Jacques Lacan, một nhà tâm thần học và phân tâm học người Pháp, đã phát triển lý thuyết gương soi để giải thích tại sao sau một khoảng thời gian chúng ta kết nối với một người thì bắt đầu thấy những khía cạnh tính cách ở họ mà chúng ta không thích.
Theo Lacan, chúng ta xây dựng danh tính của mình bằng cách phản ánh nó lên người khác. Do đó, các mối quan hệ mà chúng ta có với những người khác là sự phản ánh hoặc dự đoán về các khía cạnh trong tính cách của chính bản thân chúng ta mà chúng ta thích hoặc không thích.
Lý thuyết gương soi là gì?
Cũng giống như việc có những bộ phận trên cơ thể hoặc một khuyết điểm ngoại hình nào đó mà chúng ta không thích khi soi gương, thì cũng có những khía cạnh tính cách mà chúng ta không muốn chấp nhận ở bản thân mình.
Nói cách khác, những gì mà chúng ta không thích ở người khác cũng có thể chính là những gì mà chúng ta không thích ở chính mình.
Chúng ta liên tục phóng chiếu bản thân ra môi trường xung quanh. Và vì chúng ta không thể nhìn thấy bóng của chính mình, hay thậm chí là những điểm mạnh của bản thân, nên cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta món quà là các mối quan hệ.
Các mối quan hệ cho chúng ta thấy những gì chúng ta có bên trong mình. Và mọi người xung quanh hoạt động như những tấm gương soi, phản ánh chúng ta và cho chúng ta cơ hội để biết được mình là ai.
Lý thuyết gương soi có thể hoạt động theo cách trực tiếp hoặc ngược lại
Giả dụ rằng, bạn không thể chịu đựng được sự ích kỷ của một người bạn. Nói một cách trực tiếp, bạn có thể đang phóng chiếu phần ích kỷ của mình mà bạn từ chối nhìn thấy. Mặt khác, theo hướng ngược lại, điều đó có thể phản ánh bạn là một người vị tha và bao dung. Có thể bạn là người luôn quan tâm đến người khác mà quên mất chính mình. Nhưng dù bằng cách nào thì đó cũng là một thông tin có giá trị nếu bạn muốn tìm hiểu và phát triển bản thân mình.
Bạn có thể nghĩ rằng sếp của bạn đang quá khắt khe với mình. Điều đó có thể là bởi vì bạn cũng đang rất khắt khe và cầu toàn với bản thân. Sếp của bạn trong trường hợp này, chỉ là sự phản ánh cách bạn đối xử với chính mình. Ngược lại, cũng có thể là bởi bạn đang quá dễ dãi với chính mình và bạn cần một chút nghiêm khắc với bản thân hơn trong cuộc sống.
Lý thuyết gương soi trong vết thương tình cảm
Băng bó không phải là cách để chữa bệnh. Khi chúng ta bị thương, chúng ta thường kêu lên trong đau đớn, sau đó chúng ta mới bình tĩnh rửa sạch vết thương và băng bó chúng để vết thương mau lành.
Chúng ta không thể chỉ băng bó và quên vết thương đó đi, vì nó không hoạt động như thế. Thay vào đó, chúng ta cần theo dõi vết thương cho đến khi nó lành lại.
Tất cả chúng ta đều có những vết thương lòng. Vết thương tình cảm là tất cả những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, cách hành động đến từ những khoảnh khắc đau thương trong cuộc sống mà chúng ta chưa chấp nhận được.
Chúng ta trở thành tù nhân của những vết thương đó. Việc chúng ta cần làm là chuyển đổi những cảm xúc và suy nghĩ đó thành sự khôn ngoan và kinh nghiệm, để thúc đẩy chúng ta trở thành một người tốt hơn.
Khi chúng ta quên đi những vết thương tình cảm, chúng sẽ trở thành một phần trong vô thức và ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của chúng ta. Và rồi bên trong, chúng tạo ra những lỗ hổng trong trái tim mình.
Vì vậy, khi bạn gặp một người có cùng một lỗ hổng, cùng một vết thương, bạn và người ấy sẽ gắn kết với nhau. Bạn tìm được sự đồng cảm, sự chia sẻ, nhưng bạn cũng cần phải cẩn thận, vì những vết thương như thế này cũng có thể chia cắt mối quan hệ.
Nếu vết thương chưa lành, sớm muộn gì chúng cũng sẽ làm tổn thương những mối quan hệ của bạn từ sự bất an, sợ hãi, ghen tị, chiếm hữu…
Cuộc sống luôn cố gửi cho bạn những tín hiệu, những phản ánh để hướng dẫn bạn trưởng thành. Và nếu bạn không tìm ra chúng và chú ý đến những thông điệp, bạn sẽ không thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Thậm chí, nếu không tìm ra, bạn sẽ bị kìm hãm và những mối quan hệ của bạn sẽ bị làm suy yếu. Vì vậy, hãy ghi nhớ lý thuyết gương soi và tận dụng những thông tin quý giá mà nó mang lại cho bạn về bản thân.