Trong thời phong kiến cổ đại xưa kia, ở bất kỳ quốc gia nào tồn tại chế độ quân chủ thì cũng đều xem Vua hay Hoàng đế là đấng cao quý, là con của thần linh và là người đứng đầu nắm quyền lực tối cao. Vì vậy, sẽ rất là may mắn cho cô gái nào được trở thành vợ vua, bởi họ chỉ dưới một vài người nhưng trên vạn người. Thế nên, vào thời đó có rất nhiều nữ nhân làm đủ mọi cách để có thể trở thành Hoàng hậu hay phi tần trong hậu cung, được sự sủng ái của Vua chúa mà sống trong lầu son gác tía cùng biết bao quyền lực và tiền tài.
Nhưng thực tế, trong lịch sử ghi nhận, có không ít nữ nhân muôn phần may mắn mà vô tình trở thành vợ Vua. Điển hình là hai bà "vợ nhặt" của hai vị Vua Việt Nam dưới đây.
(Ảnh minh họa)
Vua Gia Long và mối lương duyên bất ngờ với cô vợ thôn nữ xứ cù lao
Theo sử sách còn lưu truyền lại, cụ thể là sách "Việt Nam phong tình cổ lục" có kể về chuyện nhặt vợ hy hữu của vua Gia Long – Nguyễn Phúc Ánh. Trong một lần đi lánh nạn, Nguyễn Phúc Ánh đã phải náu mình trong một bụi rậm tại cù lao Ông Chưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ông vô tình phát hiện ra gần đó có một cô gái vô cùng xinh đẹp đang lội bùn mà bắt tôm bắt cá.
Về phần cô gái kia, vì không biết có người đang ngắm nhìn mình mà cứ hồn nhiên say mê với công việc, từng giọt mồ hôi của cô rơi ra, chạy dọc khóe tai làm Nguyễn Phúc Ánh xao xuyến trong lòng. Đột nhiên, cô không may sa chân vào một hố bùn lún, khiến người bị thụt sâu xuống. Thế là Nguyễn Phúc Ánh bất chấp việc mình đang bị lùng bắt nguy hiểm, lao từ bụi rậm ra, kéo tay ôm lấy cô thôn nữ kia. Sau khi được cứu sống, cô gái này vì cảm kích, nắm rịt lấy tay ông kéo về nhà bắt sống chung, vì theo tục lệ ở đây, khi người con gái nào đã bị người con trai ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng.
(Ảnh minh họa)
Vậy là từ đó, Nguyễn Phúc Ánh vô tình có một người vợ chỉ qua một lần gặp mặt trong lúc sa cơ. Nhưng cuộc tình bất đắc dĩ này đã mở ra cho Nguyễn Phúc Ánh một con đường sống quý giá. Sau khi biết được chồng mình đang bị truy lùng, cô vợ thôn nữ của Nguyễn Phúc Ánh đã không sợ nguy hiểm mà bảo vệ, bao che cho chồng, thậm chí nàng còn dò la tin tức và giúp Nguyễn Phúc Ánh tụ họp lại được các cận thần thất lạc bao lâu nay.
Thế nhưng, sử liệu ghi lại, khi đã lên ngôi vua trở lại, Nguyễn Phúc Ánh đã gần như không có ký ức về người vợ nhặt này mà phụ bạc nàng. Tuy nhiên, lại có giai thoại dân gian kể lại rằng, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tố Lan và sau khi thu giang sơn về một mối, vua Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh đã cho rước bà về kinh đô, rồi sắc phong làm Hoàng hậu.
(Ảnh minh họa)
Mối nhân duyên của Vua Thành Thái và cô gái lái đò sông Hương
Thành Thái là ông vua nổi tiếng thương dân trong sử Việt vì đã không ít lần cải trang làm thường dân vi hành để hiểu hơn về cuộc sống của họ. Và chính hành động này của vua Thành Thái, trong một lần đã giúp ông nhặt được một người vợ xinh đẹp làm nghề lái đò trên sông Hương.
Chuyện kể rằng vào một ngày Tết Nguyên Đán, vua Thành Thái cải trang thành dân thường, đến vùng đất Kim Long – một vùng đất ngoại ô vô cùng trù phú nổi tiếng sản sinh ra hàng loạt các mỹ nhân vào thời đó. Và sau khi đi ngao du khắp vùng, vua Thành Thái mới thuê một chiếc đò để ra về. Khi đò vừa ghé vào, bước lên trên, ông trông thấy cô gái lái đò khoảng chừng hai mươi đang khép nép trong chiếc áo vá vai với đôi má ửng hồng, đôi mắt long lanh và gương mặt rất duyên.
(Ảnh minh họa)
Thế là vua Thành Thái xao xuyến rộn lên một niềm cảm xúc lạ trong lòng, ông quyết định mang cô ấy về làm vợ. Ông liền chớp lấy thời cơ ngỏ lời khi cô gái đang ở cuối thuyền rồi hỏi một cách đột ngột: "Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?" (Này, cô kia, cô có muốn lấy vua không?). Bất ngờ trước câu hỏi từ vị khách lạ, cô gái liền bẽn lẽn đáp: "Đừng có nói bậy mà họ lấy đầu chứ". Biết ý thấy cô gái hơi ngại ngùng, vua Thành Thái nói tiếp: "Tui nói thiệt đó, O có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!".
Sau câu nói này của vua Thành Thái, cô gái còn ái ngại hơn, thậm chí quay mặt đi chỗ khác. Một vị quan khách đi cùng chuyến đò, thấy thế liền vui vẻ tiếp lời chọc khuấy cô lái đò: "Ni, o tê! O cứ nói "ưng" để coi thử nờ!" (Này, cô kia! Cô cứ nói "ưng" để xem thử thế nào). Thế là cô lái đò đánh bạo nói nhanh: "Ưng!". Và rồi vua Thành Thái mở cờ trong bụng, đột ngột đứng dậy đi về phía cô lái đò, mở lời bảo cô đã là Quý phi rồi hãy ngồi nghỉ ngơi để ông chèo cho đỡ vất vả.
(Ảnh minh họa)
Khi thuyền xuôi dòng về đến trước Kinh thành, vua Thành Thái đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương, trước Phu Văn Lâu, rồi bảo cận thần giả dạng đi cùng trên chuyến đò như sau: "Thôi, thiên hạc đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn đưa Quý phi vào cung!". Từ đó, cô lái đò Kim Long chính thức trở thành vợ vua Thành Thái trong sự bất ngờ của nhiều người.
Tuy nhiên, về sau này, có nhiều người cho rằng người vợ lái đò đất Kim Long từ "trên trời rơi xuống" của vua Thành Thái này thực chất chỉ là một giai thoại dân gian chứ không có thực. Chuyện gần khớp và có vẻ hợp lý hơn về vua Thành Thái và đất Kim Long này là việc ông từng mê mệt một cô nàng kiều nữ nơi đây nhưng không phải làm nghề lái đò mà lại chính là khuê nữ của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ tên Nguyễn Hữu Thị Nga. Bà cũng chính là Huyền phi trong hậu cung của vua Thành Thái sau khi vào cung.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù vậy, cho đến nay, giai thoại vua Thành Thái tìm được quy phi tại đất Kim Long vẫn được lưu truyền và in dấu trong câu ca: "Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm quý, trẫm liều trẫm đi".
(Nguồn: Việt Nam phong tình cổ lục, Đại Nam liệt truyện)