Ngày 11/5, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận 2 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn.
Đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm, lây truyền trực tiếp từ lợn sang người do vi khuẩn Streptococcus Suis. Bệnh diễn biến nhanh chóng, người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh, thậm chí gây thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên hiện rất nhiều người vẫn còn chủ quan với bệnh này.
Ông Y.T.B (trú xã Ea Knuếch, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên do nhiễm bệnh liên cầu lợn chia sẻ, đã ăn vài miếng tiết canh lợn khi ăn cỗ nhà người quen. Ông Y.T. cứ nghĩ lợn nhà nuôi và tự làm thịt thì đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, sau khi ăn tiết canh, ông bắt đầu có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, ù tai, dùng thuốc nhưng không giảm.
Ngày 4/5, ông Y.T. nhập viện điều trị với chẩn đoán sốt nhiễm trùng. Hai ngày sau, kết quả xét nghiệm vi sinh cho thấy ông Y.T. dương tính với vi khuẩn Streptococcus Suis.
Bệnh nhân P.K.T (trú huyện Ea H’leo) cũng mắc bệnh liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh dê tại một quán nhậu. Sau đó, người này xuất hiện triệu chứng sốt cao, kèm đau đầu, được đưa đi khám một vài cơ sở y tế, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Sau đó, người nhà bệnh nhân xin chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh với chẩn đoán khi chuyển viện mắc viêm màng não do Streptococcus Suis.
Các bác sĩ khuyến cáo, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Khi mắc bệnh, khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốt nhiễm trùng, dễ dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Hiện vẫn còn một bộ phận người dân có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên lợn tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh…