Nấm rơm là loại nấm quen thuộc, có thể chế biến thành nhiều món, xào cùng thịt hay nấu cháo, nấu canh đều hợp. Tuy nhiên, đặc điểm của nấm rơm nói riêng và các loại nấm tươi nói chung chính là không để được lâu. Nếu không biết cách bảo quản, nấm dễ bị thâm nhũn hoặc mốc.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn cách bảo quản nấm rơm, để 10 ngày vẫn giòn ngon như thường, không hề có dấu hiệu bị hỏng.

Mách bạn cách bảo quản nấm rơm 10 ngày vẫn giòn ngon, không bị thâm nhũn - Ảnh 1.

Nấm rơm tươi

Mẹo bảo quản nấm rơm giòn ngon, không bị thâm nhũn

Việc đầu tiên bạn cần làm là dùng dao cạo nhẹ để loại bỏ lớp màng đen trên bề mặt nấm rơm, rồi rửa với nước cho đến khi nước rửa không còn bị đục. Sau đó, để nấm rơm ráo nước hoàn toàn.

Mách bạn cách bảo quản nấm rơm 10 ngày vẫn giòn ngon, không bị thâm nhũn - Ảnh 2.

Cạo hết lớp màng đen trên nấm rơm, rửa sạch và để ráo (Nguồn: @thuhoa.234)

Tiếp theo, bạn băm nhỏ khoảng 2-3 củ hành tím và phi thơm với 1-2 thìa cà phê dầu ăn. Khi hành dậy mùi thơm, bạn cho phần nấm rơm đã sơ chế vào. Đảo đều nấm trên lửa to khoảng 1-2 phút.

Mách bạn cách bảo quản nấm rơm 10 ngày vẫn giòn ngon, không bị thâm nhũn - Ảnh 3.

Lưu ý quan trọng: Không nêm gia vị, đặc biệt là muối khi xào nấm rơm và không xào nấm quá 2 phút (Nguồn: @thuhoa.234)

Cuối cùng, bạn đợi cho nấm nguội hoàn toàn rồi cho nấm vào hộp, chắt bỏ tối đa lượng nước tiết ra trong quá trình xào. Nếu dùng hết phần nấm đã sơ chế trong 2-3 ngày, bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn hãy để trong ngăn đông.

Mách bạn cách bảo quản nấm rơm 10 ngày vẫn giòn ngon, không bị thâm nhũn - Ảnh 4.

Cho nấm đã xào sơ vào hộp có nắp kín, bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông đều được (Nguồn: @thuhoa.234)

Bảo quản nấm rơm theo cách này, nấm vẫn giữ được độ giòn và độ tươi ngon, không bị nhớt hay thâm nhũn nên bạn hãy lưu lại để áp dụng khi cần nhé!

Một vài công dụng của nấm rơm mà có thể bạn chưa biết

1. Nâng cao sức đề kháng

Nấm rơm có chứa Ergothioneine - một chất chống oxy hóa mạnh có trong các loại nấm với tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do, giúp nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng do nấm men hoặc vi khuẩn. Ngoài ra, nấm rơm còn có thể giúp tăng khả năng chữa lành vết loét hoặc vết thương. Hàm lượng cao các loại vitamin A, nhóm B và C có trong nấm rơm tự nhiên rất hữu ích cho hệ thống miễn dịch.

2. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Nấm rơm có hàm lượng cao các loại khoáng chất, hai trong số đó là kali và đồng. Chúng ta biết rằng đồng có đặc tính chống vi khuẩn, giữ cho các cơ quan nội tạng tránh khỏi sự tấn công của các loại vi khuẩn gây bệnh. Hàm lượng kali cao của nấm rơm rất tốt cho việc duy trì chức năng của các mạch máu trong cơ thể. Do đó, ăn nấm rơm giúp nâng cao và duy trì sức khỏe tim mạch rất tốt.