Quá đau khổ nhưng vì đứa con trong bụng, chị N. (khoảng 40 tuổi, ngụ TP.HCM) cắn răng chịu đựng, điều trị bệnh theo phác đồ. May mắn là bé trai sinh ra không nhiễm HIV. Xem như đó là món quà người mẹ dành cho con.
Chị N.
Mẹ "đi làm xa" vì sợ lây bệnh cho con
Bỏ người chồng nghiện ngập. Chị N. ôm con về sống với bà ngoại. Khi con trai út lên 3 tuổi, đứa lớn thì lên 7, người phụ nữ này quyết định phải đi thật xa để tránh lây nhiễm cho núm ruột của mình.
Được một người bạn giới thiệu, chị tìm đến bệnh viện (BV) Nhân Ái (tỉnh Bình Phước), trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, mong để tiếp tục điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV).
Người người chọn đến BV Nhân Ái (tỉnh Bình Phước) vì sợ lây bệnh cho gia đình.
Vậy là cứ 3-4 tháng, chị N. tìm về thăm con, nói dối rằng mình phải đi làm xa. 5 năm nay, hai con chị vẫn chờ mẹ trở về, dù chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà ngoại và người dì ruột là những người trực tiếp nuôi các bé ăn học.
Mỗi lần nhớ con, chị N. mang hình ra ngắm.
BS Hà Văn Sáu, Trưởng khoa Nội 2 Bệnh viện (BV) Nhân Ái cho biết, hiện nơi đây đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân HIV với 3 mảng điều trị chính là: Bệnh giai đoạn cuối, vừa bị HIV vừa tâm thần (khoảng 100) và bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Lượng bệnh nhân HIV bị tâm thần tăng nhanh do người trẻ có xu hướng dùng ma túy đá nhiều gây tổn thương não.
Hơn 400 bệnh nhân HIV đang điều trị tại BV Nhân Ái.
"Nhiều trường hợp đã mất nhưng không có người nhà lên nhận xác, BV tiến hành thiêu và thờ tại một khu riêng" - BS Sáu nói.
Dù vậy theo BS, nếu bệnh nhân HIV dùng thuốc đúng liều và tuân thủ điều trị thì có thể sống được rất lâu.
Vẫn còn 50.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiện, bệnh nhân quan hệ tình dục đồng tính nam nhiễm HIV tăng cao
TS Hoàng Đình Cảnh, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, TP.HCM đang là nơi có người nhiễm HIV nhiều nhất nước (48.000/208.000 bệnh nhân cả nước, chiếm gần 25%).
Xét tỉ lệ người mắc trên số dân, TP.HCM đứng thứ hai, sau tỉnh Điện Biên.
Bệnh nhân HIV nếu sử dụng ma túy đá có thể bị tâm thần.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là còn rất nhiều người nhiễm HIV nhưng chưa biết mình nhiễm. Điều này khiến việc phòng tránh từ gia đình, những người xung quanh gặp khó khăn.
Dù đã có nhiều kết quả đạt được trong thời gian qua như có 400.000 người được dự phòng không bị nhiễm HIV và 150.000 bệnh nhân HIV được dự phòng để không bị tử vong, tuy nhiên HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng.
Một trường hợp sống chung với bệnh nhiều năm.
Mỗi năm vẫn có 10.000 người nhiễm HIV mới và 2000-3000 người tử vong do HIV/AIDS. Nhóm người có hành vi gây nguy cơ lây nhiễm HIV (ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục đồng giới...) vẫn ở mức cao.
Đặc biệt, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận định vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện.
Mỗi năm vẫn có 10.000 người nhiễm HIV mới và 2000-3000 người tử vong do HIV/AIDS.
"Lây truyền HIV trong nhóm quan hệ đồng tính nam (MSM) có xu hướng tăng nhanh (12% tổng bệnh nhân mắc). Ước tính, cả nước có khoảng 170.000 MSM.
Nhiều bệnh nhân HIV/AIDS vẫn chủ quan khi thấy còn khỏe mạnh, chưa nhận thức được lợi ích điều trị ARV và sợ lộ danh tính, khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn" - lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin.
Bệnh nhân HIV có quan hệ tình dục an toàn?
TS John Blandford, Giám đốc CDC Việt Nam cho biết, nghiên cứu trên 1.800 cặp bạn tình (một người nhiễm, người không) cho thấy, người nhiễm HIV nếu điều trị ARV tốt thì không lây truyền cho bạn tình.
Nghiên cứu này là nền tảng rất tốt cho việc điều trị dự phòng. Tuy nhiên hạn chế là những người nghiên cứu được khuyến khích dùng BCS để thử nghiệm những biện pháp dự phòng khác và phần lớn các cặp đôi là bạn tình khác giới.
TS John Blandford, Giám đốc CDC Việt Nam trình bày tầm quan trọng của ức chế virus HIV.
Do đó sau này, người ta tiến hành những tìm hiểu khác trên các cặp bạn tình đồng giới để tìm hiểu thêm. Kết quả một nghiên cứu cho thấy, không có ca nhiễm nào phát hiện trong 77.000 lần sinh hoạt tình dục không dùng BCS ở các cặp quan hệ đồng giới tuân thủ điều trị ARV.
"Hiện đã có đủ bằng chứng khoa học chứng minh tải lượng virus (TLVR) ức chế dưới 200 (bản sao/ml máu) sẽ ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Khoảng thời gian thông thường là sau 6 tháng điều trị" - TS John cho hay.
Nhiều nghiên cứu chứng minh tải lượng virus (TLVR) ức chế dưới 200 (bản sao/ml máu) sẽ ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục.
Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy 92% người nhiễm HIV được điều trị ARV ức chế TLVR dưới 200 bản sao/ml máu không có khả năng lây truyền cho bạn tình.
TS John ví von rằng các kết quả nghiên cứu khẳng định một người bị HIV đồng tính nam điều trị HIV ức chế được TLVR < 200 bản sao/ml máu thì cho dù có sống lâu năm và quan hệ tình dục suốt từ năm 1600 đến 2025 (425 năm) cũng không sợ lây cho bạn tình.
92% người nhiễm HIV tại Việt Nam được điều trị ARV ức chế TLVR dưới 200 bản sao/ml máu không có khả năng lây truyền cho bạn tình.
Ngoài ra, bằng chứng U=U, K=K (không phát hiện = không lây truyền) đúng ở cả quan hệ đồng giới và khác giới.
Năm 2018, Bộ Y tế lựa chọn chủ đề "Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020".
Nếu tuân thủ điều trị ARV đúng phác đồ, người bệnh có thể sống rất nhiều năm.
Cụ thể là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người chẩn đoán HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV đã được điều trị thuốc kháng virus có thể kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Mục tiêu này được Liên hợp quốc đưa ta ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mặc dù Việt Nam đã cam kết từ năm 2014 nhưng đến nay mục tiêu số 1 và số 3 hiện đạt được còn thấp.
Trong tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 (từ 10/11 đến 10/12), Bộ Y tế đề ra các nội dung:
1. Tăng cường các hoạt động Dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV dễ tổn thương, có hành vi nguy cơ cao, người sống vùng sâu vùng xa, dân tộc ít người.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.
2. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với bệnh nhân.
3. Mở rộng bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.