Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết đã nhận được đơn kiến nghị về vướng mắc trong triển khai thông tư 08 bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên.
"Hiện chúng tôi đang tập hợp ý kiến, làm việc với Vụ Pháp chế và lãnh đạo Bộ GD&ĐT để thống nhất phương án trao đổi với Bộ Nội vụ nhằm đưa ra hướng dẫn trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên", ông Đức nói. Hy vọng tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành văn bản để thầy cô yên tâm.
Cũng theo ông Đức, tại văn bản sắp sửa ban hành này, những ai trước đây đã đủ tiêu chuẩn sẽ tiếp tục được giữ nguyên chuẩn.
Đầu năm 2021, chùm thông tư về bổ nhiệm, xếp hạng và lương giáo viên của Bộ GD&ĐT từng bị phản ứng do quy định muốn lên hạng, giáo viên phải học thêm một loại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Để học các chứng chỉ trong 5 ngày đến một tuần, họ phải chi từ 2,5 đến 5 triệu đồng bằng tiền túi. Nhiều người cho rằng việc này gây lãng phí do cả nước có hơn một triệu giáo viên, lại không thực chất.
Sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT sửa đổi các quy định liên quan, việc này đã được tháo gỡ.
Tuy nhiên, vừa qua, một nhóm hơn 300 giáo viên THCS ở Hà Nội bức xúc vì không đủ điều kiện nộp hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Theo các thông tư mới của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập, giáo viên được chia thành ba hạng I, II, III. Tương ứng với từng hạng, giáo viên có mức lương khác nhau, hạng I cao nhất.
Trong đó, giáo viên tiểu học, THCS hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ 9 năm trở lên. Thời gian giữ hạng III được tính từ lúc giáo viên đạt trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Chuẩn này là giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng, giáo viên tiểu học và THCS phải có bằng đại học. Quy định này cũng được Sở Nội vụ Hà Nội nêu trong công văn hướng dẫn tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên công lập hôm 18/7.
Thực tế trước đây ngành giáo dục chỉ yêu cầu giáo viên tiểu học tốt nghiệp trung cấp, giáo viên THCS tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Khi Luật Giáo dục 2019 ra đời, nhiều giáo viên đã có hàng chục năm giảng dạy mới đi học thêm để đạt chuẩn mới.
Thậm chí có những giáo viên vào biên chế gần 20 năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã có bằng đại học... nhưng khi đăng ký xét thăng hạng II, hồ sơ bị trả về vì hiệu lực bằng đại học của giáo viên này mới được 4 năm (thiếu 5 năm theo quy định).
Do đó, hơn 300 giáo viên cùng làm đơn kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT. Trong đơn, các giáo viên cho biết đã đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ, "chờ mòn mỏi để có cơ hội thăng hạng đợt này nhưng đành ngậm ngùi lỡ hẹn khi bằng đại học chưa đủ 9 năm".
Các giáo viên cho rằng quy định phải có bằng cử nhân 9 năm mới đủ điều kiện xét thăng hạng gây thiệt thòi rất lớn cho họ, đặc biệt là giáo viên lâu năm. Nhiều thầy cô đã công tác 10-30 năm với nhiều thành tích, cống hiến nhưng chưa được, thậm chí là không bao giờ có cơ hội thăng hạng. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiền lương và các loại phụ cấp của họ.
Hiện lương giáo viên hạng III dao động 4,2-8,9 triệu đồng. Trong khi đó, lương giáo viên hạng II từ 7,2 đến 11,5 triệu đồng một tháng.
Ngoài lương, mỗi giáo viên có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp, gồm: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.