Thế hệ dân công sở trẻ năng động, hội nhập nên không khó để tìm ra những cá nhân ưu tú với trình độ học vấn cao và có mức thu nhập tương đối khấm khá hơn so với nhiều người. Nàng công sở 24 tuổi trong câu chuyện dưới đây cũng thế. Tuy nhiên, thay vì cảm thấy “ổn áp” và tự hào về bản thân, cô nàng mới đây lại đăng đàn than thở trên MXH.
Khoan vội chê trách cô gái “được voi đòi tiên” bởi lý do cô than thở tin chắc rằng sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Toàn bộ bài viết của cô được đăng đàn chia sẻ trong một hội nhóm có rất đông thành viên như sau:
“Chào các anh chị và các bạn. Em sinh năm 96, đã đi làm được 2 năm, công ty em đang làm việc trong ngành vận tải biển (hãng tàu khá to và thị phần lớn), em làm bộ phận chăm sóc khách hàng. Hiện mức lương của em là 12,5 triệu/tháng, em cũng có phụ trách nhiều tasks và nhiều khách hàng quan trọng (key clients).
Từ khi nhận task mới và các khách hàng quan trọng thì em thấy overload với công việc hàng ngày. Thường xuyên phải làm quá giờ (7-8h tối), có những lúc phải làm cả cuối tuần. Công việc áp lực làm em nhiều khi rất căng thẳng. Ngoài đi làm full time em cũng đi dạy thêm. Thu nhập dạy thêm hàng tháng cũng rơi vào khoảng 4-4,5 triệu.
Nếu như tính ra thì thu nhập mỗi tháng của em khoảng 16-17 triệu nhưng thực sự đôi lúc rất mệt mỏi. Em tốt nghiệp bằng giỏi ở trường đại học điểm cao, là học sinh cấp 3 chuyên Anh ở Hà Nội, có ielts 7.0 nên giờ em vẫn có nền tảng tiếng Anh và đi dạy được.
Trong công việc thì mọi người cũng nhận xét là em có trách nhiệm, cẩn thận nên công việc ở công ty có nhiều phát triển (về mặt phức tạp và trách nhiệm). Những ngày gần đây em thường xuyên có suy nghĩ là mình làm việc quá nhiều với mức lương mình nhận được.
Đôi khi em nghĩ hay là mình bỏ việc để học lại sư phạm rồi làm lại từ đầu (lương giáo viên bây giờ rất ổn ạ). Em còn đang có ý định kết hôn (người yêu em có lương tương đương với mức thu nhập của em bây giờ), em vẫn nghĩ nếu cứ hai đứa với mức thu nhập như vậy, rồi còn chuyện mua nhà cửa, sinh hoạt, thì bao giờ mình mới đủ tiền để lo chuyện có con, rồi sao dám lấy chồng/lấy vợ ạ?
Anh chị có kinh nghiệm hãy cho em lời khuyên ạ. Em cám ơn mọi người nhiều!”.
Thế đấy, mỗi người có một cuộc sống riêng, hoàn cảnh riêng và những mối lo cũng hoàn toàn riêng tư, không ai giống ai. Cho nên, vấn đề mà cô nàng lo nghĩ, chúng ta hoàn toàn không thể đánh giá là đúng hay sai theo góc nhìn cá nhân chủ quan.
Trái lại, đặt mình vào trường hợp cô gái, tổng thu nhập tạm gọi là cao so với tuổi đời nhưng nó không làm mình hạnh phúc, thậm chí là không tương xứng với sức lao động mình bỏ ra, vậy thì việc cô than thở… bình thường thôi mà, phải không?
Kể cả chuyện cưới chồng mua nhà và sinh con. Tình hình kinh tế tương lai không ai rõ, bài toán chi tiêu, nhu cầu cá nhân của mỗi người mỗi khác, cô cho rằng thu nhập hiện tại chưa đủ để cô thực hiện những điều trên cũng là… bình thường nốt, nhỉ?
Chính từ những cái “bình thường” đó mà thay vì bị ném đá với các câu đại loại như “thế còn đòi, chắc muốn làm tỷ phú” thì bên dưới bài viết của nàng công sở trẻ, rất đông dân mạng đã nghiêm túc bày tỏ ý kiến mang tính đóng góp và xây dựng như:
“Trình bày thẳng với manager phụ trách trực tiếp mình đi em, em cần partner hoặc 1 bạn nữa share việc với em. Em càng tỏ ra được việc thì người ta sẽ mặc định em có khả năng cân được nhiêu đó và cứ giao hoài hoài thôi. Không được thì ra đi. Mình có năng lực thì không ngại ở đâu cả, tự tin lên tiếng đi em”.
“Anh cũng làm cùng ngành, có khi cùng trường em. Em còn quá trẻ và đang làm 1 phần nhỏ của Logs. Mức lương như vậy là cao so với thị trường rồi. Công việc của em đang làm không cần nhiều tài năng như vậy, chỉ cần chăm chỉ, tỉ mỉ.
Anh nghĩ em đang chọn sai đường. Bây giờ em cần dành thời gian để tìm ra cái mình thật sự thích và muốn làm, khoan nghĩ tới lương đã. Thích làm em mới không cảm thấy áp lực, còn vấn đề chồng con hãy nghĩ nó khi em đã chọn đúng con đường nhé”.
“Chị nghĩ em có năng lực nhưng không dám yêu cầu cũng như thể hiện với sếp. Một là em yêu cầu tăng lương so với khối lượng công việc mà em thấy là lớn và quá tải, hoặc là phải có người chia sẻ cùng. Hai là chuyển hẳn sang 1 công ty nước ngoài làm cho xứng đáng. Công việc part-time thì bỏ đi em. 8 tiếng chất lượng còn hơn 12 tiếng lãng phí. Sau này có gia đình em cũng không đủ sức làm đâu”.
Từ những bình luận trên có thể thấy rằng, câu chuyện của cô gái trẻ đã bày ra cho dân công sở chúng ta rất nhiều khía cạnh phổ biến mà rất nhiều người cũng đang gặp phải: Từ vấn đề không dám đối thoại với cấp trên, cho đến việc “cứ thể hiện mình tài giỏi thì việc cứ thế bị giao đều đều”, thậm chí là cả vấn đề lựa chọn đúng con đường và năng lực của bản thân.
Thôi thì chỉ mong tất cả (cô gái trẻ và những ai đang gặp phải tình huống nào đó tương tự) qua những ý kiến mang tính góp ý xây dựng trên sẽ tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho chính mình. Còn riêng anh chị em công sở khác, mọi người nghĩ sao về câu chuyện này?