Miriam Rodriguez là một người mẹ đến từ San Fernando, Mexico. Vào năm 2014, con gái của bà, Karen, 20 tuổi đã bị các thành viên của nhóm băng đảng Mexico bắt cóc và cướp đi mạng sống. Từ đó, Rodriguez đã quyết tâm tự mình truy lùng thủ phạm đã hãm hại con gái mình.
Vào ngày 23/1/2014, khi cô gái trẻ Karen đang trên đường lái xe tới San Fernando, bỗng dưng có hai chiếc xe tải lạ mặt tiếp cận áp sát xe của cô. Những người đàn ông có vũ trang đột nhập vào xe và nhanh chóng giành chiếm quyền kiểm soát.
Sau khi biết tin Karen mất tích, Rodriguez và gia đình đã dành nhiều tuần để tìm lại con gái. Họ biết Karen bị một nhóm băng đảng Zetas bắt cóc. Zetas là một nhánh của băng đảng Vùng Vịnh, chuyên bắt cóc và tống tiền người vô tội.
Theo New York Times, người nhà của Karen đã đáp ứng mọi nhu cầu của băng đảng. Chúng khủng bố gia đình cô gái bằng hàng loạt cuộc điện thoại và lời đe dọa. Nếu muốn nhận lại con gái thì gia đình phải đưa cho chúng một khoản tiền chuộc. Gia đình Karen phải vất vả đi vay nợ, rồi bí mật để lại số tiền tại một địa điểm như đã hẹn trước. Nhưng sau tất cả, chúng nuốt lời và không giao lại Karen.
Khi không còn lựa chọn nào cả, Rodriguez đánh liều đề nghị gặp mặt trực tiếp một thành viên của băng đảng và chúng đồng ý. Thế nhưng, đây là một chiêu trò khác, bởi kẻ này không hề biết Karen đang ở đâu nhưng lại đề nghị giúp bà tìm con gái với số tiền công là 2.000 đô la (47,4 triệu VNĐ). Rodriguez tiếp tục đồng ý với thỏa thuận, nhưng kịch bản vẫn lặp lại, bà không tìm được thông tin của cô con gái mất tích, còn kẻ lừa đảo chiếm đoạt số tiền và cao chạy xa bay.
Nhưng lần này, bà có trong tay một thông tin cực kỳ đáng giá: tên của kẻ lừa đảo - Sama.
Hành trình tìm kiếm công lý đơn độc của người mẹ
Với nguồn thông tin ít ỏi trong tay, Rodriguez đã phát hiện manh mối đầu tiên. Sau khi tìm thấy thông tin cá nhân và hình ảnh của Sama trên Facebook, Rodriguez để ý đến một bức ảnh trong đó Sama chụp hình với một người phụ nữ. Bà xác định được vị trí của họ thông qua bộ đồng phục mà người phụ nữ mặc, chính là của cửa hàng kem ở Ciudad Victoria, thủ phủ bang Tamaulipas.
Bà đã tìm đến cửa hàng, dành hàng giờ đợi bên ngoài cho tới khi Sama xuất hiện đón người phụ nữ, rồi bà bám theo hắn và tìm được địa chỉ nhà của Sama. Nhưng như thế là chưa đủ. Để dễ dàng thám thính quanh khu phố của hắn mà không bị phát hiện, Rodriguez nhuộm tóc đỏ, thay đồ rồi giả vờ tiếp cận hàng xóm xung quanh với danh nghĩa một nhân viên đang tiến hành khảo sát xã hội.
Sau khi thu thập được các thông tin hữu ích. Bà tìm đến chính quyền để tìm kiếm sự trợ giúp nhưng bị phớt lờ. May mắn thay, một viên cảnh sát tốt bụng sẵn sàng bước ra giúp đỡ bà. Vị cảnh sát giấu tên cho biết: “Khi bà đưa ra các tài liệu, tôi chưa từng thấy một nguồn thông tin nào tỉ mỉ, chi tiết như thế này. Khả năng thu thập thông tin của người phụ nữ thật đáng kinh ngạc”.
Theo thông tin của Rodriguez, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ Sama. Hắn đã cung cấp tên của những thành viên trong băng đảng, làm sáng tỏ thêm vụ án của Karen. Qua đó, bà biết được Karen đã bị sát hại ở một trang trại.
Tại hiện trường, Rodriguez tìm thấy khăn quàng của con gái, tấm đệm trên xe và một chiếc xương đùi. Đây là cú sốc tinh thần rất lớn với bà, và bà tự nhủ sẽ chiến đấu tới cùng vì công lý cho con gái.
Một mình chiến đấu với 10 thành viên băng đảng
Rodriguez phải truy bắt tổng cộng 10 kẻ bắt cóc con gái bà. Nhiều kẻ giờ đây đã rời khỏi băng đảng để bắt đầu cuộc sống mới, nhưng bà nhất quyết không bỏ qua cho kẻ nào. Bà phẫn nộ và tuyên bố trước cộng đoàn nhà thờ: “Lòng thương xót của chúng ở đâu khi chúng sát hại con gái tôi?”.
Trong ba năm tiếp theo, Rodriguez đã cải trang liên tục: từ thay đổi kiểu tóc cho đến đóng giả làm nhân viên xã hội, tất cả chỉ để thu thập thêm thông tin hữu ích.
Có lần, bà gặp một tên đã rời bỏ băng đảng để đi bán hoa. Vì quá vội vàng mà Rodriguez quên cải trang, khiến tên đó nhận ra bà và bỏ chạy. Tuy nhiên, Rodriguez tóm gọn và khống chế hắn bằng vũ khí trong hơn một giờ để đợi cảnh sát đến xử lý. Dần dần, chỉ trong 3 năm mà bà đã bắt đủ 10 tên. Hành động quả cảm của Rodriguez lan truyền khắp San Fernando. Mọi người ca ngợi bà vì công cuộc đấu tranh cho công lý mà không màng đến tính mạng bản thân.
Trả lời New York Times, bà khẳng định: “Tôi không quan tâm nếu chúng có giết tôi hay không, bởi tôi đã chết từ ngày chúng lấy mạng con gái tôi. Tôi muốn đối đầu với chúng và chúng muốn làm gì tôi cũng được”. Thật không may, những lời nói này như thể đã dự báo trước kết cục buồn của bà.
Cái kết của một người mẹ quả cảm
Vào tháng 3/2017, 29 tù nhân đã đào tẩu và trốn khỏi nhà tù ở Ciudad Victoria, nơi những kẻ bắt cóc Karen bị giam giữ. Trong 29 tù nhân này có cả những kẻ lúc trước bà đã tống vào tù. Trước tình hình nguy cấp, Rodriguez yêu cầu nhận được sự bảo vệ của cảnh sát.
Thế nhưng vào ngày 10/5/2017, ngày lễ của mẹ ở Mexico, một chiếc Nissan trắng của băng đảng dừng trước cửa nhà bà. Chúng bắn Rodriguez tổng cộng 12 phát rồi tẩu thoát nhanh chóng. Chồng bà phát hiện bà nằm gục trước nhà, tay đang đút vào ví chuẩn bị móc ra vũ khí.
Cái chết của Rodriguez làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân. Thống đốc Francisco Javier Garcia Cabeza de Vaca đã viết trên Twitter: “Chính quyền Tamaulipas sẽ không cho phép cái chết của Miriam Rodriguez trở nên vô nghĩa”.
Sau đó chính phủ đã bắt giữ được hai kẻ giết Rodriguez, còn lại một phần ba trong số đó đã mất mạng trong một cuộc đấu súng. Tổ chức của Rodriguez đã lập nên khi còn sống, Colectivo de Desaparecidos de San Fernando (Tổ chức San Fernando dành cho những người đã mất tích) cũng dần tan rã sau cái chết của bà.
Đáng buồn hơn, câu chuyện của Rodriguez không phải là trường hợp duy nhất. Theo báo cáo của BBC, khoảng 100.000 người đã mất tích ở Mexico kể từ năm 2007, khi tổng thống lúc bấy giờ tuyên bố về “cuộc chiến chống ma tuý”.
Cuộc chiến của bà Rodriguez đã khiến đất nước Mexico thay đổi, các luật lệ được siết chặt, và người dân càng lên án cái ác hơn. Những người từng trải qua nỗi mất mát giống như Rodriguez sẽ nhớ mãi hình ảnh của một nữ chiến binh mạnh mẽ ẩn dưới hình hài của một bà mẹ tuổi trung niên, để nhờ đó được tiếp thêm động lực sống và chiến đấu vì chính nghĩa.