Việt Nam
Trong mâm cơm của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về không thể thiếu bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… Đây là những món ăn truyền thống tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy để thể hiện lòng thành kính với đất trời, tổ tiên. Bên cạnh đó, tùy theo vùng miền sẽ có những món ăn đi kèm khác nhau phù hợp với truyền thống nơi họ sống.
Hàn Quốc
Mâm cơm của người Hàn Quốc luôn nổi tiếng cầu kì nhiều món ăn phụ. Đêm giao thừa, mâm cơm cúng của họ lên đến 20 món ăn truyền thống. Ttok-kuk (một loại canh được chế biến từ bò và gà) là món không thể thiếu, ăn kèm cùng kim chi.
Triều Tiên
Cùng một dải đất nhưng khác với Hàn Quốc, món ăn truyền thống những ngày tết của Triều Tiên là “cơm thuốc”. Món ăn này được chế biến bằng cách đem gạo hấp qua sau đó trộn cùng mật ong, táo, hạt dẻ, nhân hạt tùng, mỡ, tương… Được gọi là cơm thuốc vì từ xưa, người Triều Tiên gọi mật là thuốc. Họ quan niệm rằng nếu sử dụng loại đồ ăn đặc biệt này vào đầu năm thì cả năm sẽ may mắn, sung túc nên thường đem thết khách đến chơi, cúng gia tiên.
Trung Quốc
Với quan niệm tránh ăn những con vật tượng trưng cho năm mới, mâm cơm của người Trung Quốc rất đa dạng các loại đồ ăn. Bánh tổ (Nian Gao) là món truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình dịp Tết Nguyên đán. Bánh tổ được làm từ gạo nếp dẻo, đường thắng, cùng chút gừng để làm ấm cơ thể và dậy mùi bánh. Vì loại bánh này rất dẻo nên người Trung Quốc quan niệm ăn bánh tổ sẽ gắn kết các thành viên trong gia đình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Ngoài ra, họ còn nhiều món ăn đi kèm khác nữa như há cảo, thịt muối, gỏi cá, vịt quay, gà Kung Pao,…
Singapore
Nếu như bánh chưng hay bánh tét là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết ở Việt Nam thì đối với Singapore sẽ là món gỏi Yusheng. Yusheng có nghĩa là cá sống mang ý nghĩa sẽ giúp cuộc sống thêm thịnh vượng. Thực phẩm trang trí trên Yusheng đều có ý nghĩa riêng của nó: cà rốt để cầu phát đạt, dưa leo là trẻ mãi không già, chút dầu ăn rưới lên trên với ngụ ý một năm may mắn, phát tài phát lộc.