Tiếng khóc của trẻ sơ sinh không chỉ là phản xạ đầu tiên, tự nhiên của con mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa khác. Theo PGS. TS. BS Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, khóc là cách để trẻ giao tiếp với bố mẹ của mình khi trẻ chưa biết nói. Nghe tiếng khóc của con cha mẹ có thể đoán được trẻ đang đói, đang buồn ngủ hay đang đau ốm...
Tuy nhiên hầu như các bậc phụ huynh đều cảm thấy bối rối khi trẻ khóc. Bởi cha mẹ không hiểu được nhu cầu của trẻ thông qua tiếng khóc. Dưới đây là ý nghĩa tiếng khóc của trẻ, phụ huynh nên tham khảo để dễ dàng nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của con nhằm đáp ứng kịp thời.
Lý giải ý nghĩa tiếng khóc của trẻ sơ sinh
1. Trẻ đói
Khi con cảm thấy đói, muốn ti sữa, trẻ sẽ thường khóc. Đây cũng là suy nghĩ của hầu hết các bậc phụ huynh khi thấy con mình khóc. Tuy nhiên, cha mẹ nên quan sát tiếp xem trẻ khóc có đi kèm với các biểu hiện khác như nhóp nhép miệng, mút tay không? Nếu có thì là trẻ đang đói. Ngoài ra khi bú xong con vẫn tiếp tục khóc như vậy thì có thể vì trẻ cảm thấy bú chưa đủ, chưa no.
2. Trẻ buồn ngủ
Trẻ con khi buồn ngủ cũng thường hay khóc. Người lớn hay gọi hiện tượng này là gắt ngủ. Khi thấy trẻ khóc kèm những biểu hiện như lấy tay dụi mắt, gãi đầu gãi tai, một số bé có thể mút tay, ban đầu khóc tương đối nhỏ, nếu xung quanh ồn ào quá không ngủ được thì trẻ sẽ khóc to và liên tục hơn... thì có thể là con đang buồn ngủ. Lúc này mẹ nên ôm ấp trẻ vỗ về để con dễ dàng có cảm giác yên tâm để chìm vào giấc ngủ hơn.
3. Trẻ khó chịu do bỉm bẩn
Khi mẹ quên không thay bỉm cho bé, con cảm thấy khó chịu thì sẽ ra hiệu cho mẹ bằng cách khóc nhưng tiếng khóc thường bình thường, không có gì đặc biệt, đôi khi thét to lên, nước mắt giàn giụa. Tốt nhất ba mẹ nên thay bỉm tã cho trẻ 2-3 giờ/lần để tránh hăm đỏ từ bỉm tã của trẻ và thay ngay lập tức nếu trẻ ị ra tã bỉm.
4. Trẻ muốn được ôm ấp, làm nũng
Nhu cầu muốn gần cha mẹ của trẻ rất cao, đặc biệt là trong những tháng đầu đời. Khi thấy con khóc kèm biểu hiện khóc lúc cao, lúc thấp, có thể không có nước mắt, chân tay múa máy lung tung, mắt nhìn sang trái sang phải thì mẹ hãy bế bé lên cưng nựng một chút nhé. Con đang nhớ mẹ lắm đấy!
5. Trẻ bị đầy hơi, đau bụng
Thường thì trẻ bị đầy hơi, đau bụng sẽ khóc ngay khi vừa được cho bú. Con khóc đến nỗi mẹ khó có thể dỗ dành. Khi nghi ngờ con bị đầy hơi, mẹ có thể vỗ ợ hơi cho trẻ hoặc để bé nằm ngửa, nắm hai chân của con và cho bé cử động như đang đạp xe.
6. Khóc vì môi trường xung quanh
Khi trẻ cảm thấy lạnh hoặc thấy nóng, chúng sẽ cách khóc, tuy nhiên khi bị lạnh chúng sẽ khóc gay gắt hơn khi bị nóng. Mỗi khi thay quần áo cho trẻ hoặc sau khi tắm trẻ sẽ khóc, đây là dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang cảm thấy lạnh.
7. Khóc khi hoảng sợ
Khi con cảm thấy sợ hãi, trẻ sẽ khóc thét lên, toàn thân giãy giụa lung tung. Đồng thời con có xu hướng tìm kiếm người mà con tin tưởng và muốn được người đó ôm ấp.
8. Trẻ khóc vì mọc răng
Khi mọc răng, trẻ luôn có cảm giác đau đớn và quấy khóc nhiều. Do đó cha mẹ cần biết để xử lý và giúp giảm đau cho trẻ trong giai đoạn này. Các biểu hiện thường thấy khi trẻ mọc răng như lấy tay sờ, cọ răng, gặm, nhấm đồ, thích nhét đồ vào miệng, chảy dãi nhiều...
9. Các lý do khác
- Khi thấy con khóc từng cơn kèm theo nôn mửa, đại tiện phân lẫn máu, là trẻ có khả năng lồng ruột.
- Trẻ khóc thét liên tục, thỉnh thoảng ngừng một lát, rồi lại tiếp tục, kèm theo nôn mửa là trẻ có khả năng có bệnh ở não hay màng não.
- Tiếng khóc của con không nhanh, không chậm, kèm theo đó là mặt bé tái nhợt, mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy, tay ôm bụng, nếu người lớn sờ bụng thì khóc to hơn là biểu hiện của việc trẻ bị viêm ruột cấp, tiêu hóa trục trặc, ký sinh trùng (giun) hoành hành.
- Trẻ khóc giọng khàn khàn, khóc liên tục, nhất là về đêm, khó thở, kèm theo sốt bỏ bú là trẻ có khả năng bị viêm amidan cấp.
- Trẻ khóc với âm điệu bình thường, trẻ ở trạng thái không yên, dỗ thế nào cũng không nín, đó là trẻ bị đau đầu, ngạt mũi, cảm cúm.
- Trẻ khóc xong lại thở khò khè là trẻ có khả năng viêm phổi.
- Trẻ khóc tím tái mặt, đây là một dấu hiệu bệnh nguy hiểm có thể gây nên tình trạng tử vong ở trẻ, đặc biệt là các trẻ sau khi sinh. Nguy cơ cao là con bị tắc nghẽn bệnh lý tim mạch phức tạp, cần đưa đến bệnh viện ngay.
- Trẻ khóc yếu ớt, xen lẫn tiếng rên ngắt quãng là trẻ có khả năng viêm phổi và suy tim, phải theo dõi sát sao.
- Trẻ khóc không yên, kèm theo sốt, lắc đầu, vò tai, lấy tay ép vào vành tai lại càng khóc dữ dội là trẻ có khả năng viêm tai giữa.
- Trẻ khóc suốt đêm, sợ hãi, vã mồ hôi nhiều là trẻ có khả năng bị còi xương giai đoạn đầu.
- Trẻ khóc trước khi ngủ là thường trẻ bị giun kim, ở cửa hậu môn bò ra, gây ngứa ngáy, khó chịu.
- Trẻ khóc khi đi tiểu tiện thường là trẻ bị viêm đường tiểu, có thể thấy miệng niệu đạo nhiễm trùng, tấy đỏ.
- Trẻ khóc, không chịu bú, hễ ngậm vú thì khóc là trẻ có khả năng niêm mạc lợi bị sưng, viêm miệng, nên không bú được.
- Trẻ khóc dữ dội, luôn tay quờ quạng, vơ nắm mọi vật để ôm vào người là trẻ có khả năng bị mọc mụn, do ẩm nóng, gây ngứa ngáy, khó chịu.
- Trẻ khóc sau khi đi đại tiện thường là trẻ bị rạn nứt hậu môn.