liên tục cập nhật về nhận diện các hình thức lừa đảo mới được cơ quan chức năng cảnh báo để tránh sập bẫy.