Cuộc tranh luận giữa việc cho bé dùng sữa công thức hay sữa mẹ có vẻ đã ngã ngũ khi các mẹ đã hiểu rõ hơn về chức năng, thành phần của 2 loại sữa này. Thế nhưng trong phạm vi của bài viết này, một vấn đề không kém phần “nóng” sẽ được đưa ra đó chính là việc cho bé bú bình với bú mẹ trực tiếp, mẹ nên làm theo cách nào?
Sau đây là 10 vấn đề có thể gặp phải khi cha mẹ quyết định cho bé bú bình được chuyên gia - cố vấn dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em và phụ nữ mang thai đến từ Ấn Độ, Sonali Shivlani khuyến cáo:
Bé có thể bỏ bú mẹ do đã quen với việc bú bình do sữa chảy ra từ bình nhanh và đều, còn bú mẹ thì bé phải mất thời gian dùng lưỡi và môi để kích thích tiết sữa (Ảnh minh họa).
1. Trẻ dễ nhầm lẫn giữa ti bình và vú mẹ
Bà Shivlani cho biết nếu các mẹ đang dự định tiếp tục cho con bú bình và bú sữa mẹ trực tiếp đồng thời thì đây không phải là một ý tưởng hay. "Khi mẹ cho bé bú bình thường xuyên, bé sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa ti bình bằng silicon và vú mẹ, thậm chí bé có thể bỏ bú mẹ do đã quen với việc bú bình do sữa chảy ra từ bình nhanh và đều, còn bú mẹ thì bé phải mất thời gian dùng lưỡi và môi để kích thích tiết sữa.
2. Bé bú bình có thể dẫn đến việc ăn quá nhiều, khó kiểm soát
Có 1 thực tế đó là cha mẹ thường tự điều chỉnh lượng sữa cho bé bú qua bình nhiều hơn so với nhu cầu ăn của bé. Trong khi nếu bé bú mẹ, bé có tự kiểm soát lượng sữa bé muốn bú và có thể tự thỏa mãn nhu cầu của chính bé 1 cách thoải mái.
3. Bú bình có thể khiến bé bị đau bụng
Các chuyên gia khuyến cáo, khi cho bé bú bình, bé cũng đồng thời hít vào dạ dày 1 lượng không khí dẫn đến bé bị đầy hơi, đau bụng, khó chịu. Bà Shivlani nói: "Khi bé bú sữa từ bình, bé cũng hít không khí theo cùng với sữa, vì thế bé dễ bị đau bụng. Đây có thể được xem là 1 trong những nguyên nhân khiến bé khó chịu, khóc lóc”.
Bé dễ nhầm lẫn giữa núm ti silicon và ti mẹ dẫn đến bỏ bú mẹ (Ảnh minh họa).
4. Trẻ có thể bị ốm, nhiễm vi khuẩn từ bình sữa
Bình sữa có thể coi là 1 ổ vi khuẩn nếu cha mẹ không cọ rửa và khử trùng bình sạch sẽ. Vi khuẩn trong không khí có thể thâm nhập vào bên trong bình thông qua núm vú hoặc lưu lại các góc cạnh của bình nếu cha mẹ không vệ sinh bình ngay sau khi bé bú xong. Bà Shivlani cảnh báo "Nếu cha mẹ không khử trùng bình sữa của trẻ sạch sẽ thì đây có thể là nguyên nhân gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng ở trẻ”.
5. Bú bình nhiều bất tiện
Cha mẹ hãy cân nhắc sự thuận tiện của 2 việc này. Cho bé bú sữa mẹ trực tiếp là điều tự nhiên và có thể thực hiện ngay lập tức, nhưng nếu bú bình, cha mẹ sẽ phải chuẩn bị 1 số thao tác và mất thời gian hơn như đun sôi nước, pha trộn đúng tỉ lệ, rồi lại làm nguội sữa sau đó mới có thể cho bé ăn. Làm mẹ đã vất vả và quá nhiều việc rồi, tại sao mẹ lại tự thêm việc cho chính mình như vậy?
6. Bú bình ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé
Chuyên gia Shivlani cảnh báo “Việc cho bé bú bình thường xuyên có thể dẫn ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng của bé. Sau này khi lớn hơn bé có thể phải cần đến sự can thiệp nha khoa như chỉnh nha, niềng răng”
Bé có bị nhiễm khuẩn nếu cha mẹ không vệ sinh bình sạch sẽ. Nguy cơ ảnh hưởng tới các vấn đề về răng miệng cũng có thể xảy ra (Ảnh minh họa).
7. Nguy cơ nhiễm trùng tai
Bé bú bình cũng làm tăng nguy cơ bị đổ sữa, chảy vào tai bé dẫn đến nhiễm trùng tai. Cha mẹ cũng cần lưu ý nguy cơ này khi cho bé bú sữa bằng bình.
8. Nguy cơ ảnh hưởng tới thẩm mỹ
Khi bé bú bình, các cơ trên mặt không co giãn và điều chỉnh nhịp nhàng ảnh hưởng tới sự phát triển của khuôn mặt bé sau này. Nguy cơ mất thẩm mỹ có thể xảy ra.
9. Mối liên kết mẹ - con hầu như không có
Bình sữa là sản phẩm nhân tạo và không có sự tiếp xúc giữa mẹ và bé trong quá trình cho bé bú. Ngược lại cho bé bú mẹ trực tiếp sẽ gia tăng cơ hội da tiếp da, góp phần tạo mỗi liên hệ mật thiết giữa mẹ và bé.
10. Bé bú bình có nguy cơ bị bỏng
Bà Shivlani không quên nhấn mạnh mối nguy hiểm từ việc cho bé bú bình đó chính là khả năng bé bị bỏng do nhiệt độ sữa trong bình chưa đủ nguội nhưng cha mẹ không chú ý và cho bé bú. Toàn bộ miệng, môi, lưỡi bé sẽ bị bỏng nếu tiếp xúc nước nóng. Vậy nên cha mẹ cần hết sức lưu ý thao tác làm nguội sữa và cần thử trước khi đưa cho bé uống.
Cha mẹ hãy cân nhắc kĩ trước khi lựa chọn bất cứ hình thức nào dù là cho bé bú bình hay bú mẹ trực tiếp (Ảnh minh họa).
Trên đây là 10 tác hại nhãn tiền có thể gặp phải khi cho bé bú bình, tuy nhiên với những bé gặp khó khăn trong việc bú mẹ trực tiếp như bé gặp vấn đề về miệng, mẹ bị tắc tia sữa, hoặc các vấn đề về khoảng cách địa lý thì việc cho bé bú bình hoàn toàn khó tránh khỏi. Nhưng trong điều kiện có thể, cha mẹ hãy cân nhắc thật kĩ trước khi áp dụng bất cứ hình thức nào khi cho bé ăn để luôn đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng, sự thuận tiện và mối liên kết giữa mẹ và bé.
Nguồn: health