Khi trẻ hỏi cha mẹ liên tục hàng chục câu hỏi về điều gì đó và kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời từ bố mẹ, đó là trẻ đang tò mò. Khi trẻ thắc mắc với cha mẹ tại sao cái này lại diễn ra như vậy, tại sao cái kia lại hoạt động như này, đó là trẻ đang tò mò. Khi trẻ luôn muốn thử nghiệm những điều mới, đó là trẻ đang tò mò. Khi trẻ luôn đi chậm lại, chạy chỗ này, ngó chỗ kia và dường như chẳng tập trung vào điều gì, đó là trẻ đang tò mò...
Trẻ nhỏ bận rộn cả ngày với trí tò mò khổng lồ của mình. Trí tò mò giúp trẻ sáng tạo hơn, kéo trẻ ra khỏi sự nhàm chán và khiến cuộc sống trong mắt trẻ luôn luôn thú vị.
Trí tò mò là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến vậy? Trước khi tìm hiểu vì sao mọi chuyên gia về tâm lý và giáo dục đầu đời đều đề cao trí tò mò của trẻ và khuyên cha mẹ hãy làm mọi điều tốt nhất có thể để bảo vệ, nuôi dưỡng và phát huy trí tò mò của trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời, chúng ta hãy cùng hiểu về trí tò mò.
Trí tò mò là gì?
Trí tò mò chính là thứ đã tạo nên thế giới hiện tại. Đó là mong muốn, khát khao mạnh mẽ được biết hoặc được học một thứ gì đó. Nếu không có những con người với đầy ắp trí tò mò ngoài kia, thì có lẽ, chúng ta sẽ không có quần áo, không có xe hơi, không có thuốc men, không có công nghệ AI hay không có cả các công thức nấu ăn. Hãy thử dành một chút thời gian để quan sát xung quanh, bạn sẽ thấy hầu hết mọi thứ mà bạn có thể thấy đều được tạo ra từ trí tò mò của một ai đó.
Henry Ford tự hỏi sẽ như thế nào nếu có thể đi một quãng đường dài nhanh hơn và ông đã phát minh ra phương tiện cơ giới (xe ô tô).
Thomas Edison tự hỏi sẽ như thế nào nếu có thể nhìn rõ mọi thứ trong bóng tối mà không cần dùng tới nến nữa và ông đã phát minh ra bóng đèn.
Alexander Graham Bell tự hỏi sẽ như thế nào nếu có thể nói chuyện với người đang sống ở xa mà không phải chờ đợi những lá thư và ông ấy đã phát minh ra điện thoại.
Chúng ta học hỏi, trưởng thành và phát triển chính từ sự tò mò. Trẻ nhỏ cũng vậy. Điều tuyệt vời là trẻ không chỉ sinh ra với trí tò mò bẩm sinh, bản năng mà chúng còn không ngừng háo hức tò mò mỗi ngày. Chính vì thế, bên cạnh những trải nghiệm và khám phá thực tế sinh động qua các hoạt động hàng ngày như vui chơi ngoài trời, tương tác vật lý cùng bố mẹ, những chuyến đi chơi khám phá… thì những cuốn sách khoa học phù hợp với độ tuổi chính là một chìa khóa quan trọng giúp cha mẹ khích lệ và cổ vũ trẻ tò mò mỗi ngày.
Dưới đây là những cuốn sách khoa học thú vị và lôi cuốn dành cho trẻ từ 3-10 tuổi rất nên có trên kệ sách của mọi bạn nhỏ còn tò mò và say mê khám phá.
1. "Tưởng khác mà giống" (Độ tuổi phù hợp: 3 tuổi +)
Cuốn sách của tác giả Heather Tekavec và họa sĩ minh họa Pippa Curnickz là một cuốn sách cực thông minh mang đến cho trẻ một trải nghiệm khám phá thế giới động vật vô cùng mới lạ và trí tuệ.
Mỗi một trang sách đôi khi là một nhóm động vật tưởng chừng như chẳng có gì liên quan đến nhau, ấy vậy mà nếu quan sát kĩ càng một chút thì chúng ta sẽ nhận ra điểm chung thú vị giữa những loài vật này. Trẻ nhỏ từ 3 tuổi khi đọc cuốn sách này sẽ tìm hiểu đặc trưng của muôn loài theo một cách thật đặc biệt và thú vị để chỉ ra những điểm khác và giống nhau trong từng nhóm loài.
2. "Này, chớ táy máy liếm sách!" (Độ tuổi phù hợp: 4 tuổi +) và "Bật mí về những bí mật - Cẩm nang về các "cư dân" tí hon cư trú trên cơ thể em" (Độ tuổi phù hợp: 6 tuổi +)
Cuốn sách "Này, chớ táy máy liếm sách!" của tác giả Idan Ben-Barak và họa sĩ minh họa Julian Frost đã đoạt rất nhiều giải thưởng dành cho dòng sách khoa học thiếu nhi nhờ vào nội dung độc đáo và cách kể chuyện bằng hình ảnh xuất sắc. Cuộc phiêu lưu của các loài vi khuẩn sống trong cơ thể người được thể hiện một cách kỳ vĩ dưới ống kính hiển vi giúp trẻ nhỏ khám phá thế giới đầy kỳ thú này với vô số niềm vui.
Tác giả dày dặn kinh nghiệm viết sách khoa học thiếu nhi Claire Eamer và họa sĩ minh họa Marie-Eve Tremblay cũng đã đưa trẻ vào chuyến du hành khám phá một thế giới đầy bí ẩn, mắt thường không nhìn thấy được và cực kỳ gần gũi - ngay trên cơ thể con người là thế giới của vi sinh vật bằng cuốn sách "Bật mí về những bí mật - Cẩm nang về các "cư dân" tí hon cư trú trên cơ thể em".
Với góc nhìn mới lạ “chúng ta đang sở hữu một cơ thể của vi sinh vật thì đúng hơn là một cơ thể người”, cuốn sách sẽ cho trẻ thấy thế giới vi sinh vật mới sống động, gần gũi làm sao. Trẻ sẽ biết về đặc điểm của 6 vi sinh vật phổ biến nhất, làm thế nào mà trẻ đưa vi sinh vật vào cơ thể mình, vi sinh vật nào là bạn tốt hay kẻ xấu… Mục “Em có biết?” ở bên lề sẽ cung cấp thêm những thông tin vô cùng bất ngờ và thú vị về vi sinh vật.
3. "Tớ ứ phải Gấu nhá!" (Độ tuổi phù hợp: 5 tuổi +)
Tác giả Aaron Blabey bằng giọng điệu của một nhà văn đậm chất Úc đã viết cuốn sách "Tớ ứ phải Gấu nhá!" với độ trầm bổng cùng những câu đối nhau vần điệu khiến độc giả nhỏ tuổi vô cùng phấn khích khi đọc cuốn sách. Cuốn sách mời gọi trẻ ngay từ phần tiêu đề có vẻ cáu kỉnh, bực dọc của cậu bạn Koala vốn đã quen thuộc với trẻ bằng cái tên "Gấu túi". Chính vì thế, quá trình đọc sách sẽ là một quá trình giải đáp những thắc mắc và câu hỏi với câu trả lời đầy bất ngờ và thú vị.
4. "Sao con đến được đây hay vậy?" (Độ tuổi phù hợp: 5 tuổi +)
Tác giả Philip Bunting đã viết một cuốn sách thông thái và mở ra biết bao cuộc đối thoại trải dài từ “Vụ Nổ Lớn” cho tới “sinh nhật con”. Một lịch sử dày đặc của vũ trụ từ khi bắt đầu có các hành tinh cho tới khi hình thành hệ mặt trời, sự xuất hiện của nước trên Trái Đất, cũng như dấu vết của sự di dân trong lịch sử.
Tác giả đã xử lý những chủ đề cực phức tạp bằng cách kể chuyện vô cùng dễ hiểu và dễ tiếp nhận với trẻ nhỏ mà vẫn rất thẳng thắn và duyên dáng, với những hình vẽ tươi sáng nhằm tôn vinh cuộc sống, vũ trụ và mọi bộ phận dù là nhỏ nhất trong đó. Cuốn sách ngoài những kiến thức tuyệt vời còn là một lời khích lệ độc giả ở bất cứ độ tuổi nào quan tâm chăm lo cho Trái Đất cùng những cư dân đang sống ở đây.
5. "Hành trình kỳ thú của William Playfair - Sự ra đời của biểu đồ đường, tròn và cột" (Độ tuổi phù hợp: 7 tuổi +)
Tác giả Helaine Becker và họa sĩ minh họa Marie-Eve Tremblay đã kể một câu chuyện sâu sắc và tuyệt vời về một điều quá đỗi thân thuộc với tất cả chúng ta - đó là các biểu đồ đường, cột và tròn.
Trong chương trình Toán học bậc tiểu học, biểu đồ đường, cột và tròn là một phần nội dung kiến thức quan trọng của các bạn nhỏ, vì thế, hiểu về lịch sử ra đời của biểu đồ đường, cột và tròn, hiểu về cuộc đời đầy cảm hứng và đáng khâm phục của doanh nhân người Scotland William Playfair, người đã phát minh ra biểu đồ tròn cùng nhiều loại biểu đồ phổ biến khác từ thế kỷ 18 qua cuốn sách này là một bài học lôi cuốn tuyệt vời dành cho trẻ.
6. "Bí kíp sinh tồn của loài cá mập chân chính" và "Bí kíp sinh tồn của loài đom đóm thực thụ" (Độ tuổi phù hợp: 5 tuổi +)
Bộ đôi cuốn sách của tác giả Kristen Foote và họa sĩ minh họa Erica Salcedo này sẽ giải đáp hầu hết mọi thắc mắc, đi kèm những hình vẽ ngộ nghĩnh đầy màu sắc và một cốt truyện hài hước về loài cá mập và đom đóm vốn mang đến cho các bạn nhỏ bao thắc mắc và tò mò.
Lượng kiến thức khổng lồ về hai loài động vật được hầu hết các bạn nhỏ yêu thích được thể hiện một cách thông minh và đầy sáng tạo trong cuốn sách, điều này khiến trẻ tiếp thu khám phá kiến thức một cách vô cùng tự nhiên và hào hứng.
7. "50 khám phá về những siêu năng lực kỳ quặc" (của con người và động vật) (Độ tuổi phù hợp: 6 tuổi +)
Tác giả Tricia Martineau Wagner và họa sĩ minh họa Carles Ballesteros đã mang đến cho độc giả nhỏ tuổi một bộ bách khoa thư biết tuốt về con người và động vật độc đáo và thú vị chưa từng có. Các kiến thức được đánh số rõ ràng, trình bày ngắn gọn cùng hình vẽ minh họa sáng tạo khiến cho lượng thông tin, kiến thức khổng lồ được truyền tải trở nên lôi cuốn hơn bao giờ hết.
Mỗi cuốn sách trẻ đọc góp thêm vào quá trình phát triển nhận thức và tư duy của trẻ một viên gạch vững chắc để trẻ tự tin khám phá và cảm nhận cuộc sống. Chính vì thế, việc lựa chọn những cuốn sách giúp trẻ không chỉ học hỏi mà còn nuôi dưỡng niềm vui đọc sách như những cuốn sách khoa học này là một món quà vô cùng ý nghĩa mà cha mẹ có thể dành cho trẻ.
Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.
Chị là tác giả của các cuốn sách như "Trái tim của mẹ", "Bàn tay của bố", "Mỗi ngày 15 phút yêu con".
Trong đó, cuốn sách "Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Độc giả có thể tìm đọc những bài viết của tác giả Hoài Anh TẠI ĐÂY.