Khi đã hẹn hò và yêu nhau đủ lâu, cô gái nào cũng muốn nhận được lời cầu hôn của bạn trai, đặc biệt là khi cả hai đều đã tới tuổi dựng vợ gả chồng. Tuy nhiên, phụ nữ cũng nên tỉnh táo, đừng vì quá mong ngóng một lời cầu hôn mà nhận lời ngay tắp lự, nếu người đàn ông đang quỳ gối ngỏ lời muốn rước bạn về làm vợ có 3 biểu hiện dưới đây.

1. Lời cầu hôn không hề chỉn chu

Để đánh giá lời cầu hôn có "thật tâm" và chỉn chu hay không, bạn hãy tạm gạt bỏ khỏi tâm trí ý niệm về những khoảnh khắc cầu hôn như trong phim. Không nhất thiết phải là một không gian quá đắt tiền như nhà hàng 5 sao với đầy nến, hoa và nhẫn kim cương mới được coi là lời cầu hôn "đâu ra đấy". Tùy vào điều kiện của mỗi cá nhân mà địa điểm, bối cảnh cầu hôn sẽ khác nhau.

Điều bạn cần quan tâm chính là công sức anh ấy đã bỏ ra để chuẩn bị cho lời cầu hôn này. Một vài ví dụ vô cùng đơn giản, dễ hình dung để nhận diện một lời cầu hôn chân thành: Trang phục anh ấy mặc, địa điểm anh ấy lựa chọn và biểu cảm của anh ấy khi quỳ gối.

Màn cầu hôn đầu tư, hoành tráng đến mấy phụ nữ cũng đừng vội gật đầu nếu anh ấy có 3 biểu hiện này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đến đi xin việc, người ta còn cần ăn vận chỉn chu thì không lý gì một người đàn ông lại có thể mặc quần đùi khi cầu hôn bạn gái. Nếu địa điểm anh ấy chọn không phải là một nơi khác biệt so với những nơi hai người thường hẹn hò, hãy cân nhắc. Cuối cùng, nếu anh ấy chẳng có vẻ gì là hồi hộp, xúc động khi ngỏ lời, rất có thể anh ấy chỉ cầu hôn cho có, cho xong vì chắc mẩm kiểu gì bạn cũng sẽ gật đầu.

2. Anh ấy cầu hôn trong khoảng thời gian hai người đang có xích mích

Được bạn trai chủ động dỗ dành, xin lỗi khi cãi vã là mong muốn chung của không ít cô gái. Tuy nhiên, nếu anh ấy cầu hôn bạn thay cho lời xin lỗi khi cả hai đang có xích mích, đây là một tín hiệu không được tốt cho lắm.

Hãy nghĩ thế này: Đang yêu nhau, anh ấy có thể quỳ gối cầu hôn để dỗ dành bạn. Vậy đến lúc về chung một nhà, chẳng may có bất đồng, liệu người chồng của bạn có thể làm gì hơn để hóa giải mâu thuẫn nữa đây, khi cấp độ cao nhất để thay cho lời xin lỗi - là lời cầu hôn, thì anh ấy đã dùng rồi?

Giải thích như vậy để bạn hiểu rằng đối thoại trực tiếp trong sự bình tĩnh và sẵn sàng lắng nghe đối phương mới là cách "làm lành" của người trưởng thành. Bởi hôn nhân đâu chỉ có mỗi màu hồng và người ta cũng chẳng thể bên nhau cả đời nếu chỉ dựa vào sự lãng mạn.

3. Lời cầu hôn trái ngược hoàn toàn với tính cách của bạn

Sự thấu hiểu là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng và duy trì một cuộc hôn nhân bền vững. Nếu tinh ý, bạn có thể nhận ra ngay liệu rằng người đang cầu hôn mình có nghĩ cho mình và có hiểu mình hay không.

Màn cầu hôn đầu tư, hoành tráng đến mấy phụ nữ cũng đừng vội gật đầu nếu anh ấy có 3 biểu hiện này - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Thông thường, tâm lý chung của đàn ông khi chuẩn bị cầu hôn sẽ là nghĩ về những điều mà người phụ nữ của họ thích. Không phải người đàn ông nào cũng thích hoa hồng nhưng tại sao phần lớn những lời cầu hôn đều có hoa hồng? Vì đó là điều phần lớn phụ nữ đều thích!

Nếu bạn vốn là một người hướng nội, không thích chốn đông người hay ngại việc công khai những chuyện riêng tư cho nhiều người khác biết, mà anh ấy lại cầu hôn bạn ở một nơi ồn ã như phố đi bộ chẳng hạn, chứng tỏ anh ấy chẳng nghĩ cho bạn lắm đâu.

Đã có rất nhiều trường hợp cầu hôn rất rình rang nhưng sau cùng, ở với nhau chưa được bao lâu đã đường ai nấy đi. Đương nhiên, một cuộc hôn nhân lâu dài hay "sớm nở tối tàn" còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà chỉ có những người trong cuộc mới tường tận được.

Nhưng mong phụ nữ hãy có đủ tỉnh táo và lý trí để hiểu rằng cách một người đàn ông cầu hôn bạn cũng nói lên rất nhiều điều về sự chân thành cũng như trưởng thành của anh ấy, chỉ là bạn có nhận ra hay không mà thôi. Đừng để một khoảnh khắc hạnh phúc cao trào làm lu mờ lý trí, để nhận lời cầu hôn khi chưa kịp nghĩ kỹ, nghĩ xa.