Đây là trường hợp hy hữu đặc biệt được điều trị thành công lần đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và là ca bệnh chưa được ghi nhận trong y văn thế giới.
Trường hợp đặc biệt và may mắn này là sản phụ Trần Thị V.A, 21 tuổi, ở Phú Thọ. Sản phụ sinh con lần đầu.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, đây là ca hy hữu trên thế giới, giới chuyên môn chúng tôi chưa thấy, sản phụ bị vỡ tử cung nhưng vẫn cứu được cả thai và mẹ, đặc biệt tử cung của người mẹ vẫn được bảo tồn.
Theo lời kể của sản phụ V.A, khi mang thai ở tuần thứ 25, cô có dấu hiệu đau bụng dữ dội, vỡ ối, khi đó bào thai mới chỉ có 600g. Thai phụ đã đi khám tại một số cơ sở y tế và được chẩn đoán bào thai bất thường, có chỉ định đình chỉ thai. Tuy nhiên, gia đình vẫn tiếp tục đi thăm khám tại một số cơ sở y tế khác với hy vọng giữ được thai. Khi đến một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội nơi này được phép thực hiện truyền ối nuôi thai, nhưng bệnh viện từ chối và khuyên sản phụ nên đình chỉ thai vì nghi thai có bất thường.
Đặc biệt, khi nghe bệnh nhân kể, thai ở tuần thứ 24 thì bệnh nhân bị đau bụng quằn quại và nước ối đột ngột cạn kiệt. Lúc này, các bác sĩ nghĩ đến trường hợp vỡ tử cung gây hết nước ối, chứ không phải là vỡ ối như các ca bệnh thông thường. Mặt khác, khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện thai phụ có vùng cơ tử cung rất mỏng và không liên tục. “Chúng tôi nghĩ rằng tử cung đã bị thủng ở đoạn đó. Và khi đánh giá toàn trạng thai thì thấy thai phát triển hoàn toàn bình thường, sức khoẻ của mẹ ổn định nên Bệnh viện và gia đình quyết tâm giữ thai”, Bs. Sim nói.
Ngay sau đó, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Bs. Sim cùng ekip bác sĩ của Bệnh viện thực hiện truyền ối để nuôi thai. Đây cũng là một lần khảo sát chính xác toàn trạng thai để khẳng định thai hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lấy nước ối để kiểm tra bộ nhiễm sắc thể của thai nhi, kết quả thai nhi hoàn toàn bình thường. Từ những dữ kiện đó, thời điểm này, bác sĩ khẳng định chắc chắn sản phụ bị vỡ tử cung, vì nước ối giảm dần và chỉ nằm trong ổ bụng.
Cũng theo Bs. Sim, sau khi được truyền ối lần 1, tình trạng nước ối lại cạn kiệt như trước. Tuy nhiên do xác định chắc chắn đây là ca vỡ tử cung và thấy thai nhi vẫn phát triển bình thường, cộng với sức khoẻ của sản phụ rất tốt nên các bác sĩ và gia đình quyết tâm truyền ối lần 2 và dùng thuốc để tử cung của sản phụ không co, đồng thời hạn chế nhiễm trùng cho mẹ.
Cứ như vậy, sau 5 tuần điều trị, đến khi thai nhi được 31 tuần, nặng 1,5kg, các bác sĩ nhận thấy, thai nhi không có thể tăng cân được nữa và quyết định mổ lấy thai. Đó là một bé trai nặng 1,5 kg, khỏe mạnh, hồng hào, khóc tốt, bú mẹ được. Đặc biệt nữa là mẹ được bảo tồn tử cung. Sau phẫu thuật, cả sản phụ và trẻ đều khoẻ mạnh. Sản phụ đã được ra viện, còn trẻ tiếp tục được chiếu đèn vì sơ sinh non tháng, vàng da. Dự kiến, khoảng 1 tuần nữa, trẻ có thể được xuất viện.
Trước những tình huống khó của y học người bác sĩ không phải lúc nào cũng đủ bản lĩnh để đưa ra quyết định. Thành công của ca bệnh này lại cho chúng tôi thêm một kinh nghiệm, bài học xương máu để có thêm bản lĩnh lựa chọn những giải pháp phù hợp mang lại khả năng cứu sống cho người bệnh. Chúng tôi đã phải “cân não” nên hay không chọn giải pháp an toàn. Nếu chọn giải pháp an toàn thì rất đơn giản, bác sĩ chỉ cần đình chỉ thai nghén, xử lý phần tử cung người mẹ là xong.
Thế nhưng, nếu như thế thì người phụ nữ này sẽ mãi mãi mất cơ hội làm mẹ và đứa trẻ cũng không bao giờ được chào đời mặc dù thai nhi phát triển khoẻ mạnh, bình thường…Vì thế, chúng tôi đã không lựa chọn con đường an toàn. Cũng phải nói thêm, niềm tin tưởng của gia đình thai phụ vào BV đã cho thầy thuốc chúng tôi thêm động lực, đưa ra quyết định đến thời điểm này là phù hợp và đúng đắn”. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh.
Chọn giải pháp an toàn hay tiếp tục dấn thân?
Chia sẻ về ca bệnh đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, đến bây giờ, cả mẹ và trẻ đều khoẻ mạnh, chúng tôi mới cảm nhận được sự chiến thắng thực sự. Trong khoảng thời gian 5 tuần theo dõi và chăm sóc sức khoẻ cho cả sản phụ và thai nhi, các bác sĩ của Bệnh viện phải đấu trí liên tục, làm sao để sản phụ không bị nhiễm trùng, nếu nhiễm trùng thì rất khó giữ tính mạng cả mẹ và con, sau đó là nỗi lo thai có tiếp tục phát triển không, vì thai non, phổi chưa trưởng thành thì không thể cứu sống, dù có sinh cũng rất khó nuôi.
“Gần hết các khoa, phòng liên quan tham gia hội chẩn, điều trị, chăm sóc... hàng ngày, hàng giờ dõi theo hành trình kỳ diệu của hai mẹ con thai phụ. Trong những lần họp giao ban, hay những lần gặp nhau ở sảnh câu hỏi đầu tiên của chúng tôi cũng đều là tình hình sức khoẻ và sự phát triển của mẹ con thai phụ. Bởi, vỡ tử cung là trường hợp tối cấp cứu, có thể xảy ra tử vong trong thời gian ngắn do mất máu.
Tuy nhiên, một thai phụ mang thai 25 tuần bị vỡ tử cung, thai nhi chỉ 600g nhưng chúng tôi đã cứu sống cả mẹ và con bằng giải pháp tạm thời truyền ối, nuôi dưỡng bào thai đến 31 tuần, thai được 1,5kg. Người mẹ lại bảo tồn được tử cung… làm cho tất cả chúng tôi thực sự vỡ oà trong chiến thắng này”, PGS. Ánh trải lòng.
Cùng trong niềm vui đó, Bs. Nguyễn Thị Sim cũng tâm sự: "những phút cân não thật sự từ những việc làm rất nhỏ như việc truyền nước ối vào bào thai. Tại BV Phụ sản Hà Nội việc truyền ối nuôi thai không còn xa lạ với các bác sĩ, nhưng đó là những trường hợp ít ối, cạn ối. Còn đây là trường hợp mà thai phụ hết sạch ối, công việc lại khó khăn hơn gấp bội phần. PGS. Ánh đã phải đưa từng giọt nước ối vào, vừa đưa vừa nhận dạng cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ...".
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng nhấn mạnh, trường hợp này là minh chứng của thành tựu can thiệp bào thai trong tử cung – một kỹ thuật cao nhất của lĩnh vực sản phụ khoa hiện nay trên thế giới. Kỹ thuật này đã mở ra nhiều khả năng cứu sống kỳ diệu nhiều trẻ thơ ngay từ khi còn trong bụng mẹ.