Thời điểm cuối năm nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành quyết toán thuế cho người lao động, để phần hoàn thuế sẽ được thanh toán trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một trong những nội dung về thuế được người lao động rất quan tâm là thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lao động chưa nắm rõ hết được những quy định liên quan đến khoản thuế này.
Mức lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân
Tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bởi Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012) quy định về giảm trừ gia cảnh như sau:
Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế;
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc (Con cái dưới 18 tuổi/con từ 18 tuổi trở lên đang học tập; Vợ/chồng: Nếu không có thu nhập; Cha mẹ: Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ/chồng nếu không có thu nhập,...)
Theo đó, để giải đáp câu hỏi "lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân" thì ta cần phải dựa trên mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế và người phụ thuộc.
Căn cứ Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương ứng với 132 triệu đồng/năm).
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, hiện nay đối với người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) khi đã trừ hết những khoản được miễn hoặc giảm trừ (như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế,...) thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Trong trường hợp người lao động có một người phụ thuộc thì mức lương phải trên 15,4 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.
Trường hợp có hai người phụ thuộc tương đương mức lương trên 19,8 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế.
Thu nhập 18 triệu đồng/tháng có con nhỏ đóng thuế thu nhập cá nhân bao nhiêu?
Trường hợp cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì người này không phải nộp thuế TNCN. Cụ thể, nguyên tắc được tính như sau: bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 1,785 triệu đồng (17 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng (11 triệu cho bản thân + 4,4 triệu cho người phụ thuộc), tổng cộng là 17,185 triệu đồng. Do đó, cá nhân này không phải nộp thuế TNCN.
Cũng có 1 người phụ thuộc, nếu cá nhân có thu nhập 18 triệu đồng, trừ 10,5% bảo hiểm là 1,89 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu đồng, thì phải nộp thuế là (18 triệu đồng - 1,89 triệu đồng - 15,4 triệu đồng) x 5% = 35 nghìn đồng/tháng, số tiền thuế rất nhỏ so với mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng, chỉ chiếm khoảng 0,19% tổng thu nhập của cá nhân.
Do đó, một cá nhân có thu nhập 18 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc thì chỉ nộp thuế 35 nghìn đồng/tháng.
Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp). Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: tổng thu nhập 18 triệu đồng - thuế TNCN (35 nghìn đồng), còn lại 17 triệu 965 nghìn đồng.
Trong trường hợp cá nhân có 2 người phụ thuộc, thu nhập tiền lương, tiền công của cá nhân là 22 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… thì người này không phải nộp thuế TNCN.
Cụ thể, bảo hiểm bắt buộc 10,5% (8% bảo hiểm xã hội + 1,5% bảo hiểm y tế + 1% bảo hiểm thất nghiệp) là 2,31 triệu đồng (22 triệu đồng x 10,5%), mức giảm trừ gia cảnh là 19,8 triệu đồng (02 người phụ thuộc), tổng cộng là 22,1 triệu đồng.
Do đó, không phải nộp thuế TNCN.
Nếu cá nhân có thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ gia cảnh, chỉ nộp thuế TNCN là 39 nghìn 500 đồng/tháng. Đây là số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu nhập của cá nhân.
Nếu cá nhân có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, nộp bảo hiểm bắt buộc là 3,13 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh cho 2 người (giảm trừ 19,8 triệu đồng) thì thu nhập tính thuế là 30 - 3,13 - 19,8 = 7,07 triệu đồng/tháng. Mức thuế sẽ nộp là Bậc 1 (5 triệu đồng x 5%) là 250 nghìn đồng, bậc 2 [(7,07 - 5) x 10%] làm tròn là 210 nghìn đồng. Tổng tiền thuế phải nộp là 460 nghìn đồng/tháng.
Do đó, một cá nhân có thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì chỉ nộp thuế 460 nghìn đồng/tháng, tỷ lệ thuế TNCN trên tổng thu nhập khoảng 1,53%. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn. Thu nhập sau khi nộp thuế là thu nhập được chi tiêu: 30 triệu đồng - nộp thuế TNCN (460 nghìn đồng) = 29 triệu 540 nghìn đồng.