Đàm Vĩnh Hưng làm gì khi làm bolero?
Nhiều người thắc mắc khi liveshow lần này của Đàm Vĩnh Hưng dường như hơi thiếu ồn ào. Không có scandal nào được đính kèm với "Sài Gòn bolero và Hưng", ít nhất là cho tới thời điểm này. Còn "ông hoàng nhạc Việt" thì "xin thề anh nói thật", rằng chưa bao giờ anh cố ý tạo ra scandal trước mỗi liveshow mà hoàn toàn là chuyện của… ông Trời. "Thề danh dự, tôi nói ở đây có người âm, có quỷ thần, nếu như tôi nói dối thì mai bay về khỏi gặp lại họ hàng người thân."
Đàm Vĩnh Hưng trong buổi họp báo giới thiệu liveshow chiều 26/7 tại Hà Nội.
Hãy cứ tạm tin. Vì hiện thời Mr Đàm cũng chưa bị ngã chảy máu chân, nhà anh chưa ngập lụt và anh cũng đang không cãi lộn với ai. Vả lại, có vẻ như bao nhiêu chất xám đầu tư cho chiêu trò đã được dồn cả lên sân khấu của liveshow lần này.
Sài Gòn bolero và Hưng là một liveshow bolero kiểu… bụi đời, giang hồ hay đường phố, hoặc đại loại như thế. Toàn bộ bối cảnh phố phường Sài Gòn những năm 60 với những con đường nhộn nhịp người xe, những phòng trà vũ trường hào nhoáng, rạp hát Cao Đồng Hưng lừng lẫy, thương xá Tax xa hoa náo nhiệt, nhà ga xe lửa tấp nập đón đưa… sẽ được tái hiện bằng mô hình thật trên sân khấu. Ngay cả những tấm màn nhung ánh sáng cũng được kết thủ công từ 2.500 chiếc bóng sợi tóc.
Và vì không sử dụng màn hình trình chiếu nên toàn bộ hoạt cảnh cũng diễn ra thật trên sân khấu với dàn diễn viên minh họa lên tới gần trăm người. Trong đó bao gồm cả những cô gái "hoa nở về đêm" lả lướt tựa cột đèn nhòe nhoẹt phấn son rẻ tiền trên môi má cùng các tín đồ hippi từng quậy tưng đường phố khu vực gần thương xá Tax một thời vàng son hoa lệ… Chi phí cho riêng phần bối cảnh và di chuyển đội ngũ thợ thủ công ra Hà Nội thực hiện liveshow này hết 10 tỉ đồng theo tiết lộ của đạo diễn Trần Vi Mỹ. So với lần chơi sang ở "Thương hoài ngàn năm 2" với dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng đúng tiêu chuẩn châu Âu thì "Sài Gòn bolero và Hưng" xem ra còn tốn kém gấp nhiều lần chỉ để làm ra một thứ bolero… giang hồ.
Các ca sĩ hạng A khác khi làm show họ thường phó mặc cho tổng đạo diễn, còn Đàm thì can dự vào tất thảy mọi thứ. Tự tay chuẩn bị từng bộ trang phục, đi sắm từng cái phụ kiện, nắn nót từng cái tên show, chỉnh trang từng tấm poster, thậm chí lục lọi các trang bách khoa toàn thư về Sài Gòn những năm 60 để mua đúng thứ nước hoa Salomé của dân thượng lưu ngày ấy đem về xịt khắp khán phòng cho đặc quánh Sài Gòn, ai không muốn hoài niệm cũng chẳng đặng.
Hình thức là thế, nội dung thì có gì? Nhạc đám ma đúng "chuẩn" mà dân Sài Gòn vẫn được nghe vào giờ động quan trước bình minh. Những bản nhạc mà đã lâu người yêu bolero trước năm 75 chưa được nghe lại bởi đến giờ Đàm Vĩnh Hưng mới xin cấp phép. Một chút điểm nhấn phá phách với jazz pha sến. Một sáng tác bolero mới toanh dài tới 9 phút dành cho cuộc phối giọng cùng Hoài Lâm. Một tiết mục song ca cùng… nữ nghệ sĩ quá cố Thanh Nga! Đừng thắc mắc Mr. Đàm làm gì với những màn diễn điên rồ ấy. Điên là năng khiếu của Đàm.
Chẳng có đam mê hão huyền nào, đơn giản là một sự tính toán
15 năm trước, trong album đầu tay "Bình minh sẽ mang em đi", Đàm Vĩnh Hưng đã rón rén chạm vào bolero với ca khúc "Xin dìu nhau đến tình yêu". Chẳng ai thèm để ý đến. 2 năm sau, Đàm Vĩnh Hưng mạnh dạn thực hiện hẳn một liveshow với nhiều bản nhạc "sến" mang tên "Thương hoài ngàn năm" mà thành công phần lớn nằm ở bàn tay dàn dựng của cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền. Cái tên Đàm Vĩnh Hưng trở thành đề tài tranh cãi, đàm tiếu, chỉ trích, phỉ báng trên báo chí chính thống nhưng đồng thời cũng là cái tên khơi mào cho một cơn nghiền nhạc bolero kiểu mới trong giới trẻ mà không ai định danh được là kiểu gì.
Lại tiếp hai năm sau, Mr Đàm bồi thêm album "Tình ca 50" thuần túy nhạc vàng giai đoạn 54-75. Hiệu ứng bất ngờ của album mà giới chuyên môn cho là biểu hiện của sự suy thoái của thẩm mỹ âm nhạc đại chúng giúp Đàm Vĩnh Hưng thừa thắng xông lên với series "Dạ khúc cho tình nhân". Cho đến giờ, khi "Dạ khúc cho tình nhân" đã phát hành tới phiên bản số 7, bolero đã không còn là đặc sản của Đàm Vĩnh Hưng nữa. Nó phủ sóng khắp các sân khấu, phòng trà, nhà hát, truyền hình, gameshow… hay như từ mà Đàm Vĩnh Hưng dùng là "đang phát quang". Thú vị ở chỗ, từ vị trí là tàn dư hoài niệm, chịu ảnh hưởng "lậu" của văn nghệ hải ngoại, bolero trong nước bỗng lên ngôi vương và duy trì sự tồn tại của bolero hải ngoại giữa sức ép đào thải mạnh mẽ của âm nhạc đại chúng Âu – Mỹ.
Ca sĩ Phi Nhung từng chia sẻ, cô thấy phải nói lời cảm ơn Đàm Vĩnh Hưng vì nhờ có anh mà những nghệ sĩ chuyên hát nhạc vàng ở hải ngoại tưởng sẽ sớm không còn đất dung thân thì bỗng nhiên gặp được phao cứu sinh. Đàm đã hồi sinh nhạc vàng theo cái cách tạo ra tai tiếng với nó, dù có chủ đích hay không. Để sau anh, Lệ Quyên mạnh dạn thoát thai khỏi cách hát nắn nót chỉn chu của sinh viên thanh nhạc tốt nghiệp loại giỏi từng lấy cái sự tròn vành rõ chữ luyến láy ngân rung của Mỹ Linh làm chuẩn, mà nức nở giằng giật với bolero và trở thành nữ hoàng phòng trà. Để hàng loạt ca sĩ dòng nhạc dân gian lẫn thính phòng đều đổ xô đi hát bolero với niềm tin lý tưởng rằng đến Đàm Vĩnh Hưng còn hát được nữa là mình.
Nhưng mọi cách hát bolero theo quy cách dàn hơi, lơi chữ, bẻ giọng, xuống câu chuẩn mực đều thất bại. Còn Đàm Vĩnh Hưng, mặc những nỗi nghi ngờ hậm hực của giới chuyên môn vào tai nghe thính giả, vẫn cứ thành công. Và cũng chính Đàm Vĩnh Hưng chứ không ai khác, là ca sĩ trẻ duy nhất trưởng thành sau năm 75 thắng các giải thưởng âm nhạc bằng thể loại nhạc vàng.
Đàm Vĩnh Hưng bảo, không phải anh không nghe thấy những lời phán xét mình. Anh cũng không phải kẻ điếc để không sợ tiếng súng "nhưng Hưng biết đếm, và đếm rất giỏi". Như thế này: "Mỗi đêm nhạc, Hưng đếm được những người tán thưởng mình, thích nghe cách hát của mình. Sau đó tổng kết lại thì thấy đó là một con số rất lớn. Nếu Hưng mải mê trước những phán xét của một nhóm ít ỏi so với nhóm còn lại mà bối rối, sợ hãi, hoảng hốt thay đổi theo số ít, cũng gắng sức nắn nót từng chữ để hát thì Hưng đã có hẳn một nhà kho gạch đá chứ không phải một rổ. Hưng là chuyên gia mua bán cảm xúc. Nếu Hưng tính sai thì đã không có Hưng của ngày hôm nay."
Nhìn từ thực tế mà suy luận, thì không ai nhạy cảm với thị trường, bắt sóng thị hiếu âm nhạc giỏi hơn Đàm Vĩnh Hưng trong làng giải trí. Nói như Đàm thì đó là tính toán. "Hơn 10 năm trước, nhạc trẻ chưa suy thoái, các bản hit vẫn còn rất nhiều, nhưng Hưng nhận ra dấu hiệu đi xuống của nó. Hưng nghĩ nếu nó đi xuống thì mình làm thế nào. Và Hưng nhớ ra còn có một kho vàng để mình khai thác, là bolero. Lợi thế khi hát bolero là khán giả ai cũng thích, ai cũng thuộc, quan trọng là mình hát thế nào thôi. Vả lại, dù lúc đó mình còn trẻ, nhưng phong cách của mình là khùng điên, là la hét là lăn lộn trên sân khấu. Mình sẽ giữ được phong cách đó trong bao lâu? 50 tuổi, mình có còn nhuộm tóc high-light được không, có nhảy tưng tưng được nữa không, và người ta gọi mình là ông Hưng hay thằng Hưng? Mình phải làm một thứ gì đó bền lâu cho mình. Đó chính là bolero." Đàm Vĩnh Hưng thẳng tưng khi nói về quyết định đến với bolero bằng sự tính toán của một chuyên gia phép đếm sành sỏi. Với Mr Đàm, đam mê thuần túy là một sự mù mờ viển vông.
Nghệ thuật giải trí có nhiều dòng. Đi theo dòng chảy nào thì phải chinh phục được khán giả của dòng chảy ấy. Dù thích hay không thích Đàm Vĩnh Hưng, dù dị ứng hay không thể cảm thụ nổi giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng, người ta cũng khó có thể phủ nhận sự thành công của anh trong dòng chảy âm nhạc thị trường. Chí ít, anh cũng có quyền hãnh diện vì đã dám đi đến tận cùng với bolero, chịu vất vả kì công để xin cấp phép cho những bản nhạc cũ từng bị đưa vào vùng cấm. Mr Đàm cũng đã thắng được định kiến của đại chúng về bolero, rằng nó phải chỉn chu trau chuốt với những kĩ thuật thanh nhạc khó chịu, đồng thời mở ra hẳn một trường phái bolero mới: bolero giang hồ.
Đàm Vĩnh Hưng khoe mình là người giỏi "dựa vào con nước để đẩy thuyền đi". Đàm cũng nhận mình là người chơi tới bến sau khi đã tính toán kĩ càng. Cách chơi của Đàm cũng đáng nể, bức tường xây sau luôn cao hơn bức tường trước đó, liveshow làm sau luôn hoành tráng hơn liveshow làm trước, cho dù có thành công hay không. Như thế cũng xứng với hai từ "cống hiến" rồi.
Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội ngày 29/07 và Hồ Chí Minh ngày 05/08.
Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu và sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích và làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.
Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị.