Nhìn những bức ảnh của 3 cậu bé sinh ba nhà chị Nguyễn Nga (26 tuổi, hiện đang sống ở Gia Lai) xinh xắn, đáng yêu chơi đùa bên nhau, nhiều mẹ không nén khỏi sự ngưỡng mộ. Thế nhưng, để sinh ra và nuôi nấng được ba cậu bé này, chị Nga đã phải trải qua không ít khó khăn. Một hành trình dài đã đi qua khi chị bầu mới hơn 7 tháng đã phải lên bàn mổ gấp vì đối diện nguy cơ rách bụng, một bé còn đối diện với nguy cơ không nuôi được và những ngày tháng “đánh vật” với 3 đứa bé khiến chị Nga trầm cảm đến mức chỉ “muốn cùng các con chết cho xong”.
Những bức ảnh ba anh em sinh ba nhà chị Nguyễn Nga khiến nhiều mẹ thích thú, ngưỡng mộ.
Hành trình mang thai ba đầy bất ngờ và gian truân
Chị Nga kể lại: “Thời điểm đó, mình đã có 1 bé trai lớn được 3 tuổi nên chưa có ý định sinh tiếp. Khi phát hiện có bầu, mình cũng không hề chờ đón nên dù thai đã được hơn 3 tháng, mình vẫn chưa đi siêu âm. Gần 4 tháng, mình bắt đầu lo lắng khi thấy bụng to nhanh hơn rất nhiều so với lần mang bầu thứ nhất. Khi đó, đi siêu âm, bác sỹ bảo mình mang thai đôi, mình thực sự đã rất bất ngờ. Nào ngờ, đến gần 5 tháng, mình đi siêu âm tiếp, bác sỹ lại bảo mang thai 3. Mình rụng rời, lo sợ thật sự”.
Sau đó, đều đặn hàng tháng, chị Nga đều phải đi siêu âm, kiểm tra thai kỳ cẩn thận. Mang bầu ba rất nặng nề, khó chịu nên chị gần như nghỉ các công việc khác, chỉ tập trung dưỡng thai. Ngoài nghén mùi cá tanh, chị Nga vẫn ăn uống, ngủ nghỉ bình thường. Đến tháng thứ 7, chị tăng tổng cộng 11kg. Thế nhưng đó cũng là thời điểm nguy hiểm của cả mấy mẹ con.
Rất may là ba bé đã chào đời trọn vẹn, dù sức khỏe yếu ớt phải nằm lồng kính đi nữa.
“Đến khi được hơn 29 tuần, mình có hiện tượng động thai và sinh non vì ra máu tươi, bác sỹ chỉ định phải nằm viện dưỡng thai. Mình nằm viện được khoảng 15 ngày. Trong thời gian đó, khắp người mình bầm dập vì phải tiêm, truyền thuốc rất nhiều để tránh cơn gò cổ tử cung, tránh sinh non. Thế nhưng lượng thuốc truyền vào người mình vẫn không có hiệu quả nhiều. Cuối cùng, mình được chuyển xuống Bệnh viện Từ Dũ để có máy móc hỗ trợ tốt nhất khi sinh cho cả mẹ lẫn bé”, chị Nga chia sẻ.
Sau khi xuống Bệnh viện Từ Dũ được 5 ngày, chị Nga được các bác sỹ chỉ định mổ. “Các bác sỹ bảo cơ thể của mình nhỏ so với độ đàn hồi của bụng mang thai ba. Nếu tiếp tục dưỡng thai nữa, mình sẽ phải đối mặt với nguy cơ rách bụng. Lúc làm thủ tục mổ, bác sỹ còn bảo rằng vì sinh non quá có thể sẽ không giữ được bé nào vì các bé quá non và yếu. Cả nhà mình lúc đó chỉ biết khóc và cầu xin đừng có chuyện gì xảy ra với các con”, chị Nga vẫn chưa hết xúc động khi kể lại.
Dù sinh cùng một lần nhưng được về với mẹ lại trong 3 mốc khác nhau.
May mắn là ca mổ thành công tốt đẹp, ba bé chào đời nặng đều 1,7kg mỗi bé. Nhưng sau khi sinh xong, tỉnh dậy, chị Nga không được nhìn con một lần nào vì các bác sỹ đã đưa cả 3 bé đi ấp lồng kính vì sức khỏe quá yếu. Chị Nga nằm phòng hồi sức đến khoảng gần 6h đồng hồ mới được chuyển về phòng hậu sản.
Đến khi được về phòng, chị Nga đã nghĩ và hy vọng được đón con như các mẹ khác, thế nhưng lại thất vọng tràn trề: “Mình không được phép vào thăm con và đón con. Các bác sỹ nói rằng nhiều trường hợp mẹ nhìn thấy con bị máy móc, dây rợ chạy khắp người đã thương xót con quá, khóc ngất và chảy máu vết mổ. Vậy là mình phải nằm phòng hồi sức 5 ngày mới thấy mặt được một bé. Nhưng chỉ được vài tiếng, con lại phải đưa vào lồng kính vì chưa tự ăn và hô hấp được”.
Sau 1 tháng nằm viện, 3 bé đã được xuất viện cùng mẹ.
Lần đầu nhìn thấy con khi được bác sỹ bế ra, chị Nga còn không dám bế. Chị bật khóc ngay lúc ấy vì cảm thấy rất thương con: “Nhìn con thương lắm, chỉ nặng có 1,7kg thôi, nhăn nhúm, yếu ớt, còn chưa bằng 1 nửa con nhà người ta”. Rồi khoảng 15 ngày sau đó, chị Nga mới được đón bé thứ nhất về với mẹ. Đến 18 ngày, chị được đón thêm bé thứ 3. “Còn bé thứ 2, bác sỹ bảo có hiện tượng nhiễm trùng máu và quá yếu nên có thể chết. Mình lại đau xót không ăn không ngủ được vì lo, vì thương con”.
Cuối cùng, điều kì diệu đã xảy ra khi bé thứ 2 vượt qua được cửa tử. 25 ngày sau sinh, bé được trả về với mẹ. Cả nhà hạnh phúc đoàn tụ, nhưng cũng phải đón nhận thêm một nguy cơ khác. Các bác sỹ chỉ định mấy mẹ con ở lại tròn 1 tháng để đưa các bé sang bệnh viện mắt khám lại. Nếu như các bé bình thường thì sẽ được về, còn nếu có hiện tượng chưa mở màng mắt sẽ được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng để mổ mắt. May mắn là các bé không sao, chị Nga và ba bé xuất viện sau khi sinh được 1 tháng.
Những ngày tháng vật lộn với 3 bé sinh ba đến mức trầm cảm muốn chết
“Nuôi một đứa trẻ sinh ra bình thường đã khó, nuôi một đứa trẻ sinh non lại còn khó hơn gấp 10 lần. Đằng này, với mình là 3 bé sinh non, không cẩn thận là con bị sặc sữa tràn vào phổi. Nên khi đối diện với 3 đứa con khóc suốt ngày suốt đêm, ăn ngủ đều không hợp tác, mình như muốn phát điên lên vậy. Cuộc sống quay cuồng, mẹ chỉ mới vừa chợp mắt là đã nghe con khóc, lại vội vàng dậy cho ăn, thay bỉm, bế con. Dù có ông bà ngoại trông giúp nhưng mỗi ngày tổng cộng mình chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga chỉ chợp mắt khoảng 5, 10 phút mỗi lần, tổng cộng lại cả ngày chỉ được khoảng vài tiếng vì trông con.
Cũng theo lời kể của chị, áp lực từ ba đứa con sinh ba khóc quấy, mẹ không có thời gian nghỉ ngơi và nỗi lo lắng về chuyện kinh tế, các mối quan hệ khiến chị Nga rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. “Lúc nào mình cũng nghĩ phải chết để được giải thoát khỏi hiện tại này. Mình càng trầm cảm, lại càng thiếu sữa. Tiền sữa, tiền bỉm, tiền thuốc mỗi ngày lại là 1 vấn đề lớn. Mình thấy bế tắc đủ đường, không còn nhìn thấy tương lai nữa. Mình đã tuyệt vọng đến mức muốn cùng 4 đứa con chết cho xong”.
“Thế nhưng mỗi khi định chết, nhìn gương mặt của 4 con, mình lại không nỡ. Dần dần, mình làm chủ được bản thân, suy nghĩ hơn. Mình dần lấy lại được sự bình tĩnh, quen với cuộc sống khắc nghiệt và ổn định để nuôi con. Đôi khi mình tự bản thân mạnh mẽ quá chừng! Trong chuỗi ngày khốn khó đến khôn cùng ấy, cũng thật may có ông bà ngoại luôn ở bên đồng hành, làm chỗ dựa giúp mình vượt qua tất cả”, chị Nga tâm sự.
Đã có những lúc chị muốn chết cho xong, nhưng rồi chính các con lại trở thành nguồn động lực cho chị tiếp tục sống.
Khi ba bé sinh 3 được hơn 1 tuổi, các bé ngoan hơn, không quấy mẹ nhiều như trước cũng là khi chị Nga cảm thấy an ủi hơn phần nào. Chị bắt đầu tiếp tục công cuộc kiếm tiền để nuôi 4 đứa con: “Tuy không còn vất vả như lúc bé nữa, nhưng lớn cũng có cái khổ của lớn. Các bé khóc vì đánh nhau tranh đồ chơi nhiều lắm. Anh cả có vẻ ngoan hơn vì ít khi quấy khóc. Anh hai thì rất phá với nghịch. Em út thì rất nũng mẹ”.
Hiện tại 3 bé gần tròn 3 tuổi, đều được khoảng 12kg và rất nhanh nhẹn, lanh lợi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của chị Nga sau khi trải qua một hành trình mang thai và nuôi con thật chông gai.
Ba cậu bé nay đã gần 3 tuổi, tuy hơi còi nhưng lại nhanh nhẹn, lanh lợi.
Chị Nga đã vượt qua được chặng đường chông gai nhất và bây giờ các con là niềm hạnh phúc của chị.
Bé lớn nhà chị Nga đã chuẩn bị vào lớp 1, còn 3 bé sau đã gần 3 tuổi.
Ba anh em sinh non, phải nằm lồng kính ngày nào nay đã trở thành những cậu bé thật đáng yêu.