Khi mua sắm trở thành đam mê thì chỉ cần nghe tiếng gọi "giảm giá", các tín đồ sẽ lên đường chinh phục các món đồ mình thích.
Song xung quanh mức giá hấp dẫn ấy luôn tiềm ẩn nhiều chiêu trò kinh doanh, nếu không cẩn thận chúng ta rất dễ bị "sập bẫy" trước khi mua được món đồ giảm giá "sập sàn" in trên tờ bìa quảng cáo.
Vậy nên trước khi quyết định mua một món đồ giảm giá, bạn nên cân nhắc, suy tính cho thật kỹ để tránh tự đưa mình vào "bẫy" của người bán.
Dưới đây là 1 số cách giúp chị em có thể tự tin mua hàng sale mà không lo bị lừa:
1. Cân nhắc thật kỹ trước khi mua
Mua hàng giảm giá là cách tối ưu tiết kiệm tài chính, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình mua hàng. Bạn nên nhớ: "Chỉ có người mua nhầm, không có người bán nhầm".
Để thu hút khách hàng, trong mỗi lần sale giảm giá, chủ cửa hàng sẽ dùng nhiều cách để kích thích nhu cầu mua sắm của khách như phiếu quà tặng, bốc thăm trúng thưởng, hay mua 1 tặng 1…, nghe rất hấp dẫn.
Tuy nhiên đây thực chất chỉ là chiêu trò kích cầu. Thậm chí nhiều cửa hàng còn có chương trình tặng quà trực tiếp khi mua sản phẩm. Nếu khách hàng không để ý sẽ khó nhận ra những món quà tặng đó không hề miễn phí. Để nhận được gói quà kèm theo ấy, sản phẩm chính bạn chọn mua đã bị đẩy lên một nấc giá mới.
Vậy nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ, xem món đồ nào mình thật sự cần hãy mua, đừng để mắc bẫy người kinh doanh. Tránh cảnh hàng mua nhiều không dùng hết, mà giá cả không hề phải chăng như bạn tưởng.
2. Kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm
Hàng hóa giảm giá thường là những sản phẩm bị tồn kho, hoặc là mặt hàng còn số lượng ít, hết size, khó tránh khỏi hàng bị hỏng, lỗi.
Nếu mua hàng giảm giá trực tiếp tại cửa hàng, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm khá dễ dàng. Ngược lại mua hàng giảm giá online, bạn sẽ khó kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán, nhận hàng. Do đó, ngay khi nhận hàng, bạn nhớ phải chụp hoặc quay lại tình trạng của sản phẩm để khiếu nại, yêu cầu đổi trả khi phát hiện hàng có vấn đề.
3. So sánh giá trước và sau khi giảm
Mỗi dịp lễ lớn, các cửa hàng đồng loạt chạy chương trình giảm giá 50%, 80% hay đồng giá 99.000đ, 199.000đ, 299.000, 499.000, hoặc "giảm giá kịch sàn", "vỡ sàn", "đập sàn", thậm chí để thu hút khách, chủ cửa hàng còn treo biển: "Giá rẻ như cho, thanh lý trả mặt bằng"... Thu hút được nhiều sự chú ý của các tín đồ mua sắm.
Đánh đúng tâm lý người tiêu dùng, cửa hàng thật sự kéo được rất nhiều khách vào mua hàng. Song thực chất giá gốc của các món đồ đã được nâng lên để khi giảm giá vẫn bằng mức giá gốc hoặc cao hơn. Cũng không có chuyện "thanh lý trả mặt bằng nào hết", đó chỉ là 1 "đòn tâm lý" của người bán mà thôi.
Để tránh bị lừa, bạn nên tham khảo giá của hàng hóa, sản phẩm cùng mẫu mã ở những cửa hàng gần đó hoặc trang mạng xã hội trước khi rút ví mua đồ.
4. Lưu ý phí vận chuyển
Tâm lý người mua hàng thường chỉ quan tâm tới giá sản phẩm mình chọn mua được giảm giá. Thấy giá rẻ hơn những ngày bình thường là sẵn sàng rút ví. Tuy nhiên khi mua hàng giảm giá online bạn cần lưu ý tới phí vận chuyển, phí ship.
Đã có rất nhiều người than thở rằng họ chọn mua đồ online được giảm giá theo đúng chương trình quảng cáo nhưng khi nhận hàng, phí vận chuyển lại bị đội lên cao hơn ngày bình thường rất nhiều. Tính ra sản phẩm mua được lại thành đắt chứ không hề rẻ nữa.
Đây là một trong những mánh khóe của đơn vị bán hàng online khi chạy sự kiện hàng hóa giảm giá. Do vậy trước khi đặt hàng giảm giá online bạn đừng quên hỏi cửa hàng về phí ship trước.