Chứng cứ chung chung sẽ không đình chỉ vụ án

Như đã thông tin, phía luật sư bào chữa cho Trương Hồ Phương Nga là ông Nguyễn Văn Dũ đã có đơn kiến nghị lên nhiều cơ quan thẩm quyền, đề nghị đình chỉ vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 16,5 tỷ đồng. Hai bị cáo trong vụ án là Phương Nga (hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và đồng phạm Nguyễn Đức Thùy Dung.

Theo đơn kiến nghị, luật sư Dũ phân tích rõ về các chứng cứ mà ông thu thập được để chứng minh Phương Nga vô tội, không lừa đảo số tiền trên.

Luật sư bảo vệ ông Cao Toàn Mỹ: Ai cũng có thể kiến nghị đình chỉ vụ án, nhưng quyết định là của cơ quan thẩm quyền - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Dũ đã gửi bản kiến nghị đình chỉ vụ án hoa hậu Phương Nga.

Trước thông tin trên, phía người bị hại là ông Cao Toàn Mỹ vẫn giữ im lặng.

Tuy nhiên, ngày 16/7, trao đổi với chúng tôi luật sư Trần Thu Nam (một trong các luật sư bảo vệ hợp pháp cho ông Mỹ) cho biết đã nhận được thông tin và cho rằng chuyện gửi đơn kiến nghị là bình thường trong lịch sử tố tụng.

Luật sư Nam nhấn mạnh: "Việc kiến nghị là quyền của họ (luật sư của Phương Nga) thôi, họ có quyền gửi 100 hay 1.000 cái đơn cũng được. Nói chung kiến nghị là quyền của tất cả mọi người tham gia tố tụng, kể cả người dân cũng có quyền kiến nghị nếu thấy vụ án có thể oan sai và vì đây là đơn kiến nghị thôi nên không ai có quyền cấm. Hơn nữa quyền này không hạn chế có chứng cứ hay không có, nhưng có chứng cứ sẽ thuyết phục, có căn cứ hơn, đó là điều kiện để cơ quan thẩm quyền xem xét".

Tuy nhiên, theo luật sư Nam, vấn đề quan trọng ở đây trong đơn có chứng cứ như thế nào. Nếu chứng cứ chung chung, không rõ ràng hoặc khi viện dẫn những điều luật không thuyết phục thì cơ quan thẩm quyền sẽ không đình chỉ vụ án. "Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ hay không", luật sư Nam nói.

Trước đó, luật sư Trần Thu Nam cũng đã có đơn kiến nghị Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát tối cao, Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự đưa và nhận hối lộ giữa bà Hồ Mai Phương (mẹ Phương Nga) và quản giáo trại giam. Theo lời khai của nhân chứng "bí ẩn" Nguyễn Mai Phương, mẹ Phương Nga đã đưa 50 triệu đồng để thông cung trong việc truyền thư của Thùy Dung ra vào trại giam.

Luật sư bảo vệ ông Cao Toàn Mỹ: Ai cũng có thể kiến nghị đình chỉ vụ án, nhưng quyết định là của cơ quan thẩm quyền - Ảnh 2.

Luật sư Trần Thu Nam (bên phải) - một trong các luật sư bảo vệ hợp pháp cho ông Cao Toàn Mỹ.

Đồng thời, trong đơn luật sư Nam cũng đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của tất cả những người có liên quan. Đặc biệt xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Mai Phương nếu nhân chứng "bí ẩn" này có liên quan.

Theo luật sư Nam, chính vì những hành vi có dấu hiệu tội phạm này đã làm cho bị cáo Dung thay đổi lời khai, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có TAND TP.HCM.

Điều kiện nào để cơ quan có thẩm quyền đình chỉ vụ án?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn LS TP. HCM) cho rằng còn tùy vào tòa án hay VKS có đơn đình chỉ vụ án. Cụ thể: Nếu Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự thì căn cứ để đình chỉ được quy định tại điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự.

"Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 của Điều 107 trong Bộ luật này hoặc khi VKS rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa", luật sư Hùng nói.

Luật sư Hùng phân tích, như vậy những căn cứ để Tòa đình chỉ vụ án cụ thể là: VKS rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Hoặc người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm (đối với vụ án chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại), trừ trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Luật sư bảo vệ ông Cao Toàn Mỹ: Ai cũng có thể kiến nghị đình chỉ vụ án, nhưng quyết định là của cơ quan thẩm quyền - Ảnh 3.

Cao Toàn Mỹ trong phiên xét xử lần trước

Dư luận đã đặt ra giả thiết với những căn cứ trên nếu Tòa án có thể đình chỉ vụ án hoa hậu Phương Nga lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngược lại ông Cao Toàn Mỹ có bị truy tố về tội vu khống?

Về vấn đề này, luật sư Hùng cho biết thêm, thứ nhất phải làm rõ được ông Mỹ có làm giả hồ sơ hay không. Nếu hồ sơ như ban đầu ông Mỹ tố cáo thì không có phạm tội gì và chỉ phạm tội khi tố cáo không đúng sự thật, giả mạo hồ sơ để vu khống Phương Nga thì lúc này vị đại gia này mới phạm tội.

Thứ hai, nếu cho rằng Phương Nga có tội lừa đảo chiếm đoạt tiền mà Cơ quan thẩm quyền khẳng định không có tội để từ đó đình chỉ vụ án thì ông Mỹ cũng không phạm tội vì đây là quan điểm của vị đại gia này.

Nếu là Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án, thì căn cứ áp dụng tại Điều 169 BLTTHS 2003:

Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một những quyết định cụ thể, trong đó có đình chỉ vụ án. Căn cứ được liệt kê tại điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

- Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm (đối với vụ án chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại), trừ trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức;

- Không có sự việc phạm tội;

- Hành vi không cấu thành tội phạm;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

- Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

- Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Tội phạm đã được đại xá;

- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

- Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

- Trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25, Điều 69 Bộ luật hình sự 1999.