Điều kiện rút BHXH một lần

Khoản 1 Điều 60, khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 đã quy định chi tiết đối tượng và giới hạn về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được rút 1 lần trong một số trường hợp. Cụ thể:

(1) Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

(2) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn) và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

(3) Ra nước ngoài để định cư.

(4) Mắc một trong các bệnh:

- Bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác do Bộ Y tế quy định

- Các bệnh, tật khác mà có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự phục vụ sinh hoạt cá nhân hằng ngày.

(5) Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, người lao động mới chỉ đóng bảo hiểm xã hội 2 năm hoàn toàn có thể rút BHXH 1 lần khi có nhu cầu. Tuy nhiên không phải ai cũng được rút BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc.

- Trường hợp ra nước ngoài định cư; đang mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng; bộ đội, công an khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu: Được rút BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc.

- Trường hợp còn lại: Chờ 1 năm sau khi nghỉ việc, ngừng đóng BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, người lao động rút BHXH một lần phải hoàn tất thủ tục chốt sổ, gộp sổ BHXH (nếu có nhiều sổ bảo hiểm do làm việc tại nhiều công ty khác nhau) thì mới được giải quyết hưởng tiền BHXH 1 lần.

Lương 10 triệu, đóng bảo hiểm xã hội 2 năm, người lao động sẽ được nhận bao nhiêu tiền nếu rút BHXH một lần?

Số tiền BHXH 1 lần được tính dựa trên mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm. Cụ thể:

- Trường hợp đóng BHXH bắt buộc:

Tiền BHXH 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ năm 2014)

- Trường hợp đóng BHXH tự nguyện:

Tiền BHXH 1 lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Thời gian đóng BHXH từ năm 2014) - Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng

Trong đó:

- Thời gian đóng BHXH tính hưởng BHXH 1 lần được tính theo năm và làm tròn như sau:

+ Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ từ 1-6 tháng làm tròn là 1/2 năm, lẻ từ 7-11 tháng làm tròn là 1 năm.

+ Trường hợp trước ngày 1/1/2014 có thời gian đóng BHXH lẻ tháng thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ ngày 1/1/2014 trở đi.

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính dựa trên mức lương hàng tháng đóng BHXH của người lao động sau khi đã được nhân với hệ số trượt giá.

Ví dụ: Chị A đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2018 đến hết tháng 12/2019 với mức lương hàng tháng là 10 triệu đồng/tháng. Năm 2023, chị A làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần được nhận số tiền như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH = (10 triệu đồng x 12 tháng x 1,11) + (10 triệu đồng x 12 tháng x 1,08) : 24 = 10.950.000 đồng

Tiền BHXH 1 lần = 2 x 10,95 triệu đồng x 2 năm = 43,8 triệu đồng.