Sarah Najjar, 34 tuổi, ở Bristol (Anh) quyết định bơm môi sau sinh nhật 30 với giấc mơ về đôi môi căng mọng, nũng nịu kiểu Angelina Jolie. Tuy nhiên, thứ mà Najjar nhận lại quả thực khác rất xa so với những gì cô có thể hình dung.

Đôi môi nữ nha sĩ bắt đầu sưng vù lên một cách khủng khiếp. Chưa hết, phía trong vành môi xuất hiện nhiều nốt lổn nhổn. Chi phí của ca bơm môi thất bại này là 300 bảng (tương đương 9 triệu VNĐ). Nhưng Najjar thậm chí còn phải trả thêm 700 bảng (gần 21 triệu VNĐ) để làm tan chất bơm môi sau khi xảy ra phản ứng tồi tệ trên.

Mất gần 9 triệu bơm môi, 21 triệu để sửa lại, nữ nha sĩ này là một bài học chứ không phải đôi môi căng mọng như Angelina Jolie - Ảnh 1.

Đôi môi nữ nha sĩ bắt đầu sưng vù lên một cách khủng khiếp.

Najjar nhớ lại: "Môi tôi sưng to sau khi tiêm chất làm đầy. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ phản ứng đó là bình thường. Nhưng sau một tuần, tôi phát hiện những nốt mẩu màu xanh cỡ lớn, sờ vào có cảm giác rất cứng. Bạn thậm chí có thể nhìn thấy chúng khi tôi nói chuyện. Tôi biết mình như thế nào chứ. Tôi đã rất sốc khi phải gánh chịu hậu quả của việc mà tôi cho rằng, chỉ là một thủ thuật đơn giản.

Tôi đã quyết định rồi, sẽ học về phẫu thuật thẩm mỹ gương mặt để hiểu rõ hơn những sự cố nào có thể xảy ra. Nhưng bây giờ, tôi muốn giúp những người có ý định bơm môi chắc chắn rằng, họ hiểu hết mọi nguy cơ mà mình phải đối mặt.

Tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ phải đi khắc phục hậu quả của một vụ bơm môi hỏng. Và họ luôn nói với tôi cùng một điều: 'Tôi đã chọn một nơi giá rẻ'. Nhưng bạn cứ nghĩ đi, tiền nào của nấy. Giá thì rẻ nhưng bạn có thể phải tốn nhiều tiền hơn thế để làm lại".

Nữ nha sĩ tiết lộ, lần đầu cô tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ là vào năm 2016, khi ấy tôi lo lắng đôi môi mang vẻ hờn dỗi tự nhiên của mình đang dần mất đi độ căng mọng. Bản thân cô nghĩ bơm môi cũng chẳng phải thủ thuật gì phức tạp.

"Tôi thừa nhận là đã không hề tìm hiểu kỹ về chuyện này và như vậy thì chẳng giống tôi thường ngày chút nào. Nhưng tôi chưa bao giờ được thông báo về những rủi ro cũng như biến chứng có thể xuất hiện khi bơm môi".

Tại cơ sở thẩm mỹ, Najjar được bơm 1ml chất làm đầy vào môi. Với nhiều người, việc môi sưng lên sau đó không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, với Najjar, 1 tuần đã trôi qua, đôi môi vẫn không hề trở lại bình thường – rõ ràng đã có gì đó tồi tệ xảy ra.

"Môi tôi không còn láng mịn gì hết, còn nổi cục gồ ghề lắm. Vậy là tôi trở lại tìm gặp người đã bơm môi cho tôi. Họ thậm chí còn gợi ý tôi nên bơm thêm chất làm đầy để cho môi trở nên đồng đều hơn.

Giờ nhìn lại, tôi biết mình đã sai rồi. Nhưng lúc đó, tôi tin tưởng vào những gì người ta nói với mình và chỉ muốn cho xong mọi việc. Vậy là tôi lại tiêm thêm 1ml chất làm đầy nữa. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ trong vòng 2 tuần, tôi đã bơm vào môi 2ml chất làm đầy.

Tôi tỉnh dậy hôm sau, phát hiện môi sưng vều lên chưa từng thấy – theo đúng nghĩa đen luôn, phải tới 2cm chình ình trước mặt và rất cứng.

Tôi vẫn phải đi làm và quản lý của tôi đã rất choáng".

Tình trạng sưng phù cuối cùng cũng dịu đi. Nhưng Najjar cho biết, môi cô chưa bao giờ sưng cục như thế. Do sắp tới sẽ tham dự lễ cưới của một người thân nên Najjar không còn cách nào khác ngoài việc phải tìm gặp một chuyên gia da liễu để xử lý hậu quả thê thảm của vụ bơm môi bất thành.

Sau khi tìm hiểu thật kỹ càng, cô phát hiện một chuyên gia có thể tiêm cho mình hyaluronidase - một họ enzyme có thể phân giải axit hyaluronic – nguyên liệu được dùng trong phần lớn các chất làm đầy để bơm môi.

Bị chấn động mạnh bởi trải nghiệm kinh khủng trên, nữ nha sĩ 34 tuổi quyết định đăng ký khóa học về thẩm mỹ gương mặt tại một cơ sở danh tiếng.

"Tiêm hyaluronidase khiến tôi tiêu tốn thêm 700 bảng nữa - nhiều hơn gấp đôi so với khoản tiền tôi đã bỏ ra để bơm môi", Najjar kể. "Tôi thực sự đã có một phản ứng dị ứng nhẹ với hyaluronidase và miệng tôi lại bắt đầu sưng. Nhưng tôi cũng đã được kê đơn thuốc kháng histamine. Cuộc hẹn 'chỉnh sửa' này của tôi đúng vào đêm Giáng sinh. Nên thật bất ngờ khi họ đồng ý tiếp tôi bởi tôi đoán bác sĩ chắc hẳn rất bận hoặc đã kín lịch rồi.

Sau đó, tôi trải qua 2 ngày được theo dõi chặt chẽ và thật may mắn, đôi môi tôi bắt đầu trở lại bình thường".

Bị chấn động mạnh bởi trải nghiệm kinh khủng trên, nữ nha sĩ 34 tuổi quyết định đăng ký khóa học về thẩm mỹ gương mặt tại một cơ sở danh tiếng.

Giờ đây, sau khi đã được đào tạo chính quy, được cấp bằng và hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy, Najjar đã có thể tự tin vận dụng kinh nghiệm của chính mình để đảm bảo những người phụ nữ khác hiểu rõ các rủi ro tiềm ẩn của việc bơm môi.

Theo một tuyên bố năm 2017 của Hiệp hội các Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh (BAAPs), vẫn chưa có quy định về sử dụng chất làm đầy tại Anh. Như vậy, "bất cứ ai sử dụng bơm kim tiêm thì đều có thể đặt hàng chất làm đầy qua mạng", sau đó, thủ thuật thường được thực hiện trong những môi trường không chính thống, không tiệt trùng.

Một cuộc điều tra nội bộ mà BAAPs tiến hành với các thành viên vào năm 2017 cũng cho thấy, 4/5 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã ghi nhận sự gia tăng trong nhu cầu tiêm chất làm đầy. Gần 1/3 trong số này nhấn mạnh rằng, việc tiêm chất làm đầy "rõ ràng được thực hiện bởi những người không được đào tạo một cách chính quy".

Najjar bày tỏ: "Thật đáng lo ngại khi số người không đủ tiêu chuẩn đang trực tiếp tiêm các mũi tiêm chứa chất làm đầy. Nhân viên thẩm mỹ viện không nhất thiết phải qua đào tạo y khoa phù hợp - họ chỉ cần học từ nhau – và họ cũng không thể kê đơn thuốc nếu cần hay giải quyết các biến chứng.

Hãy đảm bảo bạn xem xét hồ sơ của người thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ cho bạn để biết công việc của họ là gì cũng như bạn có thể trông đợi điều gì.

Bác sĩ và nha sĩ được đào tạo suốt nhiều năm. Vậy mà có những người chỉ qua các khóa đào tạo 1 ngày cũng khẳng định mình đủ năng lực làm điều tương tự.

Khi họ đưa ra cái giá quá hời, bạn cần phải tự hỏi lý do tại sao. Chất làm đầy họ dùng rẻ tới mức nào? Bạn có thể dễ dàng mua trên mạng với giá 35 bảng/ml. Và thứ như vậy chắc chắn tôi không để tiêm vào mặt mình, nói gì tới các khách hàng của tôi".