Gia tăng lừa đảo chiếm đoạt tiền thật qua sàn tiền ảo
Ứng dụng đầu tư tiền ảo có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu app này dẫn dụ, lôi kéo, thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư. Còn nhóm những nạn nhân, người ít thì mất vài tỷ đồng, người nhiều mất tới 2 - 3 triệu USD.
Đáng chú ý, các đối tượng đã nhắm đến những nạn nhân là doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp và cả các cán bộ hưu trí… Những người được nhiều người biết đến, nên rất ít khi tố cáo bởi sợ bị tai tiếng khi các vụ việc này vỡ lở.
"Chúng đánh vào tâm lý của từng đối tượng, thường là những người thân nhất hay bị lôi kéo theo. Sau những lần chúng tổ chức các sự kiện để lôi kéo đã có hàng trăm, hàng nghìn nạn nhân lớn nhỏ, một vài trăm nghìn USD, hoặc một vài trăm triệu rất nhiều, riêng nhóm lên đến vài triệu USD", một nạn nhân chia sẻ.
Tạo các con số hiện trên app để người chơi tưởng đồng tiền đầu tư sinh lợi cao, tạo các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trên các mạng xã hội và mời thành viên vào nhóm, trong đó có các đối tường môi giới tự xưng là chuyên gia, hay người đại diện của doanh nghiệp có kinh nghiệm để chia sẻ thông tin đầu tư, sau đó mời gọi, dụ dỗ người chơi nộp tiền vào tài khoản trên app và bất ngờ đóng tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tiền.
Một điểm chung của các vụ lừa đảo qua sàn tiền ảo là các tên miền những sàn giao dịch này sử dụng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
"Trong một tháng, họ liên tục tổ chức hội thảo, có ngày tới hàng chục cuộc hội thảo. Tôi thấy lợi nhuận cao, tôi đầu tư hơn 30 tỷ. Trong một đêm, sáng hôm sau thấy tắt app", một nạn nhân khác cho biết.
"Nhiều nạn nhân đã khuynh gia bại sản, thậm chí tổn hại đến sức khỏe. Có những người đã bán cả nhà, thế chấp nhà cửa, những đồng tích cóp cả đời đi làm cũng nướng vào hết", một nạn nhân khác cho hay.
Một điểm chung của các vụ lừa đảo qua sàn tiền ảo là các tên miền những sàn giao dịch này sử dụng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Sau khi đã lừa được một lượng người nhất định, các nhóm này sẽ chuyển sang một tên miền khác và cho sàn cũ ngừng hoạt động để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.
Nhận diện tiền ảo
Các vụ lừa đảo tương tự đang gia tăng nhanh chóng. Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc truy vết và xử lý loại tội phạm công nghệ cao này. Tiền ảo là khái niệm dễ bị nhầm lẫn với tiền điện tử và tiền kỹ thuật số. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người dễ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Hãy cùng chúng tôi nhận biết các loại tiền này
Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được mã hóa lưu trữ trên một thiết bị điện tử như ATM, thẻ phi vật lý, tài khoản ngân hàng, ví điện tử….; là thể hiện của tiền pháp định của một quốc gia trên môi trường điện tử, như VND, USD. Tại Việt Nam, việc chuyển tiền Việt Nam VND qua ATM, app... chính là chuyển tiền điện tử. Người dùng có thể đổi từ tiền pháp định ở dạng điện tử sang tiền mặt để giao dịch ngoài Internet.
Tiền kỹ thuật số (Crytocurrency) là tiền được mã hóa từ những bit số, không phụ thuộc hay bị điều khiển bởi bất cứ ai và có tính bảo mật cao. Được tạo ra bằng cách đào và sử dụng mật mã học để lưu trữ các giao dịch, sử dụng công nghệ blockchain phi tập trung, ví dụ: Bitcoin, Binance Coin… Hiện nay, một bộ phận người dân ở Đức, Mỹ, Nhật Bản... rất chuộng do tính thanh khoản cao và sự thuận lợi của nó.
Tiền ảo (Virtual money) không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương các nước phát hành, mà chỉ do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán mã hóa phức tạp. Nó chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ; thể hiện dưới dạng như: xu trong game, coin trong game... với mục đích mua, bán, trao đổi vật phẩm, dịch vụ trên các trang mạng điện tử, trò chơi trực tuyến... Ví dụ như tiền xu trong Shopee có thể đổi thành phiếu giảm giá.
Lỗ hổng pháp luật trong quản lý tiền ảo
Số nạn nhân bị lừa đảo qua hình thức giao dịch tiền ảo đang gia tăng, chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên mạng. Để không trở thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao, người dân cần có đủ kiến thức về các loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo…
Thủ đoạn chung các đối tượng sử dụng khiến nạn nhân mắc bẫy là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư.
"Những ứng dụng hiện nay các đối tượng sử dụng đều có nền tảng ở nước ngoài. Việc truy vết đối tượng và tính năng ẩn danh trên không gian mạng rất khó khăn. Thứ hai là sự mất cảnh giác của người dân trong khuôn khổ pháp lý, hành lang pháp lý của chúng ta còn có những cái chưa điều chỉnh kịp thời, đặc biệt liên quan đến hoạt động đầu tư tiền ảo", Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết.
Không mất nhiều công sức, lại được hưởng lợi nhuận lớn - cái "bẫy" này không mới nhưng chưa bao giờ cũ, chỉ cần một chút mất tỉnh táo là ai cũng có thể trở thành nạn nhân cho một loại hình lừa đảo mà tự mình phải gánh chịu mọi rủi ro, vì luật pháp Việt Nam hiện chưa công nhận tài sản ảo.
"Các đối tượng cả trong và ngoài nước lập nhiều hội nhóm trên không gian mạng, đặc biệt là dịch vụ OTT như Facebook, Zalo, thậm chí hiện nay có trào lưu các đối tượng lợi dụng TikTok để quảng bá, từ đó dẫn dụ người dân đầu tư. Người dân cần kiểm tra thông tin xác thực về hoạt động đầu tư mình dự kiến đầu tư", Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho biết thêm.
Hiện trên thế giới đã có trên 5.400 loại tiền kỹ thuật số, tiền ảo, do đó cần sớm xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các rủi ro cho người dân và nền kinh tế, đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc sống.
Theo quy định, mức phạt vị phạm hành chính sẽ là từ 50 - 100 triệu đồng với các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt này hiện quá thấp so với khả năng thu lợi nên chưa đủ sức răn đe với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Cuối cùng, người dân vẫn cần phải tỉnh táo để không bị sập bẫy.