Nhưng tình yêu của người dân Nhật dành cho "thiên đường nhiệt đới" không chỉ dừng lại ở du lịch trên những bãi biển trời xanh cát trắng. Họ còn "nhập khẩu" văn hóa, ẩm thực, trang phục và lễ hội vào đất nước mặt trời mọc.

Người Nhật "yêu" Hawaii

Theo báo cáo xu hướng du lịch năm 2022 từ công ty du lịch nội địa Nhật Bản HIS, Hawaii là địa điểm du lịch nước ngoài "hot" và được đặt chỗ nhiều nhất hè này, chiếm 20% tổng số người đặt chuyến ra nước ngoài với các doanh nghiệp lữ hành.

Trong khi đó, 2 hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản, JAL và ANA, mới lần đầu tiên khởi động lại các chuyến bay hàng ngày đến Hawaii vào tháng 6 và tháng 7, kể từ sau đại dịch.

"ANA và JAL biết rằng Hawaii là nơi đầu tiên khách du lịch Nhật Bản quay trở lại khi đi du lịch nước ngoài. Đó là nơi họ có thể tự do đi lại mà không cần xin thị thực", Kotaro Toriumi, một nhà phân tích hàng không và du lịch Nhật Bản cho biết. "Các hãng hàng không này đang tập trung cải thiện các chương trình đi Hawaii của họ nhiều nhất ... tất cả những gì họ làm là quảng cáo cho các chuyến đi đến Hawaii".

Theo CNN, "mối tình" của Nhật Bản với Hawaii có lẽ có thể được tóm gọn bằng một từ: iyashi. Nó có nghĩa là "chữa lành" hoặc "thoải mái" nhưng thường gói gọn thêm cả cảm giác tự do và thư giãn mà nhiều người Nhật liên tưởng đến quần đảo này.

Mặc dù tình yêu của du khách Nhật Bản dành cho Hawaii đã có từ nhiều thập kỷ trước, nhưng sẽ mất một thời gian để con số du lịch quay trở lại đỉnh cao trước Covid-19. Trước đây, khách du lịch Nhật đến Hawaii không chỉ rất đông mà còn cực kỳ hào phóng.

Theo đó, du khách Nhật Bản chiếm số lượng lớn nhất trong số các khách du lịch nước ngoài ở Hawaii. Dựa trên dữ liệu của Cơ quan Du lịch Hawaii, họ cũng chi số tiền lớn nhất tính theo đầu người.

Số lượng khách du lịch đến từ Nhật Bản đã giảm 95,2% trong nửa đầu năm 2022 với chỉ 34.925 lượt khách so với 734.235 lượt vào năm 2019. Họ đã chi 86,7 triệu USD trong nửa đầu năm 2022, giảm 91,6% so với 1,03 tỷ USD năm 2019, chỉ tính riêng trong Hawaii.

Tuy nhiên, có nhiều thứ có thể cản trở chuyến đi trong mơ của nhiều người Nhật: lạm phát. Việc đi du lịch đến Mỹ của dân Nhật trở nên đắt hơn nhiều do đồng yên mất giá so với đồng USD. Phần lớn các đặt chỗ chuyến bay hiện tại đến Hawaii là dành cho các hạng ghế phân khúc trên như thương gia và hạng phổ thông cao cấp.

"Những người muốn đi bây giờ hầu hết là những người giàu có hoặc có mức lương cao vì đó là điều bình thường đối với họ. Tôi nghĩ không thể để những người trẻ tuổi tùy tiện đến Hawaii ngay bây giờ." Toriumi nói thêm.

Một Hawaii "quốc nội"?

Tuy thế, những người không có điều kiện đi Hawaii hè này vẫn không phải quá lo lắng, vì họ vẫn có thể tận hưởng một chút hương vị của quần đảo Thái Bình Dương này ngay tại quê nhà.

Các lễ hội theo chủ đề Hawaii - với các vũ công hula, người chơi đàn ukulele và xe bán đồ ăn Hawaii - cực kỳ phổ biến ở khắp cả nước. Những lễ hội này diễn ra ở các thành phố lớn như Tokyo, Yokohama và Osaka, cũng như các vùng nông thôn như Ikaho Onsen, một thị trấn suối nước nóng ở tỉnh Gunma.

Người Nhật rất tích cực "nhập khẩu" văn hóa Hawaii, nhất là nhà hàng và điệu múa hulu.

"(Ở Nhật Bản) mọi người quá vội vàng, cho dù đó là về việc học đại học hay (lo lắng về) những thứ khác như chiến tranh hay chính trị, nhưng trong văn hóa Hawaii, họ duy trì một thái độ biết đủ và yên bình",  David Smith, Giám đốc điều hành của Leiland Grow, một công ty có trụ sở tại Nhật Bản chuyên tổ chức các buổi hòa nhạc và sự kiện theo chủ đề Hawaii chia sẻ.

"Tôi đã nghĩ (những lễ hội này) sẽ dẫn đến việc mang loại hình văn hóa Hawaii đó đến Nhật Bản và cho mọi người biết về sự tốt đẹp của Hawaii".

Ngoài các lễ hội định kỳ, còn có các nhà hàng Hawaii trên khắp Nhật Bản.

Punalu'u, một nhà hàng ấm cúng theo chủ đề Hawaii ở Yachiyo, Chiba, được trang trí bằng một loạt các đồ trang trí đặc trưng của Mỹ và Hawaii. Có một chiếc mô tô Harley Davidson làm tiêu điểm cạnh bức tường và một tấm ván lướt sóng bên trên nó với tên của nhà hàng.

Chủ quán kiêm đầu bếp, Yuji Nonaka, 57 tuổi, đã bỏ công việc làm công ăn lương và bắt đầu mở nhà hàng cách đây 14 năm cùng vợ, Kiyomi Nonaka, 50 tuổi.

Kiyomi phát hiện ra tình yêu của mình với Hawaii - đặc biệt là nhảy hula - trong một chuyến đi làm việc khi 18 tuổi.

"Hula đã giúp tôi vượt qua rất nhiều điều trong cuộc sống, cho dù đó là mối quan hệ của tôi với những người khác hay điều gì đó không suôn sẻ trong công việc. Khi tôi nhảy hula, tôi có cảm giác như mình đang ở một chiều không gian cao hơn. Tôi muốn chia sẻ cảm giác này với những người khác, vì vậy tôi đã mở trường hula của riêng mình ở đây 18 năm trước", bà nói.

Nguồn gốc mối quan hệ đặc biệt

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể nhìn về lịch sử giữa Nhật Bản và quần đảo ngoài khơi Thái Bình Dương.

Yujin Yaguchi là giáo sư tại Trường Cao học Nghiên cứu Liên ngành của Đại học Tokyo, tập trung vào Hawaii và các mối quan hệ văn hóa Hoa Kỳ-Nhật Bản. Yaguchi lưu ý rằng vào đầu thế kỷ 19, một số lượng lớn người Nhật Bản nhập cư đến Hawaii, điều này khiến nơi đây trở thành một địa điểm quen thuộc và gần gũi đối với khách du lịch Nhật Bản.

Người Nhật có một lịch sử định cư lâu đời tại quần đảo Hawaii.

Nhiều người trong số đó có thể đến thăm họ hàng, và điều này cũng giúp giải quyết rào cản ngôn ngữ.

Dữ liệu từ Khảo sát Cộng đồng Hoa Kỳ do Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ thực hiện đã chỉ ra trong một nghiên cứu năm 2016 - 2020 rằng 22,3% cư dân Hawaii được xác định là người Nhật Bản hoặc một phần nguồn gốc Nhật Bản.

"Ngày nay, tôi nghĩ mọi người (ở Hawaii) đều nói được tiếng Nhật cho mục đích làm ăn. Rất dễ dàng tiếp cận những người có khả năng hiểu, kể cả nếu không nói được tiếng Nhật, rồi bạn có thông báo, biển báo và mọi thứ bằng tiếng Nhật", Yaguchi giải thích .

Bên cạnh đó, còn một nguyên cớ lịch sử liên quan đến chính sách quốc nội của Nhật. Gần 20 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, các chuyến du lịch giải trí ra nước ngoài bị cấm ở Nhật Bản, chỉ đôi khi có ngoại lệ đối với các chương trình du học hoặc các chuyến công tác.

"Du lịch giải trí không được phép trong gần 2 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945 và du lịch nước ngoài bị hạn chế nhiều cho đến năm 1964, nhưng một khi lệnh cấm du lịch được dỡ bỏ, Hawaii là một trong những nơi phổ biến nhất để người Nhật đến thăm", Yaguchi cho biết thêm.

Ngay cả khi không thể đi, họ vẫn mơ về Hawaii.

Spa Resort Hawaiians là một công viên giải trí suối nước nóng nằm ở khu vực Joban của tỉnh Fukushima và là hình ảnh thu nhỏ của một Hawaii mô phỏng trong những năm tiếp theo sau lệnh cấm.

Lý giải mối lương duyên lạ kỳ của người Nhật với "thiên đường nhiệt đới" Hawaii: Một nguyên cớ lịch sử thú vị - Ảnh 5.

Công viên giải trí chủ đề Hawaii tại Nhật.

Khi ngành công nghiệp than suy thoái vào những năm 1960, công ty khai thác mỏ địa phương chuyển sang lĩnh vực du lịch để giúp giải cứu việc làm và phục hồi nền kinh tế địa phương, tạo ra cơ sở nghỉ dưỡng đầu tiên ở Nhật Bản, với hồ bơi nước nóng, cây cọ và thậm chí cả những nghệ sĩ giải trí từ Hawaii.

Những cơ sở như thế tiếp tục "nuôi dưỡng" tình yêu của người Nhật với quần đảo nhiệt đới và tiếp tục ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Sự gia tăng giá trị của đồng yên cùng với nền kinh tế Nhật Bản trong những năm 1980 đã mang lại cho người Nhật năng lực tài chính đủ vững chắc để đến thăm Hawaii vào những năm 1990, ở đỉnh cao của nền kinh tế bong bóng.

Yaguchi nói: "Hawaii đã trở thành thiên đường bãi biển và cũng là thiên đường mua sắm của người Nhật trong những năm 1990. Sau đó, có kiểu cải tổ hoặc tái khái niệm Hawaii không chỉ là một thiên đường mua sắm (mà còn hơn thế nữa), như một loại địa điểm cho iyashi".

Đan xen văn hóa nằm trọn trên một chiếc đĩa hay câu chuyện tình yêu qua đường dạ dày

"Bữa trưa trên đĩa" (plate lunch) là món đặc sản của Hawaii - thứ thu hút người Nhật đến đây một cách tự nhiên vì tinh thần giao lưu văn hóa và ẩm thực chứa đựng trong nó. Món ăn này thường gồm 2 muôi cơm trắng, một chút salad macaroni với rất nhiều mayonnaise, kèm một món đạm ăn cùng - thường là đi với một lượng xốt thịt hào phóng.

Plate lunch là đặc sản ai cũng nên thử khi đến Hawaii.

"Khi tôi đến Hawaii và thấy plate lunch, tôi có cảm giác nó thật hấp dẫn. Nó là sự kết hợp của các nền văn hóa ẩm thực Mỹ, Nhật và châu Á. Điều đó thực sự thú vị đối với tôi và vì vậy tôi đã nghiện món này. Tôi còn nhận ra chẳng có mấy nhà hàng ở Nhật phục vụ được món này tiệm cận với những gì tôi được thưởng thức tại Hawaii" - Akihiro Misono, người mở nhà hàng plate lunch Da Plate Lunch 808 ở Sakura, tỉnh Chiba, cho biết.

Đài phát thanh KSSK-FM có trụ sở tại Honolulu được phát từ Hawaii vào tận nhà hàng để tái hiện không gian đích thực. Khách hàng thường mặc "áo aloha" khi đến ăn tại đây để "vào vai" thật nhất có thể.

Chiếc áo dệt từ mối lương duyên của 2 nền văn hóa

Nhắc đến trang phục, cũng không thể không nhắc đến đam mê của người Nhật (một quốc gia vốn yêu thời trang say đắm) với quần áo phong cách Hawaii.

Yosuke "Yo-chan" Seki, một tài xế Nhật "phải lòng" với áo aloha, cho biết lướt sóng vào mỗi cuối tuần và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi trở lại Hawaii - anh đã đi tới quần đảo này hàng năm kể từ năm 2011.

"Kể từ khi tôi bắt đầu mặc áo sơ mi aloha, tôi hầu như chỉ mặc chúng mỗi ngày", người đàn ông 47 tuổi cho biết. "Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ thấy tôi mặc chúng và nghĩ rằng họ cũng muốn thử mặc chúng. Hiện tại, tôi đang mặc bản replica của một trong những thiết kế đắt tiền có thể lên tới khoảng vài triệu yên. Cái tôi đang mặc thì rơi vào khoảng 20.000 đến 30.000 yên (3,4 đến 6,8 triệu đồng)".

Lý giải mối lương duyên lạ kỳ của người Nhật với "thiên đường nhiệt đới" Hawaii: Một nguyên cớ lịch sử thú vị - Ảnh 7.

Asami Seki, 40 tuổi, cũng là một người mê áo sơ mi aloha, sở hữu một cơ sở kinh doanh phụ kiện có tên "82 of aloha" (có lẽ 82 lấy từ năm sinh của cô). Một năm trước, cô ấy bắt đầu tạo ra những phụ kiện không gây dị ứng mà mọi người có thể mặc khi họ lướt sóng.

"Tôi chỉ mới đến Hawaii một lần, nhưng trong thời gian này, ngay cả khi tôi không thể đi vì đại dịch, tôi đã dần dần yêu Hawaii nhiều hơn và nhiều hơn", cô giãi bày.

"Tôi luôn muốn đến Hawaii và luôn ngưỡng mộ nó ngay cả trước khi tôi đến thăm lần đầu tiên. Sau khi tôi trở lại từ chuyến đi đầu tiên của mình, tôi bắt đầu đưa các khía cạnh của Hawaii vào lối sống của mình".

Chồng của cô, Yosuke, rất ủng hộ với tình cảm đó.

Asami nói thêm: ""Khi tôi muốn mặc đẹp, tôi sẽ mặc những chiếc áo sơ mi aloha. Tôi cảm thấy mình thật ngầu khi mặc chúng và thực sự thú vị khi chọn ra một chủ đề trong ngày và phối hợp sao cho phù hợp".

Nhưng tình yêu đó không phải không có nguyên do. Những chiếc áo sơ mi aloha bị ảnh hưởng nhiều bởi nghệ thuật và thiết kế của Nhật Bản.

Lý giải mối lương duyên lạ kỳ của người Nhật với "thiên đường nhiệt đới" Hawaii: Một nguyên cớ lịch sử thú vị - Ảnh 8.

Lý giải mối lương duyên lạ kỳ của người Nhật với "thiên đường nhiệt đới" Hawaii: Một nguyên cớ lịch sử thú vị - Ảnh 9.

Lý giải mối lương duyên lạ kỳ của người Nhật với "thiên đường nhiệt đới" Hawaii: Một nguyên cớ lịch sử thú vị - Ảnh 10.

Sơ mi Hawaii là một "tuyên ngôn" thời trang chung của 2 nền văn hóa.

Sun Surf, một thương hiệu áo aloha trực thuộc Toyo Enterprise với khoảng 50 năm trong ngành, tập trung vào việc tái hiện những chiếc áo aloha từ những năm 1930-1950. Giám đốc thương hiệu của công ty, Yoshihiro Nakano, 47 tuổi, là một nhà nghiên cứu áo sơ mi aloha, đã bắt đầu sưu tập những chiếc áo đặc biệt này từ khi ông còn là một thiếu niên.

Theo Nakano, áo sơ mi aloha bắt nguồn từ những người Nhật Bản nhập cư ở Hawaii. Theo đó, vào đầu thế kỷ 19, những người Nhật nhập cư đã mang cả những tấm vải Nhật vào Hawaii để tiện may quần áo theo phong cách Nhật Bản. Nhận thấy sự thú vị này, người dân địa phương bắt đầu sử dụng chất liệu đó làm áo sơ mi, và thế là một loại trang phục giao thoa văn hóa, mang kiểu dáng bản địa và họa tiết phương Đông ra đời.

Sản xuất hàng loạt bắt đầu sau đó. Thay vì nhập các cuộn vải cho quần áo Nhật Bản từ Nhật, các cửa hàng ở Hawaii đã nhập rất nhiều loại vải in chỉ để dành cho việc may áo sơ mi aloha.

Ngày nay, những chiếc áo aloha này còn được coi là món đồ ưa chuộng của các nhà sưu tập.

"Có rất nhiều (khách hàng) không bao giờ mặc (áo sơ mi aloha) mà chỉ thu thập chúng hoặc đóng khung", Nakano chia sẻ.

Tất cả đều dựa trên tinh thần iyashi, CNN kết luận.

Nguồn: CNN

https://afamily.vn/ly-giai-moi-luong-duyen-la-ky-cua-nguoi-nhat-voi-thien-duong-nhiet-doi-hawaii-mot-nguyen-co-lich-su-thu-vi-20220831184715966.chn