Vị Tiến sĩ đang dính lùm xùm về NMN trên TikTok là ai?
Vị Tiến sĩ này là ai? NMN được anh quảng cáo như thế nào và đang vấp phải những ý kiến trái chiều ra sao?
Trong những tháng gần đây, nếu bạn lướt TikTok, chắc hẳn không ít lần bắt gặp những video của một nhân vật tự xưng là Tiến sĩ An. Với phong cách nói chuyện tự tin, gần gũi và những lời tuyên truyền đầy thuyết phục về sức khỏe, ông đã nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, trở thành một hiện tượng trên nền tảng này.
Tuy nhiên gần đây nhất, vị Tiến sĩ này đã gây ra "làn sóng" tranh cãi dữ dội khi quảng bá và trực tiếp bán sản phẩm NMN. Cụ thể, sau khi những video của vị Tiến sĩ này "tung hô" công dụng của sản phẩm NMN được đăng tải, lập tức có những người dùng MXH lên tiếng bác bỏ như: "NMN là sản phẩm ở một số nước vẫn đang cấm", "con người nghiễm nhiên trở thành chuột bạch"; "những nghiên về sản phẩm này mới chỉ thực hiện ở trên động vật"...
Hiện tại, làn sóng tranh cãi về sản phẩm NMN hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí ngày càng có nhiều tài khoản TikTok đưa ra những bằng chứng "quảng cáo thổi phồng" công dụng NMN của Tiến sĩ An. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, thậm chí cảm thấy mình bị lừa, là "vật thí nghiệm" bởi trót tin theo.

Tiến sĩ An đang “hot” trên MXH là ai?
Theo những gì chia sẻ trên truyền thông, Tiến sĩ An, tên đầy đủ là Lê Ngọc An. Hiện đang làm việc tại Viện Sức khỏe Thông thái WHC, đồng thời giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi thi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội và nhận được học bổng, Lê Ngọc An quyết định du học để thực hiện ước mơ nghiên cứu và nâng cao học vấn. Sau khi hoàn tất nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Zurich, Thuỵ Sĩ, vị Tiến sĩ này cũng chia sẻ trên truyền thông rằng ông đã bỏ qua nhiều lời mời làm việc với mức thu nhập cao tại châu Âu, quyết định về nước nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

TS Lê Ngọc An
Tiến sĩ An tham gia sáng tạo nội dung trên nền tảng kênh truyền thông kỹ thuật số và thường xuyên truyền tải kiến thức về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, tập luyện đến mọi người.
Trên TikTok, Tiến sĩ An thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi, hàng triệu lượt thích nhờ vào các video chia sẻ kiến thức y khoa và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Một trong những sản phẩm được ông giới thiệu là NMN (Nicotinamide Mononucleotide), tuyên truyền khả năng hỗ trợ trẻ hóa và tăng cường năng lượng cho cơ thể. Và những chia sẻ về sản phâm này của Tiến sĩ An đang gây ra những tranh cãi trên nền tảng MXH.
NMN được Tiến sĩ An thường xuyên nhắc tới là gì?
NMN, hay Nicotinamide Mononucleotide, là một hợp chất tự nhiên có trong cơ thể người, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất NAD+ – một coenzyme cần thiết cho quá trình trao đổi chất và sửa chữa DNA. Các nghiên cứu khoa học sơ bộ, chủ yếu trên động vật, cho thấy NMN có tiềm năng cải thiện sức khỏe tế bào và làm chậm quá trình lão hóa.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo nhiều tài liệu công bố thì chưa có đủ bằng chứng khoa học trên người để khẳng định NMN là "thần dược" như cách nó thường được quảng bá. Tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, NMN chủ yếu được bán dưới dạng thực phẩm bổ sung (dietary supplement) chứ không phải thuốc chữa bệnh.
Trước những thông tin được TS An chia sẻ, có người cho rằng, công dụng "chống lão hóa toàn diện" hay "phòng ngừa bệnh tật" mà ông đưa ra vượt xa những gì khoa học hiện tại có thể chứng minh. Điều này khiến nhiều người lên tiếng cảnh báo rằng cách quảng cáo của Tiến sĩ An có dấu hiệu thổi phồng công dụng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
NMN mới chỉ nghiên cứu ở chuột, bị cấm ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu?
Trước những thông tin được quảng cáo về một sản phẩm chống lão hóa quá đỗi tuyệt vời của TS An, một số bác sĩ đã lên tiếng, tỏ rõ thái độ về NMN. Chỉ cần dạo một vòng quanh TikTok, bạn sẽ thấy không thiếu những ý kiến phản đối của các chuyên gia, bác sĩ về sản phẩm đang cực hot trong cộng đồng làm đẹp.
Trong số đó có một số bác sĩ lên tiếng rằng: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy nhiều lợi ích, và một số thử nghiệm trên người đã chứng minh tính an toàn cũng như hiệu quả tiềm năng. Tuy nhiên, dữ liệu dài hạn trên người vẫn còn hạn chế, nên cộng đồng khoa học chưa hoàn toàn đồng thuận về việc công nhận NMN là một giải pháp chống lão hóa chính thức.
Một TikToker có tên là Y.D cũng lên tiếng, bày tỏ sự lo lắng."Ui mọi người ơi, mình bây giờ tự nhiên thấy lo lắng. Mình đi dạo một vòng trên TikTok thì phát hiện NMN mình uống, mình mua của Tiến sĩ An mới chỉ được thử nghiệm trên chuột bạch và rất ít người, khoảng 100 người hoặc 1000 người gì đấy. Số lượng được thử nghiệm rất ít".

TikToker Y.D
Cô cũng bày tỏ lo lắng thêm về thông tin "sản phẩm bị cấm bán ở Mỹ, ở Trung Quốc, châu Âu, trong khi lại được nhập về bán tại Việt Nam".
Nữ TikToker cho biết, với tâm lý phụ nữ muốn chống lão hóa, sản phẩm được quảng cáo với nhiều công dụng khiến cô rất ưng ý. Nhưng trước những chia sẻ trái chiều về NMN của nhiều "chuyên gia", cô thấy vô cùng hoang mang.
Theo tìm hiểu, hiện tại Nicotinamide Mononucleotide (NMN) chưa được công nhận đồng bộ trên toàn thế giới như một chất có trạng thái pháp lý hoặc khoa học thống nhất. Tình trạng công nhận của NMN khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia, khu vực và cách nó được phân loại (ví dụ: thực phẩm chức năng, thuốc, hay nguyên liệu thực phẩm).
Cụ thể:
Tại Mỹ: NMN từng được bán như một chất bổ sung chế độ ăn uống, nhưng vào năm 2022, FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã tuyên bố rằng NMN không đủ điều kiện là thực phẩm chức năng vì nó đang được nghiên cứu như một loại thuốc. Tuy nhiên, đến năm 2024, một phán quyết của tòa án đã tạm thời đình chỉ việc thực thi lệnh cấm này, cho phép NMN tiếp tục được bán trong một số trường hợp. Điều này cho thấy tình trạng pháp lý của NMN tại Mỹ vẫn đang tranh cãi.
Tại Nhật Bản: NMN được chấp nhận rộng rãi hơn và đã có mặt trong các sản phẩm thực phẩm chức năng. Nhật Bản là một trong những quốc gia tiên phong trong việc nghiên cứu và thương mại hóa NMN.
Tại Trung Quốc: NMN không được phép sử dụng như một thành phần thực phẩm chính thức, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể mua qua các kênh cá nhân (như gửi thư trực tiếp). Một số công ty đang nỗ lực đăng ký NMN như thực phẩm sức khỏe.
Tại Châu Âu: NMN đang được xem xét để phê duyệt như một "thực phẩm mới" (novel food), nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Hiện tại, việc bán NMN tại EU vẫn bị hạn chế ở một số quốc gia.
Tại Úc: NMN chưa được phân loại rõ ràng để bán như thực phẩm chức năng, và người tiêu dùng cần theo dõi các thay đổi trong quy định.