PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm hẳn. Cuối tháng 4-2020, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, cả 2 cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 bệnh nhân/ngày, giảm 50% so với trước. Nhưng đến nay, lượng bệnh nhân đã tăng lên khoảng 1.100-1.200 người/ngày.

Riêng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, trung bình tiếp nhận 40-50 bệnh nhân/ngày do suy tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não..., trong đó có khoảng 10 trường hợp bị ảnh hưởng do nắng nóng.

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát, nhưng với lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên, bệnh viện Tim Hà Nội vẫn duy trì phòng khám dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19. Ngoài ra, bệnh viện Tim Hà Nội vẫn thực hiện kê khai y tế, thiết lập máy đo thân nhiệt tự động và khử trùng vệ sinh tay cho người ra, vào… Bệnh viện chỉ cho một bệnh nhân kèm một người nhà đi cùng, không cho phép khách đến thăm người bệnh. Với thời tiết nắng nóng bất lợi cho sức khỏe như hiện nay, người bệnh mạn tính nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tránh ngại đến bệnh viện sẽ làm nguy cơ bệnh tăng lên.

Nắng nóng lượng bệnh nhân đột quỵ, suy tim, viêm phổi gia tăng tại các bệnh viện - Ảnh 1.

Người cao tuổi cần đề phòng nắng nóng

Nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng trở lại như trước khi có dịch COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, trung bình có 1.200-1.500 người tới khám/ngày, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám với các bệnh, như: Viêm phổi, tiêu chảy, sốt virrus… có liên quan đến nắng nóng.

Tương tự, tại bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca cấp cứu tăng khoảng 130-150% so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19, trong đó phổ biến là bị đột quỵ, viêm phổi, sốc nhiệt...

Với tình hình nắng nóng trong những ngày qua, khả năng thích nghi của người cao tuổi với sự thay đổi của thời tiết rất kém, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh nền mạn tính. Cũng ở người cao tuổi, do các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện, khiến không ít trường hợp vào viện khi bệnh đã trở nặng. Một lưu ý nữa, nắng nóng dễ khiến tăng thân nhiệt quá mức bình thường và mất nước dẫn đến sốc nhiệt. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ.

Để phòng bệnh thời điểm nắng nóng người cao tuổi nên lưu ý không ra ngoài khi nắng gắt, nếu công việc buộc phải ra khỏi nhà, cần đội mũ hoặc nón rộng vành, mặc ít quần, áo, tốt nhất là loại vải cotton, có kính râm càng tốt.

Khi ngoài nắng về nhà không nên uống nước lạnh quá hoặc nước đá, không nên dùng thực phẩm lạnh quá (chè đá, uống nước có đá hoặc dùng hoa quả lấy ra từ tủ lạnh...); Không nên uống bia lạnh nhất là người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn; Không vào phòng máy lạnh ngay, không cho quạt gió xoáy vào mình và không được tắm ngay khi còn mồ hôi.

Nếu phải làm việc trong điều kiện nắng, nóng cần uống thêm nước có pha một ít muối ăn là rất tốt, nếu có điều kiện uống thêm nước trái cây.

Mùa nắng nóng cần ăn uống hợp vệ sinh, tránh xa thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo, rau sống…) hoặc thực phẩm của ngày hôm trước (đề phòng đã nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ôi, thiu).