Chị Q lấy anh T có 3 mặt con, đủ nếp và tẻ. Đến khi vợ chồng chị Q chia tay nhiều người mới dám nói “vợ chồng chị 2 người 2 thế giới khác nhau sao có thể sống được với nhau đến tận bây giờ”. Chị Q thì nhanh nhẹn, thông minh, tháo vát, bằng cấp đủ loại còn ngược lại anh T, chồng chị Q thì chẳng có gì.
Anh T thì chỉ học hết lớp 9, cồng việc lất phất, làm gì có ai thuê một ông không bằng cấp như vậy. Thế là từ khi lấy nhau đến lúc chia tay, kinh tế trong gia đình một mình chị Q gánh vác. Chị chu toàn lễ nghĩa 2 bên gia đình, khiến không ai trách móc được mà càng thương chị hơn.
Khi ra tòa ly hôn, anh T viết trong đơn: Không chia tài sản, không nuôi con, không trợ cấp. Có nghĩa anh sẽ là người ra khỏi nhà để lại tài sản cho 3 mẹ con, còn chị Q nuôi 3 đứa con và không có trợ cấp từ chồng. Giờ mỗi lần nhắc lại chị Q vẫn còn cười bảo “ít ra ông ấy còn một chút tự trọng để lại nhà cho 3 mẹ con”.
Sau ly hôn anh T về sống với bố mẹ đẻ. Bằng cấp không có, tài năng thì không nhưng tính sĩ diện nên anh ở lì trong nhà. Đồ đạc có gì bán hết đến khi chả còn món đồ nào có giá trị nữa thì thôi.
Còn chị Q, do vẫn là người nhanh nhạy nên chị làm ăn ngày càng khấm khá, phát triển. Nhiều khi nhìn thấy cảnh bố bọn trẻ chị cũng xót xa và sợ các con buồn. Vì thế thi thoảng có món ngon chị lại bảo các con mời bố sang ăn cơm, cần gì về tiền bạc chị đều sẵn sàng giúp đỡ. Rồi đến 1 ngày chị gọi chồng cũ đến hỏi có muốn làm việc trong công ty không? Mặc dù tính sĩ diện rất cao nhưng anh T vẫn đồng ý.
Chị Q kể, nói là làm cho oai nhưng thực chất có biết làm gì đâu, thôi cho cái chân sai vặt, tháng trả cho 10 triệu để còn tiền chữa bệnh mà bọn trẻ nhìn vào chúng cũng yên tâm và vui vẻ. Tháng nào cũng nhận lương đều đặn không thiếu một đồng nhưng cũng chưa bao giờ anh T gửi chị hay cho các con.
Nhiều người còn xúi chị, tháng lương giữ lại một nửa để coi như ông ấy nuôi con nhưng chị chỉ cười nhẹ nhàng bảo “Bao lâu nay không có vài đồng lẻ của ông ấy thì bốn mẹ con chị vẫn sống tốt không những thế còn sống đàng hoàng.
Vậy nên giờ ông ấy đi làm ở đây chẳng qua mình cho ông ấy thấy ông ấy vẫn còn giá trị trong mắt các con. Chị làm điều này cũng vì các con chị. Với lại, giờ bố bọn trẻ bệnh tật cũng nhiều nên số tiền đó cũng chỉ đủ trang trải tiền thuốc nên chị không mấy suy nghĩ đến khoản tiền đó. Bình thường chị còn đi làm từ thiện khắp nơi được huống hồ với chồng cũ thì không có gì phải tiếc”.
Ngoài lương lĩnh đều, cần đi đâu anh T lại điện thoại hỏi chị Q mượn xe ô tô, hôm thì về quê, hôm thì đưa ông bà nội đi chùa… Chị Q cũng rất rõ ràng, chỉ cần anh mượn đi việc chính đáng gia đình thì chị sẵn sàng giúp đỡ còn nếu đi chơi bời bạn bè phè phỡn thì anh tự thuê xe mà đi.
Chị Q nghĩ những gì xảy ra với chị đều là “nhân duyên”. Mọi thứ đã trải qua, giờ chị thấy cuộc sống của mình bên các con thực sự hạnh phúc và an vui, công việc sự nghiệp phát triển. Các con chị may mắn lại có tố chất giống chị không những học giỏi mà đàn, hát, vẽ, thêu thùa đều thuần thục.
Các con của chị nhiều khi còn trêu chị : “Không hiểu ngày xưa sao mẹ lại có thể yêu được bố, một người không có cái gì trong tay gần như là phiên bản lỗi. Con chắc chắn sẽ không mắc phải chuyện yêu đương giống mẹ và cũng không bao giờ lấy một người như bố”. Chị chỉ cười nhẹ nhàng bảo “Mọi thứ đều có lý do của nó và quan trọng mẹ đã có các con rồi”./.