Dự kiến ngày 21/6, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Sỹ Tá (SN 1972, cựu Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban dân tộc) về tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị hại trong vụ này là ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh .

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội ban hành, Công ty Đức Anh là chủ đầu tư dự án Núi Cuống (tỉnh Quảng Ninh), năm 2018, do muốn bán lại nên đại diện công ty gặp Nguyễn Sỹ Tá, nhờ "tìm khách".

Cáo trạng xác định, bị can Tá quen biết ông Đỗ Anh Dũng nên giới thiệu mua.

Trong cáo trạng thể hiện, Tá giới thiệu dự án đảo Núi Cuống đã được UBND tỉnh Quảng Ninh quy hoạch phát triển du lịch, đô thị sinh thái, nhà ở, khách sạn...và dự án này, cũng như Công ty Đức Anh là của Tá, do Tá từng làm Giám đốc Nhà khách Chính phủ (số 37 Hùng Vương), phục vụ các "bác" nên được "bác" cho dự án. Do Tá làm nhà nước nên không đứng tên được nên nhờ lái xe và người giúp việc đứng tên hộ... Tin lời Tá, ông Đỗ Anh Dũng đồng ý mua và thống nhất giá chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty Đức Anh với giá 400 tỷ đồng.

Theo đó, Tá yêu cầu đặt cọc 20% giá trị chuyển nhượng, tương đương 80 tỷ đồng; đồng thời yêu cầu ông Dũng giữ bí mật để Tá đi cảm ơn “các bác".

Ly kỳ vụ Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị lừa 80 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Đỗ Anh Dũng cùng đồng phạm tại phiên sơ thẩm.

Năm 2019, nhân viên Tân Hoàng Minh gửi hợp đồng cho Tá và được bị can báo lại, giá dự án là 320 tỷ đồng, cần đặt cọc 80 tỷ nhằm "đảm bảo việc ký kết hợp đồng và thực hiện chuyển nhượng".

Cũng trong năm đó, Nguyễn Sỹ Tá hai lần đến trụ sở Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận đủ 80 tỷ đồng đặt cọc. Sau đó, ông ta yêu cầu nhóm cổ đông của Công ty Đức Anh phải chi cho mình 20 tỷ đồng nếu bán được dự án Núi Cuống.

Do Công ty Đức Anh sau đó không bán dự án cho Tân Hoàng Minh, ông Dũng tìm hiểu và được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh không xem xét chấp nhận vì đảo Núi Cuống chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất.

Phía ông Dũng đã làm việc với các cổ đông của Công ty Đức Anh và được biết, dự án Núi Cuống không thuộc sở hữu của bị cáo Tá và người này không chuyển 80 tỷ đồng ông Dũng đặt cọc cho Công ty Đức Anh. Ông Dũng sau đó ký hợp đồng mới với Công ty Đức Anh để mua dự án đồng thời đòi tiền Nguyễn Sỹ Tá, song chỉ được trả lại 33 tỷ đồng, còn chiếm đoạt 47 tỷ đồng.

Đối với hợp đồng mua bán mới dự án Núi Cuống giữa Công ty Đức Anh với Tân Hoàng Minh, sau một thời gian cũng bị hủy.

Cơ quan tố tụng xác định, ông Đỗ Anh Dũng là bị hại và có đơn đề nghị cơ quan tố tụng buộc Nguyễn Sỹ Tá phải hoàn trả nốt 47 tỷ đồng còn lại.

Quá trình điều tra, bị cáo Tá không thừa nhận hành vi phạm tội, ông cho hay đã giới thiệu ông Dũng tới Công ty Đức Anh để mua dự án và được ông Dũng thưởng" 80 tỷ đồng nhưng yêu cầu ký một số thỏa thuận.

Bị cáo quả quyết đã ký nhưng không đọc nên không biết bản thân ký vào thỏa thuận đặt cọc.

Bị hại đề nghị tăng án phạt với Chủ tịch Tân Hoàng Minh

Liên quan đến ông Đỗ Anh Dũng, hồi tháng 3/2024, TAND TP Hà Nội tuyên ông 8 năm tù tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; con trai ông, bị cáo Đỗ Hoàng Việt lĩnh 36 tháng tù.

Các bị cáo là thuộc cấp của ông Dũng tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị phạt từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 tháng tù giam.

Về dân sự, ông Đỗ Anh Dũng phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng cho nhà đầu tư.

Vụ án xuất phát từ những khó khăn tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi doanh nghiệp này còn dư nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Để có tiền trả nợ, ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo con trai huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc "hệ sinh thái" như Ngôi Sao Việt, Cung Điện Mùa Đông và Soleil.

Từ chỉ đạo của cha, Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Bằng cách thức trên, Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, đã phát hành 9 gói trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu.

Nhóm ông Dũng bị cáo buộc chỉ đạo tổ chức chạy dòng tiền "khống" để tạo lập giá trị "ảo" của trái phiếu. Dòng tiền sẽ chạy từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển về cho Tân Hoàng Minh để đủ tiền mua hết 90 triệu trái phiếu.

Dù các lô trái phiếu đều có thời hạn 2 - 5 năm, Tân Hoàng Minh sau đó chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để mua đi bán lại nhiều lần, thu về gần 14.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Số còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.

Sau án sơ thẩm, chỉ duy nhất ông Đỗ Anh Dũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; trong khi một số bị hại kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm tăng án với ông Dũng và mong được tính lãi suất trên khoản tiền mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.