Tại buổi hội thảo này các nhà khoa học kết luận, ở nước ta, theo số liệu của giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi: 24,9%, thể gầy còm: 6,8% và thừa cân béo phì: 4,8%.
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ được cải thiện một cách chậm chạp, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém giữ vai trò then chốt.
Nguyên nhân là do sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm của người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người ở miền núi cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ... đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm như: cao huyết áp, tim mạch, loãng xương, đái tháo đường; thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư... Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia dinh dưỡng.
Nguyên nhân thứ hai là tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng...
Theo các chuyên gia, sự mất dần một số cây trồng vật nuôi truyền thống do năng suất thấp nhưng sản phẩm của chúng lại có thành phần dinh dưỡng cân đối và hàm lượng cao các chất dinh dưỡng, cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém, đã góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.
Cai sữa, ăn bổ sung sớm cũng là nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng
Theo báo cáo "Thực trạng và hiệu quả can thiệp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dân tộc Sán Dìu", GS.TS Đỗ Văn Hàm đã cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em người Sán Dìu vẫn còn cao.
Các nguyên nhân chính có thể kể đến như: trẻ bị cai sữa sớm, ăn bổ sung sớm… Sau can thiệp, tỉ lệ suy dinh dưỡng đã giảm từ 22,7% xuống 16% tuy nhiên vẫn cần tiếp tục các biện pháp can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thông qua các hoạt động truyền thông và dinh dưỡng hợp lý.
Bác sĩ Trần Thị Hồng Vân đã trình bày kết quả từ Nghiên cứu được tiến hành trên 585 phụ nữ dân tộc Tày từ 20 – 35 tuổi. Kết quả cho thấy tỉ lệ thiếu máu chung là 25.47%, thiếu máu do sắt chiếm tỉ lệ cao 44.97%. Như vậy, nhìn chung, tỉ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ dân tộc Tày cao.
Hội thảo còn có sự tham gia của TS. Nguyễn Đức Doan với báo cáo "Xác định hàm lượng peptide Beta – Casomorphins trong các sản phẩm sữa" và Chuyên viên cao cấp tư vấn thực phẩm Hoàng Thị Hoãn với báo cáo "Khả năng chống bệnh viêm loét dạ dày của nhựa cây Ashitaba ở Nhật Bản".