5 tháng hơn 10 trường hợp mất cắp

Vào ngày 23/5/2015, trên chuyến bay VJ902 đi từ Bangkok về Hà Nội, có 3 hành khách là Bùi Thị Thanh Tâm, Ngô Hồng Nhung và Thân Thị Thúy khai báo bị thất lạc hành lý và mất một số đồ dùng trong hành lý ký gửi.

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 25/5, đại diện Vietjet cho biết, hãng đã lập biên bản và cùng Công ty dịch vụ mặt đất HGS – đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài xác nhận việc thất lạc hành lý của hành khách.

Hãng cũng tiến hành xác minh với các bên liên quan để bồi thường thiện chí cho hành khách theo chính sách dịch vụ của hãng.

Cũng theo đại diện Vietjet, việc thất lạc hành lý trong quá trình vận chuyển bằng máy bay không chỉ xảy ra ở một số sân bay tại Việt Nam mà còn xảy ra tại nhiều nước trên thế giới

Tuy nhiên, hiện tượng thất lạc hành lý và mất đồ dùng trong hành lý của hành khách gần đây bị xảy ra nhiều hơn tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Riêng trong tháng 5, hãng đã ghi nhận hơn 10 trường hợp khách báo mất cắp hành lý ký gửi, chưa kể nhiều hành khách về nhà mới phát hiện mất tài sản và thông báo lại với hãng.

"Trước tình trạng trên, chúng tôi đã có văn bản đề nghị đơn vị An ninh sân bay Nội Bài, Cảng vụ Hàng không khẩn trương rà soát lại hệ thống giám sát, quy trình quản lý vận chuyển hành lý từ các khâu trong và ngoài nhà ga.

Mục đích là nhằm ngăn chặn các hiện tượng thất lạc và mất hành lý gây ảnh hưởng trực tiếp tới khách hàng cũng như ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ của các hãng hàng không nói chung đang hoạt động tại sân bay Nội Bài", đại diện Vietjet cho hay.

Đại diện Vietjet cũng đưa ra khuyến nghị về một trong các biện pháp để giảm thiệu tình trạng này là hành khách không để các vật dụng, đồ dùng có giá trị cao trong hành lý ký gửi.

Biên bản vụ việc do chị Phương Anh cung cấp

Biên bản vụ việc do chị Phương Anh (chị gái của hành khách Bùi Thị Thanh Tâm) cung cấp.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng cho biết, đơn vị đã ghi nhận vali ký gửi của chị Bùi Thị Thanh Tâm có dấu hiệu bị phá khóa và mất đồ khi tiếp nhận từ máy bay.

"Nhân viên giám sát của công ty dịch vụ mặt đất đã lập biên bản dấu hiệu bất thường khi tiếp nhận vali để đưa vào băng chuyền.

Hiện chúng tôi đặt ra nhiều giả thuyết, trong đó có khả năng vali bị cạy phá từ Bangkok và đã yêu cầu cơ quan chức năng Thái Lan phối hợp điều tra.

Trước mắt hãng bay tiếp nhận khiếu nại và sẽ bồi thường theo quy định là 20 USD/kg với hành lý không khai báo giá trị", ông Phương nói.

Đề cập tình trạng mất trộm hành lý ký gửi, ông Phương cho hay, cơ quan này nhận được nhiều thông tin, tuy nhiên từ đầu năm đến nay chưa phát hiện vụ việc nào tại Nội Bài.

Đơn vị chỉ xử lý một số vụ trộm cắp hàng hóa lưu tại kho sân bay và những nhân viên chiếm đoạt tài sản của khách để quên trên máy bay.

Ông Phương cũng cho hay, các đơn vị dịch vụ mặt đất đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn trộm cắp hành lý như nhân viên vận chuyển phải làm thủ tục an ninh, trang phục không có túi, lắp đặt thêm nhiều camera giám sát.

Ngoài ra, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng phối hợp với Bộ Công an thành lập tổ chống tội phạm hàng không.

Cục hàng không Việt Nam lên tiếng

Trước đó, trong chiều 25/5, Cục hàng không Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển đường hàng không.

Trong kế hoạch này, Cục tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, phát huy sức mạnh của tập thể cán bộ, nhân viên trong công tác đấu tranh đối với hành vi trộm cắp tài sản...

Ảnh chiếc vali bị phá, mất đồ do chị Phương Anh cung cấp

Ảnh chiếc vali bị phá, mất đồ do chị Phương Anh cung cấp

Cục đã và đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng như quy trình giao nhận, bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hành lý... để sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý chặt chẽ và phân định trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác kiểm soát an ninh nội bộ như rà soát đánh giá lại toàn bộ số nhân viên liên quan đến công tác phục vụ hành lý, hàng hóa, nhiên liệu máy bay...

Có chính sách, chế độ đãi ngộ, thù lao xứng đáng, đi đôi với kỷ luật nghiêm khắc nhằm khuyến khích và răn đe người lao động, đặc biệt là nhân viên tiếp xúc trực tiếp với hành lý, hàng hóa để nhân viên gắn bó với đơn vị, công việc.

Ngoài ra, các biện pháp an ninh phòng ngừa tích cực cũng được tăng cường như: kiểm tra người, phương tiện nội bộ ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là những nhân viên, phương tiện có liên quan trực tiếp đến phục vụ hành lý.

Rà soát nhân lực, trang thiết bị tại các lối đi nội bộ để bổ sung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát khu vực đảo hành lý, khu vực kiểm tra, giao nhận hành lý, hàng hóa.

Rà soát và điều chỉnh hợp lý lối ra, vào riêng cho nhân viên, phương tiện nội bộ theo hướng hạn chế số lượng lối ra, vào nội bộ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật như hệ thống camera giám sát, thiết bị theo dõi hành trình…

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nội quy, quy định của đơn vị liên quan đến phục vụ hành lý, hàng hóa, nhiên liệu máy bay và các chế tài đối với hành vi trộm cắp tài sản…

Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc phòng, chống và tố giác hành vi trộm cắp tài sản hành lý, hàng hóa.

Bên cạnh đó, tuyên truyền cho hành khách biết về các quy định về vận chuyển hành lý ký gửi, hàng hóa, đồ vật có giá trị cao...

Cục đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an mở các chuyên án về việc trộm cắp tài sản hành lý, hàng hóa.

Thường xuyên trao đổi, nắm tình hình các đối tượng có khả năng trộm cắp, phương thức thủ đoạn để có biện pháp kịp thời; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.