Việc lên kế hoạch chi tiêu hợp lý để tiết kiệm được khoản tiền đối với các bạn trẻ không dễ. Đặc biệt, với các bạn trẻ có mức thu nhập chưa cao, lại sống ở các thành phố lớn điều kiện sống đắt đỏ đòi hỏi một kế hoạch tài chính sát sao và chi tiết.
Chỉ sau 2 tháng ra trường, Hà My (sinh năm 2000 tại Hà Nội) đã nhận được việc làm với mức lương 10 triệu/tháng. Đây là mức lương không cao so với mặt bằng chung thị trường lao động hiện nay, và so với mức sống tại thành phố đô thị như Hà Nội.
Thế nhưng ngoài việc duy trì cuộc sống hàng ngày, cô gái trẻ Hà My còn đặt mục tiêu quyết tâm tiết kiệm tiền ngay khi nhận được tháng lương đầu tiên. Và thành quả là sau 6 tháng, Hà My đã có số tiền tiết kiệm tới 30 triệu đồng. Một con số không quá cao nhưng là thành quả sau nhiều tháng cố gắng. Cùng xem cách Hà My đã áp dụng và các bạn trẻ có thể tham khảo được hay không.
Lên kế hoạch tài chính theo "công thức ngược"
Phương pháp Hà My áp dụng trong chi tiêu hàng ngày là buộc tiết kiệm. Tức là sau khi nhận lương, 1 số tiền nhất định sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm, nằm trong 1 thẻ ngân hàng khác thẻ lĩnh lương. Con số mà Hà My quy định là 5 triệu đồng cho một tháng.
Khác với nhiều bạn trẻ, hay chính bạn bè của Hà My thường áp dụng công thức quen thuộc là: Tiền Lương - Chi Tiêu = Tiết kiệm. Với cách này, Hà My nhận ra điểm yếu là nếu bản thân không đủ kỉ luật thì không cẩn thận sẽ chi tiêu lạm phát ngoài kế hoạch. Với người trẻ, thích chi tiêu như Hà My điều đó không an toàn bởi cô rất khó kiềm chế được việc mua sắm của bản thân.
Thay vào đó, My áp dụng công thức ngược lại: Thu Nhập - Tiết Kiệm = Chi Tiêu. Tức là, ngay sau khi nhận được lương, My sẽ gửi tiền tiết kiệm theo quy định vào tài khoản riêng. Số tiền còn lại cũng chính là ngân sách chi tiêu cho 1 tháng của cô gái trẻ. Bằng cách này sau khi chuyển tiết kiệm vào tài khoản kia, My sẽ tận hưởng cuộc sống với số dư còn lại mà không lo chi tiêu hoang phí có thể ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính của cô.
"Tôi gửi tiền tiết kiệm vào 1 ngân hàng lớn. Mức tôi gửi là kỳ hạn là 1 năm, lãi suất khi gửi khoản tiền đầu tiên 5,5%/năm. Với các khoản gửi sau, tôi nhận được mức lãi suất cao hơn, là 6,2%/năm. Lựa chọn mức gửi dài hạn này, một là vì không có kế hoạch tài chính lớn nào trong 1 năm tới. Hai là mức gửi này sẽ cao hơn so với 3 tháng và 6 tháng", Hà My chia sẻ thêm.
Làm cách nào để sống với khoản tiền chỉ 5 triệu/tháng ở thành phố lớn
Vài tháng đầu, Hà My cũng chưa quen với việc tiết kiệm và chi tiêu ít ỏi này. Bởi khi ở trường, cuộc sống được bố mẹ chu cấp khá đầy đủ, không cần phải lo lắng gì. Nhưng khi ra trường, có thu nhập, tự học cách chi tiêu và tiết kiệm mới thấy cũng không hề dễ dàng.
Tiền nhà trọ, My chia sẻ không gian sống cùng với 2 người bạn nữa. Mức đóng mỗi tháng là 1,5 triệu. Đồ ăn hàng ngày chủ yếu là tự nấu, My rất ít đi ăn ngoài. 1 tháng chỉ các dịp đặc biệt của bạn bè hay đồng nghiệp mới ra ngoài ăn mà thôi. Tiền ăn mỗi tháng My hết 2,5 triệu. 1 triệu còn lại My sẽ dành để mua các thứ lặt vặt khác.
"Tôi không thể thích là mua trà sữa uống mà quy định 1 tuần được mua một lần. Quần áo, giày dép, đồ trang sức, mỹ phẩm cũng phải sắp xếp thời gian mua cho hợp lý, nếu tháng này mua giày thì tháng sau mới mua áo. Tôi sẽ lên kế hoạch cẩn thận để không bị lạm phát chi tiêu. Tôi đã ít mua đồ ăn vặt hơn trước rất nhiều. Trước khi mua quần áo cũng phải nghĩ kỹ. Tình trạng mua quần áo về chỉ mặc 1-2 lần không có nữa".
Sau một thời gian áp dụng, Hà My cũng thấy quen với cách sống này. My cho rằng, nếu thu nhập của mình có tăng lên trong thời gian tới, việc chi tiêu vẫn sẽ giữ nguyên. Thay vào đó, cô gửi tiết kiệm nhiều hơn vì đã đặt mục tiêu sẽ nghỉ hưu sớm.
Hà My cũng có hai lời khuyên tài chính rút ra từ chính bản thân. Thứ nhất, chính việc không dành dụm từ số tiền nhỏ khi còn là sinh viên đại học đã khiến cô lãng phí rất nhiều tiền. Hàng tháng, sau khi nhận tiền từ bố mẹ, trừ tiền thuê nhà, điện nước, mua sắm đã không còn dư dả nên My cũng chỉ nghĩ đến việc dùng số tiền còn lại để uống thêm vài ly trà sữa, thưởng cho mình bộ quần áo. Kết quả là đã tiêu hết số tiền đó và không có bất cứ 1 khoản tiết kiệm nào trong suốt các năm học đại học. Thậm chí, có tháng còn thêm 1 khoản nợ nhỏ khiến cô rất hối hận.
Thứ hai, chưa biết cách học đầu tư để gia tăng số tiền đang có. "Tôi đã từng học theo 1 người bạn để đầu tư vào cổ phiếu và mất hết tiền. Do số vốn ít nên tôi bị thu hút bởi những khoản đầu tư có tính rủi ro cao, bởi nghĩ đến "tiền nhỏ mà lợi nhuận lớn". Tuy chỉ mất vài triệu nhưng nó khiến tôi sợ hãi và tiếc tới tận bây giờ. Hiện tại tôi đang gửi tiết kiệm và nghiên cứu thị trường. Trong tương lai nếu có nhiều kỹ năng hơn, có thể tôi sẽ quay trở lại việc đầu tư để tối ưu số tiền mình đang có".