Rất nhiều lý do được các bạn trẻ đưa ra biện minh cho việc kết hôn muộn như: vấn đề tài chính, chưa chuẩn bị tâm lí, ngại đỗ vỡ... Trong khi Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng.
Cụ thể, Theo Tổng cục Thống kê, Tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước năm 2021 là 26,2 tuổi (cao hơn 0,5 tuổi so với năm 2020); năm 2022 là 26,9 tuổi.
Khu vực thành thị có độ tuổi kết hôn rất muộn. Điển hình như TP Hồ Chí Minh: Năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 29,8 tuổi.
Tỉ lệ người độc thân đang có xu hướng tăng nhanh từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Một trong những biện pháp Chính phủ đưa ra để giải quyết mức sinh thấp là tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn. Thế nhưng, ngày càng nhiều người trẻ trì hoãn hôn nhân để theo đuổi những ưu tiên của bản thân.
Có thể thấy, khác với thế hệ trước, quan điểm của một bộ phận người trẻ về cách sống, định nghĩa về tình yêu, hôn nhân hiện đã có những thay đổi. Thay vì an cư rồi lạc nghiệp, người trẻ đầu tư cho bản thân nhiều hơn, có xu hướng né tránh hoặc trì hoãn việc kết hôn….
Như vậy, kết hôn sớm hay muộn không còn là câu chuyện của cá nhân nữa mà xét về vĩ mô, điều này gây thiếu hụt nguồn lao động cho xã hội. Dẫu biết là thế, nhưng một số người trẻ vẫn cho rằng vấn đề kết hôn sớm, hay muộn nằm ở quan điểm, lựa chọn của mỗi người bởi suy cho cùng đích đến vẫn là hạnh phúc hậu hôn nhân.