Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nguyên đán, nhà nhà đang lo sắm đồ, sửa soạn cho mâm cỗ tất niên. Bên cạnh đó, một trong những mối lo hàng đầu của nhiều gia đình thành phố, khá giả là việc tìm kiếm người giúp việc ở lại với gia đình trong những ngày Tết. 

Phát sốt vì giúp việc đòi ăn Tết... 1 tháng

Năm nay theo lịch nghỉ Tết, mọi người sẽ được nghỉ tới 9 ngày. Được nghỉ dài ngày như vậy, điều này lẽ ra sẽ là niềm vui cho mọi người, nhưng một số chị em lại hết sức lo lắng với bộn bề công việc ngày Tết khi vắng bóng "mama tổng quản".

Chị Thu Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Chưa đến Tết mà nghĩ đến tôi đã rùng mình, chỉ mong kỳ nghỉ trôi đi thật nhanh. Ngày thường đi làm có chị giúp việc ở nhà nấu ăn dọn dẹp cho mấy đứa trẻ. Mấy ngày tết tới chị lại về quê ăn Tết với gia đình 1 tháng. Thành ra mọi việc trong nhà mình đều phải lo hết từ a - z. Với đặc thù công việc là quản lý mạng bán hàng nên dù Tết tôi vẫn phải làm việc. Vậy nên, việc công ty thì nhiều, việc nhà phải quần quật dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn thức uống đãi khách, cha mẹ, chăm lo cho chồng con".

Mất ăn mất ngủ vì osin về quê ăn Tết 1
Chuyện người giúp việc đòi về quê ăn Tết sớm và trở lại muộn hoặc bặt tăm luôn là chuyện thường ngày ở huyện. (Ảnh minh họa)

Nhà cô Yến Ngọc (Hàng Hành, Hà Nội) là một ví dụ. Nhà cô neo người, chồng đi công tác xa, có vợ chồng người con trai lại ở nước ngoài. Ngày thường, gia đình cô có chị giúp việc chăm sóc mẹ già. Nhưng những ngày này, cô lại lo lắng vì chị giúp việc về quê, trong khi Tết cô cũng phải chuẩn bị rất nhiều việc đối nội đối ngoại trong gia đình. Cô chia sẻ: "Tôi có nhờ mấy người quen tìm giúp người trông người già trong 10 ngày Tết, mỗi ngày tôi trả  600.000 đồng nhưng tới nay vẫn chưa tìm được ai".

Tương tự, gia đình chị Tú Linh (Định Công, Hà Nội) có 7 người, vợ chồng chị, bố mẹ già gần 90 tuổi và 3 đứa con nhỏ. Dù làm công chức lương bình thường nhưng anh chị vẫn phải bấm bụng thuê cô giúp việc cả ngày với lương 3,5 triệu/ tháng. Đó là chưa kể tới khoản thưởng ngày lễ, ngày Tết, cùng tiền phí đi lại. 

Chị Linh tâm sự: “Mấy ngày nay tôi ăn không ngon ngủ chẳng yên vì những ngày Tết tới, cô giúp việc quyết tâm về quê dù tôi có trả thêm thu nhập”.

Cùng hoàn cảnh với gia đình chị Linh là chị Bích Ngần (Chung cư Linh Đàm, Hà Nội). Mấy ngày này dù công việc trên công ty còn ngổn ngang nhưng chị vẫn sốt sắng tìm người trông con trong mấy ngày Tết sắp tới. Chị mới sinh con mà quê chồng chị ở Thanh Hóa, dù rất muốn đưa con về quê cùng nhưng lo lắng đường xa vất vả nên chị mong mỏi tìm được người giúp việc trông con cho để về quê chồng 2 hôm. 

Chị nói: “Bà ngoại nhiều tuổi nên chỉ có thể ‘chạy’ những việc xung quanh, chăm cháu nhỏ rất mệt nên tôi vẫn mong có người giúp việc để đỡ đần hai bà cháu trong 2 ngày Tết tới”.

Theo khảo sát tại các trung tâm cho thuê giúp việc ngày Tết, để thuê người giúp việc làm từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng 6 Tết gia chủ phải trả công từ 400.000 đến hơn 1 triệu đồng/ngày, chưa kể chi phí môi giới cho các trung tâm môi giới. Mặc dù giá cao nhưng nhiều người vẫn phải cắn răng để thuê bởi không còn phương án nào khả thi hơn. 

Mất ăn mất ngủ vì osin về quê ăn Tết 2
Rất nhiều dịch vụ cung cấp người giúp việc ngày Tết được chị em quan tâm 


Nỗi lo “giữ chân” ôsin

Đang thảnh thơi, về nhà có người chăm con, có người nấu cơm cho ăn, chuẩn bị nước nóng cho tắm, chị Hoàng Thanh Huyền (Láng Hạ, Hà Nội) như "tỉnh mộng" khi chị giúp việc xin nghỉ 2 tuần Tết.  Chị nói: "Cuối năm công việc của tôi nhiều gấp đôi ngày thường. Ngày nào cũng 8, 9 giờ tối mới đi về nhà. Đồ thì chưa sắm lấy một gói mứt, nhà cũng chưa dọn dẹp gì, ấy vậy mà cô giúp việc đòi về quê từ 26 Tết".   

Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay chị không năn nỉ, dỗ dành ngọt ngào chị giúp việc nữa bởi "toàn sai hẹn thôi, hẹn 2 tuần thì phải 1 tháng sau mới lò dò lên".

Nhiều chị em cũng cũng nhận thấy năn nỉ, ngọt nhẹ với người giúp việc không thành công, họ còn mách cho nhau các phương pháp “cứng rắn” để “trấn áp” những ôsin khó tính. 

Nhớ lại, năm ngoái, chị giúp việc nhà chị Huyền hẹn sau 2 tuần lên nhưng mãi hơn 1 tháng sau mới lên. Vậy là chị phải nhờ hết ông bà tới hàng xóm trông con hộ để đi làm. Năm nay, chị quyết định giữ chân chị giúp việc bằng cách giữ lại một phần lương, thưởng Tết để sau khi trở lại làm việc mới đưa. 

Chuyện người giúp việc đòi về quê ăn Tết sớm và trở lại muộn hoặc bặt tăm luôn là chuyện thường ngày ở huyện. Để níu chân họ ở lại trong dịp nghỉ lễ cuối năm, nhiều người đã phải dùng đủ mọi cách, nhưng phổ biến nhất vẫn là tăng lương, thêm tiền thưởng hoặc mua sắm cho nhiều thứ.

Chị Yến, nhà ở Từ Liêm cho hay, năm ngoái, đã phải trả cho cô giúp việc thêm một tháng lương là 5 triêu đồng, coi như lương tháng 13 chỉ để cô này ở lại cùng ăn Tết với gia đình.

Chị tâm sự: “Thôi thì biếu thêm tiền, tăng lương và tặng quà, mong sau chị giúp việc đồng ý chứ giờ chị mà về là gia đình tôi xáo trộn hết".