Không giống như đi lại trong nước, việc nhập cảnh đến 1 quốc gia khác với mục đích làm việc, du lịch, hay thậm chí chỉ là quá cảnh đều đòi hỏi du khách phải có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, hộ chiếu, thị thực hợp pháp. Và sẽ như thế nào nếu thị thực của chúng ta có vấn đề khi đang làm thủ tục nhập cảnh? Nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ phải giải quyết những gì khi thông tin trên thị thực bị trùng khớp với 1 đối tượng đang bị truy nã quốc tế vì phạm pháp trên một quốc gia khác?

Sự cố tưởng chừng như không thể xảy ra đó thế nhưng lại xuất hiện trong 5 bài viết dài chia sẻ của chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội). Theo chị Mai, thay vì cùng bạn trai vi vu du lịch châu Âu trong 3 tuần, chi đã bị bắt buộc ở lại Pháp trong hơn 1 tháng qua, tinh thần, cuộc sống, công việc đều bị đảo lộn.

Câu chuyện này được chị tường thuật cặn kẽ và đặt tên là "Mắc kẹt ở Paris", kể về những ngày tháng trên đất Pháp đã gây được sự chú ý của dư luận trong những ngày qua.

Câu chuyện dài kỳ của nữ du khách về sự cố bị bắt tạm giam ngay khi nhập cảnh gây xôn xao

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, 34 tuổi, làm Brand manager cho 1 nhãn hàng tại Hà Nội. Theo chia sẻ, trước đây chị Mai đã có 5 năm học tập và làm việc tại Amsterdam (Hà Lan), tuy nhiên đến tháng 3/2010, chị trở về Việt Nam làm việc. Vào tháng 11/2011, chị trở lại châu Âu trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần lễ đến Barcelona (Tây Ban Nha).

Chị Mai nhắc đến những mốc thời gian rất cụ thể vì theo chị vào tháng 12 vừa qua, khi quay lại châu Âu cùng bạn trai với mục đích du lịch, chị đã bị bắt giữ tại sân bay Pháp vì bị nghi ngờ chị chính là tội phạm ma tuý bị cảnh sát Bỉ phát lệnh truy nã toàn châu Âu vào năm 2014. Tuy nhiên chị khẳng định khoảng thời gian đó chị ở tại Việt Nam, không hề có mặt tại Bỉ hay bất kỳ 1 nước châu Âu nào.

Mắc kẹt ở Paris - Một nữ du khách Việt kể về hành trình bị bất ngờ giam giữ ngay khi vừa đến Pháp - Ảnh 1.

Hình ảnh của chị Mai - Ảnh: FBNV

Theo bài tường thuật này, vào ngày 18/12/2018, chị Mai cùng bạn trai làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Charles de Gaulle Paris (Pháp), chuẩn bị cho chuyến bay nối chuyến từ Paris đến Malta. Tại đây, khi nhân viên an ninh sân bay kiểm tra hộ chiếu của chị đã yêu cầu chị phải vào văn phòng an ninh để làm việc, nghi chị có liên quan đến án truy nã về ma tuý.

Chị Mai cho biết chị phải cung cấp lời khai, không được sử dụng điện thoại di động, bị khám xét người, tịch thu toàn bộ hành lý thậm chí bao gồm cả áo lót và dây giày. Chị cố gắng giải thích bằng tiếng Anh nhưng không hiệu quả, chị bị đưa vào phòng giam của đồn hải quan sân bay trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, chưa thể báo tin cho bạn trai và người nhà.

Trong phần 2 của câu chuyện, chị Mai kể việc mình bị còng tay bằng còng số 8, áp giải từ phòng giam đồn hải quan đến 1 đồn cảnh sát khác bởi 3 cảnh sát có trang bị vũ trang.

Mắc kẹt ở Paris - Một nữ du khách Việt kể về hành trình bị bất ngờ giam giữ ngay khi vừa đến Pháp - Ảnh 2.

Hình minh hoạ.

Chị bị đưa vào căn phòng giam khác mà theo chị miêu tả là chỉ khoảng 2m2, có 1 chiếc giường lạnh lẽo ngay cạnh bồn cầu vệ sinh bốc mùi và nền nhà thì lênh láng nước.

Khoảng 1 tiếng sau, cảnh sát dẫn chị Mai ra gặp thông dịch viên người Việt và cảnh sát người Pháp. Nữ thông dịch viên này là người Việt, đang sống và làm việc ở Paris, nói tiếng Việt giọng Bắc. Sau khi giải thích với người thông dịch viên này, chị tiếp tục bị dẫn quay lại phòng giam.

Trong các phần tiếp theo của câu chuyện, chị kể vào ngày 18/12, chị phải ngủ lại 1 đêm tại phòng giam của đồn cảnh sát trong tình trạng đói và rất lạnh.

Sáng 19/12, chị bước vào phiên toà xét xử tại toà án Pháp. Chị Mai chia sẻ chuyện chị bị áp giải từ đồn cảnh đến toà trong tình trạng cả 2 tay lại bị còng, chị gặp được 2 luật sư bào chữa miễn phí của mình, được giúp đỡ báo tin về cho gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra, người bạn trai của chị cũng đã tìm cách để đến toà án gặp chị, dù chỉ có thể nói chuyện với nhau từ xa qua sự giám sát của nhân viên an ninh.

Mắc kẹt ở Paris - Một nữ du khách Việt kể về hành trình bị bất ngờ giam giữ ngay khi vừa đến Pháp - Ảnh 3.

Hình minh hoạ

Ở những phần còn lại của câu chuyện, chị Mai cho biết phiên toà xét xử chị chỉ diễn ra trong 10 phút và tại phiên toà, luật sư của chị nhận định trường hợp của chị là bị ăn cắp thông tin cá nhân để phạm pháp. Sau khi xem xét, chị Mai đã được toà án Pháp cho tại ngoại, tuy nhiên chị vẫn bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp, hộ chiếu của chị bị giữ lại và chờ ngày ra tòa tiếp theo.

Chia sẻ với chúng tôi vào ngày 21/1, chị Mai cho biết hiện tại chị đã ở Pháp bất đắc dĩ trong 33 ngày.

Theo chị Mai, chị được luật sư giải thích về quy trình tố tụng. Theo đó, đối với tội danh chị bị quy kết là tàng trữ và sử dụng ma tuý tại Bỉ.

Trường hợp 1: Nếu chị đồng ý bị dẫn độ sang Bỉ để xét xử, quy trình dẫn độ mất tầm 10 ngày.

Trường hợp 2: Nếu chị từ chối bị dẫn độ sang Bỉ và xin được ở lại Paris để được xử bởi tòa án Pháp thì sẽ có 2 trường hợp nữa xảy ra: Hoặc nếu tòa tin chị vô tội, toà sẽ cho phép chị tại ngoại, nhưng cấm xuất cảnh ra khỏi Pháp; Hoặc nếu tòa không tin chị vô tội, toà sẽ giữ tôi ở trong tù tiếp cho đến khi nào tập hợp thêm chứng cứ vô tội.

"Hiện tại chi phí của mình tại Pháp cho việc ăn ở đã rơi vào khoảng 3000 euro (tương đương gần 80 triệu đồng). Chi phí đi lại đã vào khoảng thêm 1000 euro (tương đương 26 triệu đồng) nữa vì bọn mình không dự tính được là sẽ ở lâu đến thế này" - chị Mai nói.

Chị Mai cho biết phía toà án Pháp đã thông báo với chị ngày mở phiên toà xét xử tiếp theo là 6/2, tuy nhiên vào ngày đó nếu phía cảnh sát Bỉ chưa gửi đủ thông tin thì phía toà án Pháp vẫn chưa thể tổ chức xét xử được.

Thông tin thêm, chị Mai chia sẻ việc chị đã phải liên hệ làm việc và bỏ chi phí lên đến 2500-3000 euro (tương đương 66-80 triệu đồng) để thuê 1 văn phòng luật sư ở Bỉ giải quyết triệt để bản án của mình với tòa bên Bỉ.

Mắc kẹt ở Paris - Một nữ du khách Việt kể về hành trình bị bất ngờ giam giữ ngay khi vừa đến Pháp - Ảnh 5.

Hình ảnh của chị Mai - Ảnh: FBNV

Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, chị Mai cho biết Đại sứ quán hỗ trợ chị làm 1 số giấy tờ chứng thực, giới thiệu 1 số luật sư và hỗ trợ đổi tiền từ VNĐ sang euro (nếu cần).

"Gia đình Mai đã nhờ sự giúp đỡ của tất cả mọi nơi nhưng không ai đưa ra được hướng giải quyết"

Tại Việt Nam, gia đình, bạn bè chị cũng đang rất chờ mong chị có thể về nước trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, trong khoảng thời gian chị Mai bị cảnh sát Pháp tạm giam không thể liên hệ được cho bạn trai và gia đình, bạn trai chị (Daniel) đã rất nỗ lực tìm cách để có được thông tin về chị. Khi biết được chị Mai đang bị tạm giam để điều tra, Daniel đã liên hệ báo tin về cho gia đình chị ở Việt Nam, từ đó, một cuộc họp gia đình và rất nhiều bạn bè đã khẩn cấp diễn ra để tìm cách giải quyết sự cố của Mai. Tuy nhiên hiện tại, sau nhiều nỗ lực, gia đình cũng chỉ có thể trông chờ vào việc xử lí của cơ quan chức năng.

Câu chuyện dài 5 kỳ và những chia sẻ của chị Tuyết Mai đến thời điểm này đang tạo ra rất nhiều chú ý cũng như xôn xao, tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người đã động viên, chia sẻ trải nghiệm của chính mình nhưng cũng có những bình luận chỉ ra các điểm chưa hợp lý trong câu chuyện này.

Sáng 22/1, chúng tôi đã liên hệ phía đại diện truyền thông của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Người đại diện cho biết "chưa nghe bất cứ thông tin gì về trường hợp này, nếu có thông tin sẽ phát thông cáo báo chí". Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện của Bộ Ngoại giao, cơ quan này cho biết đã nắm được thông tin và sớm đưa ra phát ngôn chính thức.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc.