Và cộng đồng ấy là những người không chịu, bài trừ tiêm chủng, trong khi nước Mỹ đang dư thừa tới hàng triệu liều vaccine.
Hôm 10/9, một chuyên gia y tế nhận xét rằng trong bối cảnh số ca tử vong trung bình mỗi ngày vì Covid-19 đang là hơn 1000, việc không chịu tiêm chủng chẳng khác gì lái xe khi đã uống rượu say cả.
"Chúng ta cần bàn đến chuyện lựa chọn không tiêm chủng. Nó chẳng khác gì đi ra ngoài lái xe trong trạng thái không tỉnh táo," - Bác sĩ Leana Wen chia sẻ với CNN.
Lời nhận xét của Wen được đưa ra sau thông báo của Tổng thống Joe Biden hôm 9/9, về kế hoạch tiêm vaccine bắt buộc đối với các doanh nghiệp có trên 100 nhân viên, hoặc phải có xét nghiệm định kỳ mỗi tuần. Ông Biden cũng ký sắc lệnh yêu cầu mọi nhân viên công phải tiêm chủng, không có lựa chọn khác kể cả xét nghiệm định kỳ.
Sắc lệnh này của ông đã thu về một số chỉ trích, nhưng nhiều chuyên gia y tế thậm chí cho rằng cần phải có những biện pháp siết chặt hơn để đối phó với làn sóng Covid-19 gia tăng thời gian gần đây.
Số liệu từ CDC Hoa Kỳ cho thấy trung bình khoảng 1110 người chết mỗi ngày vì Covid-19 trong tuần qua. Mà trên thực tế, tỉ lệ tử vong kể từ cuối tháng 8 vẫn đang ở mức cao nhất so với thời kỳ đầu tháng 3 năm nay.
Tình hình tiêm vaccine tại Mỹ lại đang khá phức tạp. Khoảng 73,5% người trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi, nhưng có đến hàng chục triệu người dù đủ điều kiện tiêm nhưng vẫn chọn không tiêm, trong khi biến chủng Delta vẫn đang đày đọa đất nước này.
"Rất nhiều người Mỹ đang từ chối tiêm vaccine, nhưng họ chính là nhóm khiến virus có thể hoành hành dễ dàng hơn," - Jonathan Reiner, chuyên gia phân tích y tế cho biết. "Chúng ta sống trong một đất nước có luật pháp. Bạn không được hút thuốc trong hầu hết các tòa nhà ở Mỹ, không được lái xe khi đang say xỉn, không được hút bất kỳ cái gì trên máy bay. Nghĩa là, bạn cũng không được quyền thổi virus vào mặt người khác."
"Đây là điều nên làm ở đất nước này. Nếu bạn chọn trở thành mối đe dọa với cộng đồng vì từ chối tiêm vaccine, hành động đó sẽ có hậu quả đi kèm, có thể là bạn không được phép đi làm nữa."
Trong một bảng khảo sát hồi tháng 8 của công ty Gallup, 56% người Mỹ muốn có quy định vaccine bắt buộc tại nơi làm việc. 53% ủng hộ quy định này tại các nhà hàng ăn uống, và 61% nghĩ rằng cần có nó đối với ngành hàng không.
Và theo Bác sĩ Jerome Adams, vẫn chưa quá muộn để thuyết phục nhiều người chịu đi tiêm chủng.
"Họ không phải là nhóm 'bài vaccine' - một thuật ngữ khá miệt thị," - Adams cho biết. "Nhiều người thực ra có thái độ ở lưng chừng. Họ ngần ngại tiêm chủng thì đúng hơn."
"Tôi nhận ra rằng khi trò chuyện và tỏ ra đồng cảm, tôi có thể thuyết phục rất nhiều người đi tiêm chủng."
Hệ thống y tế căng thẳng chưa từng thấy
Ít nhất 6 tiểu bang Mỹ ghi nhận số ca mắc mới tăng 10% trong tuần qua - số liệu từ ĐH Johns Hopkins. Trong đó Alabama - nơi vốn có số ca mắc mới giảm xuống - hiện phải đối mặt với việc thiếu hụt khoảng 60 giường ICU (chăm sóc tích cực). Riêng trong ngày 9/9, họ đón nhận 2667 ca nhập viện, và 53 trường hợp tử vong.
"Họ là những bệnh nhân cần phải chăm sóc tích cực vì tình trạng của họ rất tệ, nhưng lại không có giường," - Bác sĩ Scott Harris cho biết. "Thay vào đó, họ được điều trị trong khoa cấp cứu, ở khu được cải tạo lại thành ICU."
Tại West Virginia, 252 bệnh nhân phải vào phòng ICU, và 141 người phải đặt máy thở. Đây là con số lớn nhất tại tiểu bang này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu - theo Thống đốc bang Jim Justice.
"Tỉ lệ lớn những người phải nhập viện đều chưa tiêm chủng. Chúng ta mất thêm 38 người hôm 8/9, và sẽ mất nhiều người hơn nữa với tình hình như thế này."