Trên các diễn đàn, chủ đề kèm con học luôn rôm rả, bao nhiêu tình huống dở khóc dở cười khi chia sẻ luôn nhận được sự đồng cảm sâu sắc từ những vị phụ huynh khác. Dù đã ngàn lần luôn tự nhắc mình phải hít thở sâu, bình tĩnh khi dạy con học nhưng đôi khi dạy mãi không hiểu, đám trẻ lơ là, là người lớn như mất hết năng lượng, lại "nổi điên" với con.
Một bà mẹ mới đây cũng gây bão MXH khi chia sẻ video dạy con học. Ban đầu, người mẹ lấy 3 quả nho ra làm "đạo cụ". Cô bé tỏ vẻ rất thành thục khi đếm và trả lời đúng ngay lập tức: 3 quả nho.
Tuy nhiên, khi chuyển qua bài tập đếm số quần trong sách, dù chỉ tay và đọc rõ 1, 2, 3, 4 nhưng khi mẹ hỏi lại kết quả cuối cùng: "Vậy có bao nhiêu cái quần", đáp án cô bé đưa ra là 3.
Những lần "thử thách" sau đó tình hình vẫn không khả quan hơn. Rõ ràng khi đếm thì có 4 cái quần nhưng câu trả lời sau cùng của bé vẫn là 2, 3 rồi "không biết" khiến người mẹ chưng hửng.
Theo mô tả của chị thì "Nước mắt rơi từ 2 đến 5h chiều, "cuộc chơi" chưa kết thúc" bởi con cứ học đếm số một đường lại cho ra kết quả một nẻo.
Video khiến ai nấy không nhịn được cười. Nhiều người đùa, hẳn cô bé này "có thù" với số 4 nên cứ nhất định phải né con số này ra. Một số cho rằng, dù người mẹ có "lên tăng xông" thật nhưng nhìn đôi mắt to tròn ngơ ngác, đáng yêu của con hẳn là không giận nổi.
Làm sao để giữ bình tĩnh khi dạy con học?
Trên thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp khi dạy con, do không kiềm chế được cảm xúc, nhiều ông bố, bà mẹ đã to tiếng.
Trẻ em - đặc biệt là các bé mới "chân ướt chân ráo" bước vào tiểu học, vẫn còn nhỏ, ham chơi và lơ đãng. Việc cha mẹ gây áp lực, đe dọa dùng bạo lực… khi kèm cặp con học sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các em.
Nói về việc giữ tâm trạng ổn định khi dạy con học, chị Nguyễn Ngọc Bích, một bà mẹ 2 con ở Hà Nội cho biết, thay vì giận dữ, lên "tăng xông", mỗi lần như thế chị lại bình tĩnh và cười xòa. Chị cho rằng bí quyết chẳng có gì ghê gớm, đơn giản chị luôn tâm niệm những điều sau đây:
1. Đầu tiên là phụ huynh hãy nghĩ thật kỹ xem, ngày xưa mình đi học có từng ngớ ngẩn như thế này không? Mình không giỏi -> con mình không giỏi –> chuyện quá bình thường. Con mình có ngơ ngác không làm nổi bài cũng bình thường nốt. Chúng ta không việc gì phải tăng xông khi con không làm được bài.
2. Thứ hai, các anh chị hãy nghĩ xem, con mình có khả năng gì? Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa... cái nào là thế mạnh? Môn nào thế mạnh thì thôi khỏi bàn, môn nào không phải thế mạnh cũng bình thường.
3. Sau đó, các anh chị hãy xem lại và điều chỉnh mục tiêu kỳ vọng cho từng giai đoạn của con cho phù hợp. Ví dụ với chị Bích, hết lớp 1 chỉ mong đọc thông viết thạo, biết cộng trừ, nên khi nó đọc được 1 bài hoàn chỉnh (dù có vấp váp đôi chỗ), chị cũng thấy hài lòng. Chữ con có xấu nhưng bù lại ít sai chính tả, mẹ vẫn đọc được, thế cũng mừng lắm. Đừng kỳ vọng quá vào trẻ, hãy nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con mà điều chỉnh kỳ vọng của cha mẹ cho phù hợp để không bị bực mình mỗi khi con không đạt được điều bố mẹ mong.
4. Thứ 4, sau khi đã làm được 3 việc trên rồi, hãy nhớ rằng, càng quát mắng trẻ càng cuống, càng vặn vẹo nhiều trẻ càng bối rối. Hãy để con tự làm bài trong một khoảng thời gian nhất định. Việc của mình là kiểm tra lại, chỗ nào con đúng thì khen: Con làm đúng rồi đây này, tốt lắm; chỗ nào con sai thì đánh dấu bảo: Con suy nghĩ lại thử xem nên làm thế nào cho đúng nhé.
Hãy dành cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để con tập suy nghĩ xem sao, gợi ý bằng cách đặt các câu hỏi xung quanh bài, khi con trả lời sai, hãy cười với con vì bố mẹ để ý sẽ thấy con trả lời siêu ngây ngô và buồn cười.
5. Thứ 5, hãy nói thẳng cho trẻ biết cảm xúc của bố mẹ: Bố mẹ đang rất cố gắng kiên nhẫn/đang cố giữ bình tĩnh để giảng lại bài này cho con đấy, nên con và bố mẹ cũng cố nhé.
6. Thứ 6, bất cứ khi nào cảm thấy mất bình tĩnh với con, ngửa mặt lên trời, hít thật sâu và mỉm cười: Thôi đi ngủ con ạ, lúc khác chúng ta giải lại bài này. Thường thì chị Bích sẽ nhờ cô giáo giảng lại, hoặc sẽ ngồi mày mò lại cách học của con để giảng lại vào một lúc khác khi cả hai đều vui vẻ và thoải mái.
Còn nếu có trót quát mắng rồi, hãy dịu giọng và thành thật mà nói: "Mẹ xin lỗi em, mẹ sai rồi. Mẹ không nên mắng em như thế, mẹ con mình bình tĩnh để cùng giải lại bài này nhé!". Thường thì những đứa con luôn rất vị tha, sẵn sàng nhoẻn một nụ cười tha thứ.
Học giỏi không có nghĩa là thành công, cứ để con học bằng sự vui vẻ và háo hức, nó sẽ tiến xa hơn kỳ vọng của anh chị rất nhiều mà khỏi nhọc công quát tháo.