Tình yêu với anh thương binh "siêu quậy"

Theo chân anh cán bộ Trung tâm Trịnh Văn Cường, chúng tôi đến thăm gia đình bà Bùi Thị Phượng (SN 1957), nguyên là điều dưỡng Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, đã nghỉ hưu theo chế độ. Chồng bà Phượng là thương binh nặng Nguyễn Đình Thịnh, hơn bà 2 tuổi. Cách đây mấy năm, ông Thịnh đã ra đi mãi mãi sau cơn bạo bệnh.

Bà Phượng kể, bà và ông Thịnh là "duyên trời định". Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng thương bệnh binh có nhiều thương binh nặng. Trong số hàng trăm thương bệnh binh, bà ấn tượng với thương binh Nguyễn Đình Thịnh, người được xem là "quậy" nhất Trung tâm.

Ông Thịnh là con thứ hai trong gia đình có 3 anh em, quê ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa). Bố mất sớm, mấy mẹ con ông Thịnh phải sống trong cảnh vô cùng thiếu thốn. Mười tám tuổi, ông Thịnh tham gia quân ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. 

Trong một trận đấu ác liệt, ông bị thương nặng, sau đó được chuyển về Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Một mình ở Trung tâm, trong căn phòng đầy đủ tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho thương binh nặng nhưng ông Thịnh vẫn buồn tủi, trống vắng. Ông nhớ mẹ, nhớ anh em nên dễ hiểu vì sao nhiều lúc ông trở nên cáu bẳn và sinh "quậy".

Những chuyện tình đẹp ở “làng thương binh”  - Ảnh 1.

Gia đình bà Hiền-ông Lâm

"Tôi là người luôn gần gũi bên ông Thịnh. Thời gian ở bên cạnh, tôi nhận ra ở ông ấy một con người hoàn toàn khác, không giống như hình ảnh thường ngày. Dường như những ngày đầu ở Trung tâm buồn chán nên ông thường nghĩ trò để tiêu khiển. Kể từ khi thân thiết với tôi và quen với nhịp sống trong này, ông Thịnh mới thể hiện là người thông minh, sâu sắc và tình cảm vô cùng", bà Phượng nhận xét.

Sau một năm làm bạn, bà Phượng và ông Thịnh chính thức công khai chuyện tình cảm. Năm 1986, ông bà tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của mọi người, đặc biệt là những người ở Trung tâm. Sau khi kết hôn, hai người sống trong căn phòng của khu tập thể Trung tâm. 

Năm 2004, tỉnh Thanh Hóa có chính sách cấp đất làm nhà cho những thương binh nặng. Có 8 thương binh mất sức từ 81% trở lên được nhận chế độ này, trong đó có ông Thịnh. Giờ bà Phượng đã nghỉ hưu, con trai đang công tác trong quân đội, con gái cũng thành đạt. Ngày ngày, bà vui vầy bên con cháu.

Vượt qua sự cấm cản của gia đình

Tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của vợ chồng bà Mai Thị Hiền (SN 1965) và ông Lê Đình Lâm, người hơn bà Hiền 3 tuổi, cũng được nhiều người nhắc đến. Bà Hiền xuất thân trong gia đình có công với Cách mạng, quê ở Nghi Sơn (Thanh Hóa). 

Về Trung tâm công tác, bà Hiền đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có những người mất một phần cơ thể, có người thân thể đầy những mảnh đạn. Có những thương binh bị chấn thương sọ não, đầu óc không minh mẫn, thường gào thét, quậy phá mỗi lúc trái nắng trở trời… Những lúc như vậy, bà Hiền lại thấy lòng mình quặn thắt.

Một trong những thương binh mà bà Hiền dành nhiều sự quan tâm là thương binh 81% hạng đặc biệt Lê Đình Lâm. Ông Lâm đi bộ đội từ tháng 2/1979, tham gia Chiến dịch biên giới phía Bắc. Tháng 4/1981, trong một lần địch tràn qua núi, đánh sập hầm, ông cùng nhiều đồng đội bị thương. 

Trung tâm như mảnh đất lành. Nơi đây đã chắp cánh cho nhiều mối tình đẹp giữa cán bộ trung tâm và thương bệnh binh. Có thời gian chăm sóc, chia sẻ cùng với thương binh, nhiều nữ điều dưỡng đã hiểu hơn về họ, có sự biết ơn, cảm phục, từ đó phát sinh tình cảm yêu thương chân thành, sâu sắc. Trung tâm có nhiều cặp vợ chồng là điều dưỡng - thương binh và tất cả đều rất hạnh phúc”.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa

Hơn 1 năm điều trị tại Vĩnh Phúc, ông xuất ngũ về an dưỡng tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Ông Lâm bị rất nhiều mảnh đạn găm vào người, đặc biệt có 3 mảnh găm vào đầu mà không thể phẫu thuật lấy ra. Với vết thương ở đầu, ông Lâm bị rối loạn tâm thần. Những cơn đau thường xuyên hành hạ khiến nhiều lúc ông Lâm không làm chủ được hành vi của mình.

Sự chăm sóc ân cần của bà Hiền khiến ông Lâm vô cùng cảm động. Qua thời gian, bà cảm nhận được tình cảm của ông dành cho mình. "Lúc đó, có nhiều người tỏ tình với tôi nhưng chẳng ai khiến tôi rung động vì… tôi đã yêu anh Lâm mất rồi", bà Hiền kể. Thế nhưng, chuyện tình của bà Hiền với ông Lâm không được phẳng lặng khi bị gia đình ngăn cản quyết liệt.

 Thậm chí, mẹ bà Hiền đã bắt con gái bỏ việc về quê với hi vọng "xa mặt cách lòng". Tuy nhiên, càng xa ông Lâm, bà Hiền càng cảm nhận rõ hơn tình yêu của bà dành cho ông. Thấy con gái cứ "ra ngẩn vào ngơ" vì nhớ người yêu, cuối cùng, gia đình bà cũng chấp thuận chuyện tình yêu của con.

Từ ngày làm vợ, bà Hiền vất vả hơn. Ngoài chăm sóc chồng, thực hiện công việc của một điều dưỡng, bà tranh thủ đi làm thêm để có thu nhập trang trải cuộc sông. Những khó khăn rồi cũng qua đi. Hai người con của bà Hiền giờ có việc làm ổn định, người con trai đã lập gia đình. Với ông Lâm, dù tinh thần vui khỏe nhưng vết thương trên cơ thể 2 năm nay luôn hành hạ ông. 

Hôm chúng tôi về thăm, ông Lâm đang được cán bộ Trung tâm đưa ra Hà Nội thăm khám. Qua điện thoại, ông Lâm báo với chúng tôi: "Chú ổn rồi, sắp về nhà. Chú phải về sớm, nếu không bà Hiền nhớ chú chịu sao nổi", ông Lâm tếu táo nói.