Con số lương hơn 3 triệu đồng/tháng này sẽ càng thấy éo le hơn nếu so sánh với mức hỗ trợ sinh hoạt phí mà sinh viên sư phạm đang được lãnh hằng tháng: 3.630.000đ/tháng!
Đời không như là mơ!
Cũng mới đây thôi, báo Tuổi Trẻ có bài viết về Nữ sinh 29,25 điểm đang là cô công nhân 18 tuổi, lương 4,2 triệu đồng. Cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Thúy đang làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Hà Nam để kiếm tiền chuẩn bị cho việc học đại học của mình với mức lương 4,2 triệu đồng, nếu tính cả tăng ca là hơn 6 triệu đồng.
Nguyện vọng của nữ sinh này là được học khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội để biến ước mơ trở thành cô giáo đã ấp ủ từ ngày bé trở thành hiện thực. 3 triệu - 3,63 triệu - 4,2 triệu thật là những con số đáng suy ngẫm, đặc biệt là đối với những ai đang và sẽ là giáo viên!
Được trở thành thầy cô giáo là ước mơ đẹp của rất nhiều học sinh, nhất là các em nhà nghèo, ở vùng sâu vùng xa, nhưng trong bối cảnh tiền lương nhà giáo như hiện nay và nhiều giáo viên dù đã gắn bó nhiều năm với nghề cũng đành "dứt áo ra đi" thì có lẽ cần giúp các em biết được rằng đời không như mơ!
Theo điều 4 nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, có hiệu lực từ 15-11-2020, bắt đầu áp dụng cho sinh viên khóa tuyển sinh 2021 thì sinh viên sư phạm được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.
Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Lương không đủ sống
Trong khi đó, hiện nay mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo nghị định 38/2019/NĐ-CP. Mức lương mới ra trường của giáo viên các cấp như sau:
(đơn vị: triệu đồng/tháng)
STT | Giáo viên | Hệ số | Mức lương | Căn cứ |
1 | Mầm non hạng II | 2,34 | 3,4866 | Thông tư liên tịch số 20/2015 |
2 | Mầm non hạng III | 2,1 | 3,129 | |
3 | Mầm non hạng IV | 1,86 | 2,7714 | |
4 | Tiểu học hạng II | 2,34 | 3,4866 | Thông tư liên tịch 21/2015 |
5 | Tiểu học hạng III | 2,1 | 3,129 | |
6 | Tiểu học hạng IV | 1,86 | 2,7714 | |
7 | THCS hạng I | 4,0 | 5,96 | Thông tư liên tịch số 22/2015 |
8 | THCS hạng II | 2,34 | 3,4866 | |
9 | THCS hạng III | 2,1 | 3,129 | |
10 | THPT hạng I | 4,4 | 6,556 | Thông tư số 23/2015 |
11 | THPT hạng II | 4,0 | 5,96 | |
12 | THPT hạng III | 2,34 | 3,4866 |
Còn lương của giáo viên, giảng viên mới ra trường dạy tại các trường dân lập thì căn cứ quy định tại nghị định 90/2019/NĐ-CP mức lương của giáo viên, giảng viên đã qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, mức lương của giáo viên, giảng viên mới ra trường dạy tại các trường dân lập sẽ là:
Địa bàn giảng dạy | Mức lương tối thiểu |
Vùng I | 4.729.400 đồng |
Vùng II | 4.194.400 đồng |
Vùng III | 3.670.100 đồng |
Vùng IV | 3.284.900 đồng |
Như vậy, mức lương thấp nhất của giáo viên mới ra trường trong khu vực công sẽ là 2.771.000 đồng đối với giáo viên mầm non và tiểu học hạng 4; cao nhất là 6.556.000 đồng đối với giáo viên trung học phổ thông hạng I.
Trường hợp giảng dạy trong khu vực tư, mức lương thấp nhất cho giáo viên mới ra trường có thể là 3.284.400 đồng trường hợp giảng dạy ở khu vực IV. Đó là lương, ngoài ra giáo viên còn có phụ cấp đứng lớp và sau 5 năm công tác sẽ có phụ cấp thâm niên, nhưng riêng trong năm thử việc thì chỉ được nhận 85% lương.
Trong 5 năm đầu công tác, sau khi trừ đi các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí và các khoản đóng góp khác thì có lẽ tổng thu nhập hằng tháng của giáo viên còn không bằng khoản hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm!