Không khó để bắt gặp những sản phẩm nhái các thương hiệu thời trang lớn như Dior, Chanel, LV… Bán hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nhưng thực tế, trên thị trường hiện nay tình trạng này xảy ra khá nhiều và phổ biến.
Mới đây, 8.000 đôi giầy thể thao có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu MLB, NIKE, ADIDAS đã bị thu giữ. Đây là số lượng hàng hóa của hộ kinh doanh Nguyễn Thế Thu chuyên bán sỉ trên Facebook.
Thông qua Fanpage, ông Thu đăng tải các hình ảnh, video, khách hàng nào có nhu cầu mua thì nhắn tin qua Facebook, Zalo hoặc gọi điện trực tiếp. Theo lực lượng quản lý thị trường, việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh trên mạng rất khó.
Trước đó, một tổng kho hàng có diện tích hơn 2.000m2 ở Tuyên Quang. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện số lượng lớn là hàng giả, hàng kém chất lượng được tổ chức rất bài bản. Trung bình mỗi ngày, công nhân sẽ đóng gói trên dưới 1.000 đơn hàng.
Nếu như trước đây đa số là doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử để bán hàng thì hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức lại sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… để bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Rủi ro nhất người tiêu dùng thường gặp phải lại chính vì mua qua mạng nên chẳng thể kiểm chứng được nguồn gốc sản phẩm, cái họ nhận được thường dựa vào niềm tin là chính.
Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình;,không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.
Thường cuối năm là khoảng thời gian cao điểm của hàng giả, hàng nhái do nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao. Từ nay tới Tết dương lịch và âm lịch, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường ra quân kiểm soát hàng giả hàng nhái bảo vệ người tiêu dùng trên các loại nền tảng và trên thực tế.