Thanh, 35 tuổi, mẹ của 1 bé (5 tuổi), đang sinh sống tại Hà Nội. Ra trường đã nhiều năm, hiện Thanh đang làm kế toán ở một công ty công nghệ. Mức thu nhập 1 tháng là 17 triệu đồng, chi trả hết các khoản, Thanh cũng dành dụm được một số tiền tiết kiệm cho bản thân, vừa để phòng khi bất trắc.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi không biết tại sao Thanh có thể tiết kiệm từ khoản thu nhập và từng ấy thứ cần chi mỗi tháng. Thực tế, số tiền bạn kiếm được bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn dành dụm được không và câu hỏi đó là "quá lớn" để có thể giải thích rõ ràng trong một, hai câu.

Vì mỗi chúng ta, mỗi gia đình đều có thu nhập và chi phí cố định khác nhau nên cách tiết kiệm và số tiền tiết kiệm chắc chắn cũng khác nhau. Với Thanh, cô không chỉ cắt giảm những khoản chi không cần thiết mà còn cố gắng phát triển thêm các kĩ năng để kiếm thêm thu nhập, giúp rút ngắn hành trình tích lũy.

Lương 17 triệu đồng, mẹ Hà Nội vẫn đủ tiền trả góp mua nhà, có tiền để tiết kiệm nhờ áp dụng bí quyết này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Hợp lý hóa thẻ và tài khoản ngân hàng

Bước đầu tiên là sắp xếp hợp lý các thẻ ngân hàng. 

"Tôi chỉ có hai thẻ ngân hàng, một thẻ là thẻ thu chi. Thẻ này được gắn vào các ứng dụng mua sắm và có thể dùng để thanh toán khi mua sắm trực tuyến.

Còn lại là thẻ tiết kiệm, không ràng buộc với bất kỳ ứng dụng mua sắm nào và chỉ có thể chuyển khoản ra vào", Thanh cho biết, "chìa khóa" để áp dụng mẹo này thành công, giúp đạt được hiệu quả cao là hãy làm cho việc tiêu tiền của bản thân trở nên ít thuận tiện hơn. 

2. Phân bổ ngân sách rõ ràng

Sau khi nhận được lương, trước tiên hãy chia các chi phí cố định theo tình hình thực tế của bạn, chẳng hạn như: Tiền vay mua nhà, tiền sinh hoạt (điện nước, ăn uống,...), tiền học của con, tiền xăng xe/di chuyển,...

Phần còn lại được chia thành 4 tài khoản: Chi tiêu hàng ngày, tài khoản dành cho việc giải trí, tài khoản dùng để tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp và tài khoản tiết kiệm cho các mục tiêu khác (bao gồm cả đầu tư).

Lấy bản thân mình làm ví dụ, Thanh nói: "Như mình, lương 17 triệu đồng/tháng, mỗi tháng sẽ cần chi tiền vay mua nhà (5 triệu đồng), tiền học phí (3 triệu đồng), tiền điện nước - sinh hoạt hàng ngày của 2 mẹ con (6 triệu đồng/tháng). Mình còn dư khoảng 3 triệu đồng/tháng, số tiền này sẽ được chia nhỏ thành các mục như sau: Quỹ giải trí (1 triệu đồng), tài khoản dùng để tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp (1 triệu đồng) và tài khoản tiết kiệm cho các mục tiêu khác (1 triệu đồng).

Nếu có bất kỳ khoản thu nhập bổ sung nào khác, một khoản nhỏ nên được gửi vào tài khoản dự trữ và số tiền lớn hơn nên được gửi vào tài khoản tiết kiệm cho các mục tiêu (có thể là đầu tư)".

Lương 17 triệu đồng, mẹ Hà Nội vẫn đủ tiền trả góp mua nhà, có tiền để tiết kiệm nhờ áp dụng bí quyết này - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

3. Loại bỏ những thứ không cần thiết ra khỏi cuộc sống

"Hãy loại bỏ những chiếc túi xách, tai nghe hay những bộ sản phẩm chăm sóc da không phù hợp. Thậm chí cả những bộ quần áo không còn khả năng dùng tới, cũng đừng giữ lại. Vì càng để lâu thì giá trị càng giảm", Thanh cho biết những khoản tiền nhỏ này khi cộng lại có thể thành 1 số tiền lớn ít người ngờ tới.

4. Đầu tư cho tri thức

Không nhiều người nhận ra thành công là yếu tố có liên quan về thời gian - nghĩa là bạn hãy bắt đầu từ bây giờ, càng sớm càng tốt. Thời gian cũng là một yếu tố quyết định đến cuộc sống sau này của bạn như thế nào. Trong đó, đầu tư cho tri thức là hành động thúc đẩy bạn chạm tới thành công. Việc chần chừ đầu tư cho tri thức cũng như thực hiện sớm kế hoạch tiết kiệm sẽ nhấn chìm nhiều cơ hội đến với bạn. 

"Mình chọn đọc sách. Đọc những cuốn sách trang bị cho mình cả kiến thức lẫn sự tự tin", Thanh cho biết vì đang muốn tìm hiểu nhiều hơn để quản lý tài chính cũng như kinh doanh nên cô ưu tiên chọn các đầu sách này.

"Khi còn đang chung sống với chồng cũ, mình từng cho rằng trách nhiệm trong hôn nhân là lý do khiến bản thân không thể tiến xa hơn trong công việc. Sau khi ly hôn, mình tự ti về tâm lý nhiều hơn dù rào cản về trách nhiệm gia đình đã có phần vơi bớt. Thời điểm 1 mình mua nhà, gồng gánh mọi thứ, mình mới nhận ra ý nghĩa của việc cần phải học kĩ năng quản lý tài chính và tiết kiệm", Thanh nhấn mạnh.

Hiện tại, Thanh cho biết cô đang đọc 2 cuốn sách bao gồm:

+ Dấn thân (lean in) - Tác giả: Sheryl Sandberg: Trong cuốn sách này, những kinh nghiệm thực tế được đút kết từ bản thân, từ những số liệu nghiên cứu hữu ích, Sheryl đã giúp đa số những người phụ nữ hiểu rõ hơn vai trò và giá trị của mình trong quá trình cân bằng giữa sự nghiệp và đời sống cá nhân.

35 tuổi lương 17 triệu đồng, làm sao để tiết kiệm? - Ảnh 1.

Đọc sách giúp tư duy lẫn kiến thức của Thanh phát triển sâu hơn. (Ảnh minh họa)

"Cuốn sách này giúp mình có thêm động lực thoát khỏi những định kiến xã hội và phát huy tối đa những khả năng chưa được đánh thức của chính mình", Thanh chia sẻ.

+ Bán bạc cắc, thu bạc tỷ - Tác giả Tâm Trương: Cuốn sách là lời giải đáp cho những ai đang chập chững bước vào con đường kinh doanh, từ việc chọn sản phẩm, thương lượng với nhà cung cấp, đến giải pháp xử lý hàng tồn hiệu quả. Với cách viết dí dỏm, gần gũi, cuốn sách này hứa hẹn sẽ giúp các bạn độc giả xử lý các vấn đề khó khăn liên quan đến bán hàng, nhất là hàng tồn kho. Từ những câu chuyện thực tế đúc kết sau 27 năm kinh doanh (tác giả đã được mẹ cho ra chợ bán hàng từ lúc 5 tuổi) cuốn sách giúp bạn đọc vượt qua nỗi sợ thất bại. Đồng thời, trang bị cho bạn kỹ năng sống còn trong những ngày đầu khởi nghiệp.

"Trái ngược với Lean In, cuốn 'Bán bạc cắc, thu bạc tỷ' giúp mình biết bản thân cần bắt đầu như thế nào. Trước đây, mình chưa từng nghĩ sẽ kinh doanh nhưng 'trộm vía' hiện tại công việc này cũng đang giúp mình kiếm thêm được 1 khoản chừng 10 triệu đồng để tiết kiệm mỗi tháng", Thanh nói.

Toàn bộ số tiền thu về từ kinh doanh Thanh đều dùng cho mục đích tiết kiệm nên về cơ bản, Thanh cho biết cô vẫn sẽ tính toán chi tiêu hợp lý từ khoản thu nhập 17 triệu đồng kiếm được của công việc chính. Dù thu nhập hiện tại đã cao hơn nhưng cô cũng sẽ không phung phí.

Tiết kiệm tiền thực sự rất khó khăn, nhất là khi bạn chỉ có thu nhập từ 1 nguồn duy nhất. Vậy nên hãy học cách kiếm thêm nếu có thể. Điều đó sẽ giúp hành trình tích lũy của bạn trở nên nhanh chóng hơn.

Chúc cuộc sống của chúng ta trở nên suôn sẻ và giàu có hơn!