Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, đây là tin vui với người lao động đang hưởng lương tại các tổ chức, cơ quan.

Tuy nhiên, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, đã lường trước việc tăng lương cơ sở sẽ dẫn đến tình trạng giá cả hàng hóa sẽ “tát nước theo mưa" và ngay từ sớm, cơ quan này đã phải tìm các biện pháp để kiểm soát.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra nhiều yếu tố cho thấy, việc giá tiêu dùng sẽ tăng theo lương cơ sở chỉ là chuyện sớm muộn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú dự báo, giá các mặt hàng tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng nhưng có độ trễ. Ông Phú phân tích rõ 4 yếu tố tác động đến việc tăng giá hàng hóa.

Đầu tiên là tâm lý tăng giá của người bán, hiện rất nhiều người có tâm lý rằng lương của người tiêu dùng tăng rồi thì mình cũng có quyền “kiếm thêm một tí", bằng cách tăng giá bán lên. Tâm lý này có thể trở thành xu hướng đám đông, ai cũng nhìn người khác điều chỉnh giá để tăng theo.

Yếu tố thứ hai là quản lý nhà nước. Ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá chặt chẽ để chống dầu cơ, loạn giá như xăng, dầu, điện, sách giáo khoa...hay hàng hóa trong siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thì còn một phần rất lớn đang được thả lỏng, chưa thể kiểm soát là các mặt hàng được buôn bán tự do ở chợ.

" Trên thực tế, cơ quan quản lý không thể đi từng nơi để kiểm tra và bắt bà bán rau, bán thịt tăng hoặc giảm giá. Những tiểu thương này tự quyết định giá mặt hàng họ bán nên có tình trạng sáng một giá, chiều đã một giá khác, hoặc là bán cho khách đi ô tô một giá, khách đi xe đạp một giá ", ông Phú nói.

Lương cơ sở tăng từ 1/7: Lo giá hàng hóa 'tát nước theo mưa' - Ảnh 1.

Nhiều người lo giá hàng hóa tăng theo lương cơ sở. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Một yếu tố nữa được ông Phú nhắc đến là tính “bảo thủ về giá" của thị trường tự do: " Hãy nhìn vào bát bún, bát phở, dịch vụ cắt tóc, ăn uống…sau đại dịch COVID-19, xăng tăng, giá thành đã bị đẩy lên cao hơn trước và hiện giờ không xuống nữa, dù giá xăng đã giảm mạnh từ lâu ".

Yếu tố cuối cùng là hàng hóa trong nước còn chịu thêm tình trạng “tăng giá giấu mặt": Lấy ví dụ như chi phí sản xuất có thể đã được cắt giảm nhưng giá bán ra lại không đổi. Như vậy cũng không khác gì tăng giá. Rồi tình trạng cân đo, đong đếm thiếu trung thực ở chợ không thể kiểm soát, vẫn diễn ra hàng ngày. Với những người không tăng giá thì họ cũng có thể cân sai, đó cũng là một hình thức tăng giá hàng hóa, đẩy thiệt thòi về người tiêu dùng.

“Do đó, có thể dự báo việc hàng hóa tăng giá theo lương cơ sở sẽ diễn ra nhưng ngay cả việc tăng bao nhiêu chúng ta cũng không kiểm soát và dự báo ngay được" , chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính lạc quan hơn. Ông Thịnh nêu quan điểm, việc hàng hóa tăng giá “tát nước theo mưa" đã từng xảy ra. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây chúng ta đã chặt chẽ hơn trong việc quản lý giá.

“Với sự quản lý chặt chẽ giữa Cục Quản lý Thị trường - Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính kết hợp với chính quyền địa phương, chúng ta hy vọng nguy cơ hàng hóa tăng giá theo lương cơ sở tăng sẽ được kiểm soát" , PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Thêm vào đó, các chính sách mới như giảm thuế VAT chúng ta mới thực hiện đồng loạt sẽ làm cho giá cả thị trường giảm khoảng 1,7%, cộng với chính sách giảm lệ phí trước bạ, giãn, hoãn thuế và miễn giảm một số loại phí, lệ phí…cũng tác động tích cực đến thị trường hàng hóa.

Đồng thời, giá xăng dầu trong thời gian vừa qua dù biến động .nhưng vẫn nằm trong ngưỡng bình ổn. “ Tất cả những điều này cho thấy nguy cơ hàng hóa tăng giá theo lương cơ sở sẽ giảm đi rất nhiều ", ông Thịnh nhận định.

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cũng cho rằng, không cần quá lo lắng việc giá cả hàng hóa sẽ tăng ào ạt theo lương cơ sở, bởi giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng, giảm theo quy luật của thị trường.

“Tôi đánh giá cao chính sách tăng lương cơ sở, đây là chính sách tốt cho người lao động, người hưu trí và là việc phải làm ở thời điểm hiện tại. Giá cả hàng hóa sẽ tăng giảm theo quy luật cung - cầu của thị trường chứ không hoàn toàn do lương cơ sở. Cho nên, vấn đề này không phải là một sức ép quá lớn đối với thị trường, đối với nhà quản lý” , ông nói.

Lương cơ sở tăng từ 1/7: Lo giá hàng hóa 'tát nước theo mưa' - Ảnh 2.

Giá cả hàng hóa trong siêu thị dễ kiểm soát hơn nhưng lượng tiêu thụ chỉ chiếm 2/10 lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Trước đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết đã lường trước nhiều kịch bản, đưa ra 3 giải pháp phòng chống việc hàng quá tăng giá “tát nước theo mưa" khi lương cơ sở tăng từ 1/7.

Theo đó, bám sát thị trường giá cả để đảm bảo kiểm soát mục tiêu đã đưa ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu…vì có thể từ giá cả của mặt hàng này sẽ tác động sang giá các mặt hàng khác. Liên tục nắm bắt tình hình, cân đối cung cầu của các mặt hàng này trong quá trình điều hành giá.

Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp tình hình thực tế. Tiếp đó là theo dõi chặt chẽ việc kê khai, thông báo giá, đồng thời kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý giá để tránh tình trạng xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá.

Bổ sung các giải pháp để kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: “ Một giải pháp nữa để làm tốt công tác quản lý giá khi chúng ta tiến hành tăng lương cơ sở từ 1/7 là truyền thông giải quyết vấn đề tâm lý. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông khi thời điểm 1/7 cận kề để mọi người dân, mọi người tiêu dùng cũng như cả xã hội thấy rằng việc tăng lương cơ sở là hết sức bình thường và đã nằm trong kế hoạch ".