Hoài nghi thần dược
“Tôi chưa thấy báo cáo nào trên thế giới có tính thuyết phục về khả năng mãng cầu xiêm chữa ung thư”
GS.TSKH Trần Văn Sung
PGS.TS Phạm Duy Hiển, Hội Ung thư Việt Nam cho hay, ông rất hoài nghi hiệu quả chữa bệnh ung thư kỳ diệu của mãng cầu xiêm mà một số nguồn tin nước ngoài công bố. “Có tới 80-90% tân dược hiện nay được sản xuất từ các thành phần từ thiên nhiên”, TS Hiển – một trong những chuyên gia hàng đầu về ung thư ở Việt Nam, nói. “Tuy nhiên, tôi không thể tưởng tượng nổi một hoạt chất thiên nhiên lại có sức công phá tế bào ung thư đường ruột mạnh gấp 10.000 lần so với adriamycin, sản phẩm hóa trị liệu đang được dùng phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay”.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, trong 40 năm hành nghề y dược học cổ truyền, ông chỉ biết mãng cầu xiêm là một loại quả phổ biến ở các tỉnh phía nam và được dùng thường xuyên, chủ yếu dưới dạng sinh tố. Nhưng ông chưa hề thấy thông tin tin cậy nào về việc mãng cầu xiêm có thể chữa ung thư.
Nước ta cũng có các nghiên cứu dùng cây cỏ, trái cây để chữa ung thư như trinh nữ hoàng cung, xạ đen, thông đỏ. Dân gian cũng có kinh nghiệm dùng cây cỏ, trái cây để phòng ngừa và chữa trị ung thư. Nhưng tất cả đều còn rất hạn chế. “Có thông tin dân gian ở nước này, nước nọ dùng mãng cầu xiêm điều trị viêm tấy, phòng cao huyết áp, chữa đau nhức khớp, phát ban, mất ngủ. Việc này không liên quan đến khả năng chữa ung thư của mãng cầu xiêm”, Lương y Trung lý giải.
Dù chưa có thừa nhận chính thức nào, mãng cầu xiêm vẫn được nhiều người coi là thứ trị được ung thư.
Nếu cần thiết sẽ đề xuất nghiên cứu
Theo TS Trần Huệ Oanh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ&Đào tạo (KHCN&ĐT), Bộ Y tế, cơ quan bà thường xuyên nhận được thông tin phát hiện về cây, cỏ, động vật có tác dụng chữa bệnh. Sau đó, Bộ Y tế thường giao cho các đơn vị chuyên môn như Viện Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược TP HCM, v.v..., khảo sát và xác định độ tin cậy của thông tin. Trường hợp cần thiết, Cục KHCN & ĐT sẽ tư vấn để lãnh đạo Bộ cho phép triển khai nghiên cứu hay không.
“Mãng cầu xiêm là cây phổ biến ở Việt Nam và cũng có nhiều nghiên cứu về loài cây này”, TS Trần Huệ Oanh nói. “Tuy nhiên, về tác dụng chữa ung thư đặc hiệu, cần xem xét lại các kết quả nghiên cứu đã có để có hướng giải quyết tiếp theo. Phương châm chung là đảm bảo tính khả thi trong khai thác tối đa nguồn thuốc để bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân”.
GS.TSKH Trần Văn Sung, thành viên Hội đồng Khoa học ngành ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cho hay: “Tôi chưa thấy báo cáo nào trên thế giới có tính thuyết phục về khả năng mãng cầu xiêm chữa ung thư. Dù thế, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tìm hiểu tác dụng chữa bệnh của mãng cầu xiêm, sẵn sàng bỏ phiếu cho những ai dám tìm tòi và thẩm định thông tin”.
Vẫn theo TS Sung, cách đây gần hai tháng, Hội đồng Khoa học ngành gồm 19 thành viên của Viện Hàn lâm KHCN VN , trong đó có ông, đã bác bỏ đề xuất một đề tài cấp Bộ liên quan đến mãng cầu xiêm. Một nhóm nhà khoa học đã đề xuất nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của mãng cầu xiêm trong điều trị chống ung thư. Đề xuất bị loại vì chưa hội đủ cơ sở khoa học cần thiết để đưa đề tài vào diện phê duyệt cấp Bộ.
“Tốt nhất nên đề xuất ở cấp cơ sở trước”, GS.TSKH Trần Văn Sung – nguyên Viện trưởng Viện Hóa học, đề nghị. “Nếu kết quả bước đầu hứa hẹn, đăng ký nghiên cứu dưới dạng đề tài cấp Bộ cũng chưa muộn. Đi tìm thần dược chống ung thư là khát vọng hàng trăm năm nay của nhân loại chứ không riêng gì Việt Nam. Dành một vài năm thăm dò một vấn đề quá vĩ đại như thế này là sự cẩn thận không thừa”.
Chuyên gia môi trường Trần Nguyễn Anh Thư, thành viên Mạng lưới Môi trường Việt Nam, cho rằng bài học có giá trị nhất hiện nay từ câu chuyện mãng cầu xiêm không phải là nó có thực sự chữa được ung thư hay không; thay vào đó, là cơ hội để thức tỉnh cách ứng xử tham lam và dại dột của con người với tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt.