Chào Lý Nhã Kỳ, ngày 3/5, lãnh đạo Tổng cục đã có đề xuất thành lập một đơn vị phụ trách việc xin lỗi du khách khi khách gặp chuyện chặt, chém, dọa nạt.. . Với cương vị một cựu ĐSDL, quan điểm của chị như thế nào?
Tôi nghĩ rằng việc này là nên làm vì thực sự thời gian vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều vấn đề và có nhiều người kinh doanh du lịch theo kiểu "ăn xổi ở thì", làm buồn lòng du khách.
Có một đơn vị phụ trách việc xin lỗi là rất tốt nhưng nếu nghĩ xa hơn, chúng ta làm sao để không còn phải xin lỗi nữa thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Điều đó sẽ cần nỗ lực của nhiều phía, cả chính quyền lẫn những người kinh doanh du lịch và người dân bình thường nữa.
Trước nạn chặt chém du khách...Việc thành lập một cơ quan đại diện xin lỗi có phải là một giải pháp hiệu quả không?
Tôi nghĩ đó là việc nên làm trong thời gian ngắn, về lâu dài, sự tồn tại của một đơn vị để xin lỗi sẽ là một nỗi buồn cho công tác quản lý.
Tôi tin là lãnh đạo ngành du lịch sẽ sớm có những biện pháp hiệu quả để chấn chỉnh việc chặt chém du khách. Bên cạnh đó, các địa phương cũng có biện pháp và chế tài nghiêm khắc hơn để hạn chế tệ nạn ở địa phương mình.
Có nhiều báo đưa tin rằng, nên mời chị làm Đại sứ xin lỗi cho ngành du lịch, chị nghĩ sao?
Nếu có lời mời đó thì tôi sẽ suy nghĩ về nó. Vì công việc xin lỗi không hề dễ dàng và nó đòi hỏi người xin lỗi phải chân thành, đồng thời, không được “tái phạm” nữa mà điều đó thì hơi khó vì người xin lỗi lại không phải là người gây ra lỗi…
Nhưng như tôi đã nói, làm được điều gì có ích cho đất nước thì tôi luôn sẵn sàng!
Nếu chị vướng vào trường hợp đó, chị sẽ giải quyết ra sao?
Tôi khâm phục hành động xin lỗi của người đứng đầu ngành du lịch. Đó là việc vô cùng đáng trân trọng, góp phần giúp du khách thay đổi cái nhìn về du lịch Việt Nam và lấy lại niềm tin của du khách.
Nếu tôi ở vị trí đó, tôi cũng sẽ làm như vậy. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu và cũng là bản lĩnh của người đứng đầu.
Trên cương vị một cựu ĐSDL chị có giải pháp gì để chấm dứt nạn chặt chém khách du lịch, ngoài việc...xin lỗi?
Việc ở tầm vĩ mô thì tôi không dám bàn vì đó là chuyện của lãnh đạo. Tôi chỉ cố gắng ở bản thân mình thôi. Ví dụ như mỗi khi bạn bè nước ngoài của tôi đến Việt Nam, tôi sẽ chọn những điểm đến thân thiện an toàn cho họ đi du lịch, chọn khách sạn tốt cho họ ở, tìm quán ăn ngon, không chặt chém để mời họ đến ăn và giúp họ thấy rõ một Việt Nam đáng mến, thân thiện.
Nếu bạn bè tôi nước ngoài của tôi bị “chặt chém”, tôi sẽ giúp họ báo với cảnh sát du lịch hay chính quyền địa phương biết những địa chỉ chặt chém đó để chính quyền xử lý và chấn chỉnh.
Bản thân tôi khi nào gặp hiện tượng chặt chém cũng sẽ báo cáo với nhà nước. Tôi cũng sẽ vận động bạn bè Việt Nam của tôi và khán giả hâm mộ tôi hành xử như vậy: chúng ta không thể làm ngơ trước tệ nạn chặt chém, để cho tệ nạn chặt chém này hoành hành mãi và làm xấu gương mặt du lịch của nước nhà.
Cảm ơn Lý Nhã Kỳ!